Ăn Tiền Hải, cãi Kiến Xương
Dở dở ương ương là dân Quỳnh Phụ
Lử khà lử khử là dân Đông Hưng
Ăn nói lừng khừng là dân thị xã
Thái độ lèo lá chính hiệu Vũ Thư
Phong thái hiền từ là người Thái Thụy
Đêm nằm bàng bạc ánh trăng,
Ngân Sơn bên đó, Mằng Lăng bên này
Thuyền xao bóng nước gió lay
Lòng em xáo động chàng hay chăng chàng?
Một dòng nước chảy Tam Giang
Bởi lời cha mẹ phụ phàng tình anh.
Tên một cụm núi có các định cao 303m và 453m, nằm trải dài dọc theo phía nam sông Ba, nay chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Trước đây trên núi Lá có rất nhiều cọp.
Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.
Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.
Câu thành ngữ có từ thời Pháp thuộc. Có một số cách giải thích:
- Gái Hòn Gai vùng cảng biển lanh lợi hoạt bát, có của ăn của để, còn trai Cẩm Phả ngày ấy phần lớn làm phu mỏ, đen đúa, ốm yếu và nghèo.
- Hòn Gai là nơi tập trung những quan lại, chức dịch,[...] lựa chọn những gái xinh nhiều nơi về làm vợ, làm lẽ [...] Còn Cẩm Phả là nơi phu mỏ tụ tập. Đã là phu phải khỏe mới cáng đáng nổi việc [...]. Vậy nên gái Hòn Gai đẹp còn trai Cẩm Phả thì phải khỏe. (Trần Tâm — tiểu thuyết Người từ vùng than).
Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn và Ngô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.
Tên dân gian quen gọi ngõ Hàng Bông (cắt phố Hàng Bông và Tống Duy Tân), thời Pháp thuộc tên là phố Lông-đơ (rue Lhonde), sau 1945 đổi thành ngõ Cấm Chỉ, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông. Về tên gọi Cấm Chỉ, có hai giả thuyết:
1. Đây là lối đi vào Dương mã thành, cấm đi lại khi đã có trống, chuông thu không (lúc chiều tối).
2. Chúa Chổm ra chỉ cấm không cho những người đòi nợ đi qua đây để đòi nợ tiếp.
Cũng gọi là Soi Búng, địa danh nay thuộc thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có nghề truyền thống là trồng dưa (chủ yếu là dưa hấu).
Một địa danh nay thuộc thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày trước đây là phường lụa Ngân Sơn, có cách đây hơn 300 năm. Phường lụa có ba sản phẩm là gấm, lụa và lãnh. Cả ba sản phẩm đều dệt từ tơ tằm, chỉ khác nhau ở cách dệt và cách nhuộm. Lụa thường không nhuộm, có màu trắng như vỏ trứng gà dùng để may áo; lãnh được nhuộm đen để may quần. Gấm lụa của phường lụa Ngân Sơn rất đắt, chỉ có nhà khá giả mới mua nổi mà mặc, đồng thời từng là sản phẩm cống vua, dùng để may trang phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu.
Một đầm nước lợ thuộc tỉnh Phú Yên, dưới chân đèo Quán Cau, lấy nước từ sông Cái và một số sông nhỏ khác. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh.
Cũng gọi là sông Cái, một con sông lớn chảy qua tỉnh Phú Yên. Sông dài 120 km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 m tại giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, chảy qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, đổ ra cửa biển Tiên Châu với một phân lưu đổ vào đầm Ô Loan. Các chi lưu của nó là Cà Tơn, suối Cối, Thác Dài. Đoạn chảy trên địa phận tỉnh Phú Yên dài 76 km. Phần thượng lưu của sông chảy giữa các dãy núi, nên hẹp, sâu và có độ dốc lớn. Mùa mưa trên sông hay có lũ. Do có đặc điểm như vậy, hàng ngàn năm những chân núi mà sông đi qua bị bào mòn tạo ra nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp và nên thơ. Tới hạ lưu, sông rộng hơn; hai bên bờ có nhiều bãi cát phẳng. Mùa hè nước sông trong veo tươi mát màu ngọc bích, có nơi nhìn thấy đáy sông.
Tên phần thượng lưu của sông Đà Rằng, con sông bắt nguồn từ dãy Ngọc Rô của tỉnh Kon Tum, chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, vựa lúa lớn nhất miền Trung với diện tích hơn 20.000 ha.
Một ngôi miếu thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, nay là thị trấn Chí Thạnh, Tuy An, Phú Yên. Tương truyền Bà Trang là người giúp vua Gia Long trốn thoát khỏi cuộc truy kích của quân Tây Sơn.
Phiên chợ vùng cao nay thuộc địa phận xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nằm sát đường số 6 đi từ La Hai đến Phú Mỡ. Chợ họp mỗi tháng chín phiên, là trung tâm giao lưu trao đổi thổ sản giữa miền núi, đồng bằng và duyên hải.
Bình luận