Virus

Bài đóng góp:

  • Đêm qua ra đứng bờ ao

    Đêm qua ra đứng bờ ao,
    Trông cá: cá lặn; trông sao: sao mờ.
    Buồn trông con nhện chăng tơ,
    Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
    Buồn trông chênh chếch sao Mai,
    Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
    Đêm đêm tưởng giải Ngân Hà,
    Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn.
    Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
    Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

  • Một quan tiền tốt mang đi

    – Một quan tiền tốt mang đi
    Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
    – Thoạt tiên mua ba tiền gà,
    Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.
    Trở lại mua sáu đồng cau,
    Tiền rưỡi miếng thịt, bó rau  mười đồng.
    Có gì mà tính chẳng thông?
    Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.
    Ba mươi đồng rượu, chàng ơi!
    Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.
    Hai chén nước mắm rõ ràng,
    Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.
    Hăm mốt đồng bột nấu chè,
    Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan.

  • Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng

    Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng
    Công anh dan díu với nàng đã lâu.
    Bây giờ nàng lấy chồng đâu,
    Ðể anh giúp đỡ trăm cau ngàn vàng.
    Trăm cau để thết họ hàng,
    Ngàn vàng anh đốt giải oan lời thề.

    Dị bản

    • Ðồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
      Anh tiếc công anh gắn bó với cô nàng bấy lâu.
      Bây giờ cô lấy chồng đâu,
      Ðể anh giúp đỡ trăm cau, nghìn vàng.
      Năm trăm anh đốt cho nàng,
      Còn năm trăm nữa giải oan lời thề.
      Xưa kia nói nói, thề thề,
      Bây giờ bẻ khóa, trao chìa cho ai?
      Bây giờ nàng đã nghe ai?
      Gặp anh ghé nón, chạm vai chẳng chào?

Chú thích

  1. Chăng tơ
    Có bản chép: giăng tơ.
  2. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  3. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  4. Chuôi
    Có bản chép: bóng.
  5. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  6. Tào Khê
    Tức khe Tào, một dòng suối chảy trước chùa Nam Hoa (tên cũ là chùa Bảo Lâm), ngày nay thuộc quận Khúc Giang, thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Tương truyền vào năm 502, một nhà sư người Ấn Độ là Trí Dược Tam Tạng đi thuyền sang Trung Hoa, khi thuyền qua Tào Khê, sư lấy tay vốc nước nếm thử, thấy thơm ngon, liền bảo: "Đầu nguồn suối ắt có nơi đất tốt." Sư liền ngược dòng đi lên nguồn, mở núi dựng chùa gọi là chùa Bảo Lâm. Về sau sư Huệ Năng, tổ đời thứ sáu của Phật Giáo Thiền Tông Trung Quốc, đến đây tu hành, thành lập phái Nam Tông. Từ đó, nói đến Tào Khê là nói đến cảnh tu hành. Nước Tào Khê tượng trưng cho dòng nước Thiền có tác dụng thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch bụi trần.
  7. Có bản chép: Tào Khê nước chảy, lòng còn trơ trơ.
  8. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  9. Tiền quý
    Tiền có hai hạng, tiền quý (còn gọi là cổ tiền, tiền tốt) thì một tiền bằng 60 đồng tiền kẽm (một quan bằng 10 tiền, tức 600 đồng kẽm), tiền gián (còn gọi là sử tiền) thì một tiền bằng 36 đồng kẽm (tức một quan bằng 360 đồng kẽm). Hình thức lưu hành hai loại tiền tệ này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18, và tồn tại không lâu vì cách tính phức tạp của nó.
  10. Có bản chép: Nàng mua những gì hãy tính cho ra.
  11. Có bản chép: giá, rau.
  12. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  13. Vàng
    Vàng mã để đốt cho người đã khuất.
  14. Đồng tiền Vạn Lịch
    Một loại tiền đúc thời Vạn Lịch nhà Minh. Vạn Lịch là niên hiệu duy nhất của vua Minh Thần Tông, trị vì Trung Quốc từ năm 1572 đến năm 1620.

    Minh Thần Tông

    Minh Thần Tông

  15. Bốn chữ "Vạn Lịch thông bảo" 萬曆通寶 (đồng tiền lưu hành thời Vạn Lịch) đúc trên đồng tiền.

    Đồng tiền Vạn Lịch

    Đồng tiền Vạn Lịch

  16. Có bản chép: Anh tiếc công anh dan díu với nàng bấy lâu.