Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  2. Oai phuông
    Oai phong (từ cổ, phương ngữ).
  3. Làng Thuận Yên giáp với rừng núi, ban đêm thường có thú dữ mò xuống kiếm ăn. Dân làng thường gõ mõ để báo động.
  4. Ngã Bảy
    Địa danh nay là một thị xã thuộc tỉnh Hậu Giang, là nơi gặp nhau của bảy dòng kênh là Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá và kênh Xáng. Trước đây ở đây có chợ nổi Ngã Bảy (cũng gọi là chợ Phụng Hiệp), một khu chợ trên sông nổi tiếng của vùng Tây Nam Bộ, là đầu mối buôn bán giao thương rất sầm uất. Chợ nổi Ngã Bảy được nhắc đến trong bản vọng cổ Tình anh bán chiếu của cố soạn giả Viễn Châu:

    Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào bên dòng kinh Ngã Bảy
    Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào?

    Chợ Ngã Bảy

    Chợ Ngã Bảy

  5. Mang Thít
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long. Trước đây huyện có tên gọi là Măng Thít hay Mân Thít. Chúa Nguyễn Ánh sau khi khôi phục đất Gia Định, đặt phủ Mân Thít, giao cho Thổ quan là Nguyễn Văn Tồn quản lí. Mang Thít có nghề làm gạch, gốm, và nổi tiếng là vùng đất trồng nhiều lúa gạo và trái cây ngon của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    Gạch Mang Thít

    Gạch Mang Thít

  6. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  7. Bà Soi
    Địa danh thuộc ấp Hồi Tường, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
  8. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  9. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  10. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  11. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  12. Bùi Kiệm
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.

    Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
    Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.

  13. Quan Công
    Tên thật là Quan Vũ, tự là Vân Trường, Trường Sinh, một danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Quan Công là một trong những nhân vật lịch sử được biết đến nhiều nhất ở Đông Á, hình ảnh của ông được đưa vào nhiều loại hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v. Ông được biểu tượng hóa thành hình mẫu con người trung nghĩa, chính trực, được thờ phụng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hồng Kông.

    Hình tượng quen thuộc của Quan Công trong dân gian: mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt, có lúc cưỡi ngựa xích thố

    Hình tượng quen thuộc của Quan Công trong dân gian: mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây Thanh Long Yển Nguyệt đao, có lúc cưỡi ngựa Xích Thố

  14. Nghì
    Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
  15. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  16. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  17. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  18. Có bản chép: ở lại.
  19. Nói vuốt đuôi lươn
    Nói gạt nhau; không giữ lời nói. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  20. Rau ranh
    Một loại rau mọc hoang trên rừng, lá to bằng lá chè, có màu nõn chuối, mùi hơi chua. Rau ranh mọc nhiều nhất ở vùng núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) và Trà My (Quảng Nam).

    Rau ranh, ốc đá

  21. Ốc đá
    Một loài ốc sống trong các gộp đá ở các suối trên núi cao, lớn hơn đầu đũa một chút, vỏ màu đen rất cứng.

    Rau ranh, ốc đá

    Rau ranh, ốc đá

  22. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  23. Câu này có thể hiểu là: rau ranh, ốc đá đối với người dân miền ngược cũng (ngon) như canh cá ở miền xuôi.
  24. Thủng thẳng
    Thong thả (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Có bản chép: ưng.
  26. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  27. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  28. Ba Tri
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) - nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19.

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre