Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  2. Cớ mần răng
    Cớ làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Lịnh
    Lệnh (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  6. Gia nương
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  7. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  8. Lụa liền
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lụa liền, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  9. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  10. Đèo Ngang
    Một con đèo thuộc dãy Hoành Sơn, nằm ở ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  11. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Tuyên Hóa
    Tên một huyện nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình.
  13. Hang Minh Cầm
    Tên gọi chung của một quần thể hang động thuộc địa phận làng Minh Cầm, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, là một di tích khảo cổ đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình. Hang Minh Cầm gồm có hang Chùa (tự nhiên) và hang Tàu (được đào trong giai đoạn phát triển giao thông thời Pháp thuộc, nhằm mở tuyến xe lửa nối liền Nam ra Bắc).

    Cảnh làng Minh Cầm

    Cảnh làng Minh Cầm

  14. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  15. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  16. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  17. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  18. Sông Chợ Củi
    Sông thuộc đoạn hạ lưu của dòng Thu Bồn, từ xã Điện Phong, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ở về phía cuối Gò Nổi, băng qua cầu Mống (cầu Câu Lâu) ngang qua dinh trấn Thanh Chiêm xưa, nay là xã Điện Phương (huyện Điện Bàn). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Chợ Củi được đổi tên thành Sài Thị giang và được ghi vào điển thờ. Tên đoạn sông được lấy từ tên chợ.

    Sông Chợ Củi

    Sông Chợ Củi

  19. Thành Đồng Dương
    Hay còn gọi là tháp Đồng Dương, một di tích quan trọng vào bậc nhất của Chăm Pa, gồm có hệ thống các tháp nằm gần nhau, nay thuộc địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

    tháp Đồng Dương

    Tháp Đồng Dương

  20. Tấc
    Đơn vị đo chiều dài. Một tấc ngày trước bằng 1/10 thước hoặc bằng 10 phân (tương đương 4 cm bây giờ), nay được chuyển thành 1/10 mét.
  21. Thước
    Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
  22. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  23. Tiền tài như phấn thổ
    "Phấn thổ" có lẽ là cách nói chệch của "phẩn thổ" (phân và đất), chỉ những vật dơ bẩn đáng khinh.
  24. Nghĩa trọng tợ thiên kim
    Đạo nghĩa nặng như ngàn vàng.
  25. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  26. Nhượng Bạn
    Một làng cá đã hơn một trăm năm tuổi, nay thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Dân ở đây không chỉ có tài ra khơi vào lộng, đánh cá giỏi mà còn có nghề chế biến mắm ruốc nổi tiếng. Nhượng Bạn có nghĩa là “bờ đất nhường” bắt nguồn từ truyền thuyết về đời Trần: Hồi ấy vì làng bị lấn chiếm, bà cung nhân Hoàng Căn người làng này bày mẹo lập bia dựng mốc ở nơi địa giới cũ, ít lâu sau phát đơn kiện kêu quan và đã giành lại được phần đất bị lấn chiếm.

    Vào ngày 8/4 âm lịch hằng năm, ở đây có lễ hội cầu ngư, từ ngày rằm đến 30/6 lại có hội đua thuyền.

    Lễ hội cầu ngư ở Nhượng Bạn

    Lễ hội cầu ngư ở Nhượng Bạn

  27. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  28. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  29. Trấu
    Lớp vỏ cứng đã tách ra của hạt thóc.

    Trấu

    Trấu

  30. Chắc
    Nhau (phương ngữ Quảng Bình). Đánh chắc nghĩa là đánh nhau. Một chắc hoặc riêng chắc nghĩa là một mình.

    Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni:
    Dân chúng cầm tay lắc lắc:
    “Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc!”

    (Nhớ - Hồng Nguyên)

  31. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng