Hệ thống chú thích
-
- Bãi hạc, gành nghê
- Bãi chim hạc, gành con nghê, hai hình ảnh thường thấy trong hát bả trạo và các loại hình nghệ thuật dân gian khác ở các vùng duyên hải Trung Bộ, tượng trưng cho hành trình đi biển của ngư dân.
-
- Bãi Ké
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bãi Ké, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bãi Môn
- Một bãi biển thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Bãi Môn được Mũi Nạy ở phía Bắc và Mũi Điện ở phía Nam che chắn, bờ biển dài hơn 400m, cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhẹ, độ dốc nhỏ và thoải dần ra xa. Bãi Môn–Mũi Điện được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2008, và hiện nay là một điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.
-
- Bãi Nam
- Bãi biển hướng về hướng chính Nam trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, dân địa phương thường quen gọi là bãi Nờm hay bãi Nồm.
-
- Bãi Ngang
- Bãi biển nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một bãi cát dài hơn mười cây số, cát trắng mịn, với bờ phi lao xanh ngút ngàn.
-
- Bãi Ngao
- Tên một phần thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An của đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì ở đây rất nhiều nghêu sò, đặc biệt là sò huyết, một đặc sản của đầm Ô Loan.
-
- Bãi Nhạn
- Tên chữ là Nhạn Châu, theo cách gọi của sử sách đời Nguyễn, một doi đất nhọn phía Đông thành phố Quy Nhơn (thuộc phường Hải Cảng), tỉnh Bình Định. Bãi Nhạn có diện tích ước tính 0,25 km2, địa thế tương đối bằng phẳng.
-
- Bãi Nồm
- Một bãi biển nay thuộc địa phận thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Hiện nay đây là một điểm đến du lịch nổi tiếng của địa phương.
-
- Bãi Rạng
- Cũng gọi là biển Rạng, một vùng biển thuộc địa phận huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Bãi Rạng có vẻ đẹp hoang sơ và nhiều sản vật, hiện là một trong những điểm đến du lịch được ưa thích của Quảng Nam.
-
- Bãi Sậy
- Địa danh trước đây bao gồm địa phận các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vào cuối thế kỉ 19 do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo.
-
- Bãi Tiên
- Một bãi biển thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cách thị trấn Sông Cầu 15km về phía bắc, nằm giữa đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Do ở phía ngoài biển có những dãy núi nhỏ và bán đảo che chắn nên Bãi Tiên nước nông. Bên trong núi chạy kẹp sát nên đã tạo cho nơi này phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ quanh năm. Theo truyền thuyết, nơi đây trước kia có tiên nữ xuống tắm, vì vậy thành tên Bãi Tiên.
-
- Bài tới
- Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.
Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.
-
- Bãi tràng
- Tan trường.
-
- Bãi Trầu
- Một bãi cát nằm trong vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.
-
- Bãi Trường
- Bãi Trường Sa. Đại Nam nhất thống chí, quyển chép về tỉnh Quảng Ngãi có đoạn: “Trên đảo có bãi Trường Sa, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục danh là Vạn Lý Trường Sa...”
-
- Bài vị
- Thẻ bằng giấy hoặc gỗ mỏng có ghi tên tuổi, chức vụ người đã khuất, để thờ cúng.
-
- Bãi Võ
- Tên gọi xưa kia của bãi biển Đại Lãnh, thuộc tỉnh Phú Yên.
-
- Bãi Xàu
- Tên gọi đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay. Đây là một thương cảng lớn hồi đầu thế kỷ 20, được hình thành từ sông Ba Xuyên ăn thông ra sông Hậu, thuận tiện cho ghe xuồng, tàu lớn hoạt động liên tục suốt ngày đêm, là tuyến đường chính ăn thông với các xã huyện nhà, các huyện lân cận và liên tỉnh. Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán nhiều loại trái cây, rau, gà, vịt, heo...
Giải thích cho tên gọi Bãi Xàu, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển nêu ra mấy giả thuyết sau:
- Tương truyền ngày xưa người Khmer đang nấu cơm, bỗng nghe tin giặc sắp tới, nên hối hả ăn cơm còn sống để chạy, do đó mới gọi là srok Bày Chau, sau này người Việt đọc chệch thành Bãi Xàu.
- Khi quân triều đình nhà Nguyễn truy đuổi giặc Xà Na Téa tới đây thì quân giặc bỏ chạy khi đang nấu cơm còn sống.
- Xưa có người vào rừng đốn củi, nhân đó lấy trứng trong rừng đem luộc nấu cơm ăn. Trứng chưa chín thì cặp rắn thần xuất hiện đòi trứng, người này bỏ chạy. Lúc trở lại, lửa đã tắt, trứng đã được rắn thần lấy đi, nồi cơm thì còn sống. Hiện nay, cạnh miếu ông Ba Thắc ở xóm Chợ Cũ có hang rắn hổ ngựa, đồn rằng là chỗ đó.
-
- Bãi Xép
- Một bãi biển thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, được ví như "nàng tiên còn say giấc." Đây là một bãi cát vàng óng kéo dài giữa hai mũi đá lớn nhô ra biển, bãi như một thiên đường hoang sơ với cảnh quan đẹp.
-
- Bầm
- Mẹ (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).