Hệ thống chú thích

  1. Khoai mài
    Một loại dây leo cho củ (gọi là củ mài, củ chụp hoặc củ hoài sơn). Củ mài ăn được và còn có tác dụng chữa bệnh.

    Củ mài

    Củ mài

  2. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  3. Khoai mỡ
    Một loại dây leo cho củ, còn có tên là khoai lăng, khoai tím, củ tía hoặc củ lỗ. Khoai mỡ có hai loại: ruột trắng và ruột tím. Người Việt dùng khoai mỡ tím nấu xôi, làm bánh, chiên giòn, nấu cháo, nhưng phổ biến và dễ làm nhất là nấu canh ăn trong bữa cơm hằng ngày.

    Khoai mỡ

    Khoai mỡ

  4. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  5. Khoai sọ
    Tên chung của một số giống khoai (khoai sọ trắng, khoai sọ sớm, khoai sọ muộn, khoai sọ nghệ, khoai sọ núi...) tương tự khoai môn như cho củ nhỏ hơn, nhiều tinh bột. Khoai sọ ăn được, thường để luộc, nấu canh hoặc nấu chè, hoặc cũng dùng làm thuốc. Ở một số vùng quê trước đây có nhiều khoai sọ mọc hoang, người dân thường tìm đào ăn trong những mùa đói kém.

    Khoai sọ

    Khoai sọ

  6. Khoai từ
    Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.

    Khoai từ luộc

    Khoai từ luộc

  7. Khoán
    Giao ước làm xong công việc mới được lấy tiền.
  8. Khoang nạng
    Ngấn khoang màu trắng chạy từ hai mép tai xuống, giao nhau tại ức con trâu, tạo thành hình chữ V, giống cái nạng.
  9. Khoát
    Bề ngang hay bề rộng nói chung (từ cũ).
  10. Khoáy
    Chỗ lông hay tóc xoáy lại.
  11. Khoáy
    Xoáy tóc.
  12. Khóc điếng
    Khóc ngất, khóc một hơi dài (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Khóc ó
    Khóc rống lên cho người khác nghe thấy.
  14. Khóc rùm
    Khóc lớn tiếng (phương ngữ Nam Bộ).
  15. Khơi
    Vùng biển ở xa bờ.
  16. Khơi chừng
    Xa xôi.

    Đường đi khuất nẻo khơi chừng,
    Tuyết sương mấy dặm, suối rừng bao nhiêu.

    (Phan Trần)

  17. Khỏi họng, bọng dơ
    Cần cẩn thận với miếng ăn khi đưa vào miệng.
  18. Khởi lai
    Trỗi dậy, như khi đang nằm thì ngồi dậy (từ Hán Việt).
  19. Khởi nghĩa Ba Đình
    Một trong những cuộc khởi nghĩa theo phong trào Cần Vương chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19. Khởi nghĩa Ba Đình diễn ra vào năm 1886-1887 tại căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Xem thêm.

    Nghĩa quân cuộc khởi nghĩa Ba Định bị bắt

    Nghĩa quân cuộc khởi nghĩa Ba Đình bị bắt

  20. Khởi nghĩa Yên Bái
    Cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân đảng, đứng đầu là Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính, phát động trên các tỉnh miền Bắc vào ngày 10 tháng 2 năm 1930 nhằm lật đổ chính quyền thuộc địa của Pháp, xây dựng một nước Việt Nam theo chính thể cộng hòa. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thất bại, Nguyễn Thái Học cùng với 12 bạn đồng chí bị tử hình.