Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khứa
    Cứa (phương ngữ). Khi dùng như đại từ, "khứa" có nghĩa là một khúc được cứa (cắt) ra, thường dùng cho cá.

    Một khứa cá

    Một khứa cá

  2. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  5. Ngãi nhơn
    Nghĩa nhân (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Vịt tàu
    Loại vịt nhỏ, thịt không ngon, nuôi từng bầy lớn, đuổi chạy đồng vào mùa gặt.
  7. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  8. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  9. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Thi đua yêu nước
    Tên gọi của một phong trào toàn dân được phát động sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" vào ngày 11/6/1948. Trích:

    "Mục đích thi đua ái quốc là gì?
    Diệt giặc đói khổ,
    Diệt giặc dốt nát,
    Diệt giặc ngoại xâm.
    Cách làm là, dựa vào:
    Lực lượng của dân
    Tinh thần của dân, để gây:
    Hạnh phúc cho dân.
    Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua.
    Làm cho mau
    Làm cho tốt
    Làm cho nhiều."

    Tên gọi này vẫn còn được sử dụng cho một số phong trào hiện nay.

  11. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  12. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  13. Hồ Việt
    "Hồ" chỉ các dân tộc sống về phía bắc, "Việt" chỉ các dân tộc sống về phía nam Trung Quốc ngày trước. Hồ Việt chỉ sự xa xôi cách trở.

    Chữ rằng: Hồ Việt nhứt gia
    Con đi tới đó trao qua thơ này

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  14. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  15. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  16. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  17. Bả lú
    Đánh bả làm cho người khác lú lẫn, si dại.
  18. Thanh Lanh
    Một làng nay thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước kia Thanh Lanh là vùng rừng núi âm u, không người ở, khí hậu ẩm thấp, nổi tiếng “ma thiêng nước độc.”

    Hồ Thanh Lanh núi Ngọc Bội

    Hồ Thanh Lanh núi Ngọc Bội

  19. Kẽm Dòm
    Một con đèo trên núi Sóc Sơn, giữa hai huyện Kim Anh và Đa Phúc (trước kia thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, sau hợp nhất thành huyện Sóc Sơn thuộc tỉnh Vĩnh Phú, nay thuộc Hà Nội).
  20. Ngọc Bội
    Một làng nay thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

    Hồ Thanh Lanh núi Ngọc Bội

    Hồ Thanh Lanh núi Ngọc Bội

  21. Để chế
    Để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  22. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  23. Núi Sam
    Tên chữ là Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn, một ngọn núi nằm trong vùng Bảy Núi, trước thuộc xã Vĩnh Tế, nay là phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Trên và quanh núi Sam có nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang)...
  24. Thoại Ngọc Hầu
    (1761-1829) Tên thật là Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy, một danh tướng nhà Nguyễn. Ông là người có công rất lớn trong việc khai khẩn vùng Châu Đốc-An Giang hiện nay, với các công trình đào kênh Vĩnh Tế, làm đường Núi Sam-Châu Đốc, lập nhiều làng xã... Sau khi mất, ông được an táng trong lăng dưới chân núi Sam, người dân cũng gọi là lăng Ông Lớn.

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

  25. Giao ngôn
    Lời hứa, lời ước hẹn (giao nghĩa là bền chặt).