Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  2. Đề Gi
    Một làng biển thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm ngay cửa nơi vịnh Nước Ngọt ăn thông ra biển. Đề Gi nổi tiếng với nghề làm muối và nước mắm, và hiện nay cũng đang là một cảng biển tấp nập.

    Cảng cá Đề Gi

    Cảng cá Đề Gi

  3. Châu chấu
    Loại côn trùng nhỏ, chuyên ăn lá, có cánh màng, hai chân sau rất khỏe dùng để búng.

    Châu chấu

    Châu chấu

  4. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  5. Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ
    Trong chế độ đa thê trước kia, đàn bà ngoại tình có thể lập mưu giết chồng để được sống tự do với kẻ gian phu, trong khi đàn ông thường không nảy sinh ý định giết vợ (vì không cần thiết).
  6. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  7. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  8. Ninh Hòa
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa. Huyện Ninh Hòa nằm ngay sát bờ biển, từ xưa đã nổi tiếng với hai đặc sản là nem và vịt. Nhất là ở làng Phú Hòa (xã Ninh Quang), nhờ có cánh đồng trũng đất đai phì nhiêu, nên nuôi vịt rất dễ, vịt chóng lớn, thịt mềm ngon.

    Vịt trên cánh đồng Ninh Hòa

    Vịt trên cánh đồng Ninh Hòa

  9. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  10. Có bản chép: má son.
  11. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  12. Cá sấu
    Một loài bò sát ăn thịt, thường sống ở môi trường nước như đầm lầy, sông suối, có bộ hàm rất khỏe. Chữ sấu trong cá sấu bắt nguồn từ phiên âm tiếng Trung 兽 (shou) có nghĩa là "thú." Người Trung Quốc xưa gọi như vậy vì nó vừa sống dưới nước như cá vừa có nanh vuốt giống thú.

    Cá sấu

    Cá sấu

  13. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  14. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  15. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  16. Chà
    Bẫy thú làm từ cành cây gai.
  17. Câu liêm
    Dụng cụ gồm một lưỡi quắm hình lưỡi liềm lắp vào cán dài, dùng để móc vào mà giật, cắt những vật ở trên cao. Ngày xưa câu liêm còn được dùng làm vũ khí.

    Câu liêm

    Câu liêm

  18. Liềm
    Một nông cụ cầm tay có lưỡi cong khác nhau tùy từng loại, phía lưỡi thường có răng cưa nhỏ (gọi là chấu), dùng để gặt lúa hoặc cắt cỏ. Liềm có thể được xem là biểu tượng của nông nghiệp.

    Cái liềm

    Cái liềm

  19. Có bản chép: Mười lăm.
  20. Trăng náu
    Có ý kiến cho rằng trăng náu bắt nguồn từ "trăng đáo" nghĩa là trăng đầy, đủ.
  21. Trăng treo
    Có ý kiến cho rằng trăng treo bắt nguồn từ "trăng chiêu," nghĩa là trăng sáng.
  22. Lý Sơn
    Địa danh nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cụm đảo gồm Lý Sơn (tên dân gian là cù lao Ré), hòn Bé (cù lao Bờ Bãi) nằm ở phía Bắc, và hòn Mù Cu ở phía Đông. Trong số ba đảo này thì cù lao Ré là đảo lớn nhất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

    Đây là một địa điểm du lịch rất đẹp, đồng thời nổi tiếng với đặc sản gỏi tỏi, được mệnh danh là "vương quốc tỏi."

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

  23. Dốc Một, chùa Lầu
    Hai địa danh nay thuộc tỉnh Phú Yên. Dốc Một ở cách đèo Quán Cau về phía núi Đọ 3 km, trên dốc có một chùa có gác chuông cao nên gọi là Chùa Lầu. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết của một đôi trai gái không lấy được nhau, bỏ nhà đi tu.
  24. Thâm ân
    Ân tình, ân nghĩa sâu nặng.
  25. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  26. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  27. Kim cổ kì quan
    Những cảnh lạ (kì quan, hiểu rộng ra là chuyện lạ) từ xưa (cổ) đến nay (kim).
  28. Đoài
    Phía Tây.
  29. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  30. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  31. Củi rều
    Củi từ cành cây nhỏ, cây vụn trôi trên sông.
  32. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  33. Đồng điếu
    Còn gọi là đồng đỏ, đồng mắt cua hoặc đồng thanh, là hợp kim của đồng (thường là với thiếc), trong đó tỉ lệ đồng nguyên chất rất cao (97%).

    Tiền Cảnh Hưng bằng vàng (trái) và đồng đỏ

    Tiền Cảnh Hưng bằng vàng (trái) và đồng đỏ

  34. Cầu Tràng Tiền
    Còn có tên gọi là cầu Trường Tiền, một chiếc cầu gồm sáu nhịp dầm thép thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương, ngay trung tâm thành phố Huế. Đây là một trong những chiếc cầu thép đầu tiên được xây tại Đông Dương. Tràng Tiền hay Trường Tiền đều có nghĩa là "công trường đúc tiền" vì chiếc cầu này được xây gần công trường đúc tiền của nhà Nguyễn. Sau 30 tháng 4 năm 1975, tên gọi dân gian này trở thành tên chính thức. Trước đó, cầu còn có các tên gọi khác: cầu Đông Ba (do ở gần chợ Đông Ba), cầu Mây, cầu Mống, Thành Thái, Clémenceau, và Nguyễn Hoàng.

    Cầu Tràng Tiền

    Cầu Tràng Tiền

  35. Quan xưởng Tràng Tiền
    Xưởng đúc tiền do nhà Nguyễn lập ra, hoạt động trong gần suốt thế kỉ 19. Xưởng đặt ở phía đông nam hồ Hoàn Kiếm, có tên là Cục Bảo tuyền, vì là một tràng (trường, nơi sản xuất) tiền nên cũng gọi là Tràng Tiền. Tràng đúc tiền được xây dựng trên một khu đất rộng, ngày nay tương ứng với một ô đất giáp các phố Tràng Tiền (bắc), Phạm Sư Mạnh (nam), Phan Chu Trinh (đông) và Ngô Quyền (tây) gồm lò đúc tiền và kho tạm chứa. Chiếm được Hà Nội năm 1883, Pháp đã phá tràng đúc để lấy đất xây dựng khu trung tâm vào năm 1887.
  36. Khuê môn
    Cửa nhà trong, chỗ con gái ở (từ Hán Việt).
  37. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)