Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng

  2. Su sơ
    Ngu ngơ (theo Việt Nam Tự điển Khai Trí Tiến Đức).
  3. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  4. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  5. Chi tử vu quy
    Người con gái về nhà chồng. Lấy từ Kinh Thi:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Dịch thơ:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    (Tạ Quang Phát dịch)

  6. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Tỉ
    So sánh, ví dụ, giống như.
  8. Tăng Tử
    Tên thật là Tăng Sâm (曾参), tự Tử Dư, một trong những học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử. Ông làm ra sách Đại học gồm 10 thiên và là một trong Tứ thư của Nho gia (cùng với Trung dung, Luận ngữMạnh Tử). Tăng Sâm cũng nổi tiếng là người con có hiếu, tương truyền khi mẹ ông cắn ngón tay thì ông cảm thấy đau quặn trong lòng.

    Tượng Tăm Sâm và mẹ

    Tượng Tăng Sâm và mẹ

  9. Tử Lộ
    Tự là Trọng Do, một trong những học trò của Khổng Tử, là một người con rất hiếu thảo. Tương truyền thuở thiếu thời, Tử Lộ thường lên rừng cách xa cả trăm dặm đốn củi, sau đó đem bán lấy tiền, mua gạo đội về nuôi cha mẹ. Sau khi cha mẹ mất, ông sang nước Sở, được vua Sở trọng dụng, phong ban tước cao sang, cấp nhiều bổng lộc, nhưng vẫn thường than phiền là không còn cha mẹ để được phụng dưỡng như xưa, để ngày ngày đội gạo, bữa bữa nấu canh rau. Câu nói nổi tiếng "Mộc dục tịnh nhi phong bất đình, tử dục dưỡng nhi thân bất tại" (cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ không còn sống) là của Tử Lộ.

    Hình vẽ Tử Lộ cõng gạo nuôi cha mẹ

    Hình vẽ Tử Lộ cõng gạo nuôi cha mẹ

  10. Vương Khải
    Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
  11. Thạch Sùng
    Tên một vị quan nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng là nhân vật xa hoa giàu có đương thời. Giữa ông và Vương Khải từng có cuộc thi xem nhà ai giàu có hơn. Cũng vì gia sản này mà Thạch Sùng gặp tai họa, bị triều thần chém chết năm 52 tuổi.

    Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có truyện Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho, theo đó Thạch Sùng là một phú hộ giàu có, tự đắc rằng nhà không thiếu thứ gì. Vương Khải cược với Thạch Sùng toàn bộ gia sản, cuối cùng khi đòi đến mẻ kho thì Thạch Sùng không có, đành chịu mất hết cơ nghiệp. Ông chết hoá thành con thạch sùng, suốt ngày chắc lưỡi tiếc của.

  12. Vên vên
    Một loại cây gỗ họ Dầu, có thể cao 30-40m. Gỗ vên vên có màu trắng hơi vàng, mịn mặt, dùng làm nhà, đóng đồ đạc hoặc có thể bóc thành lá mỏng để làm gỗ dán.
  13. Dành dành
    Còn tên gọi khác là chi tử, huỳnh can, là một loại cây mọc hoang ở rừng, được các nhà nghiên cứu thảo dược phát hiện đưa về trồng trong vườn thuốc. Cây dành dành là một vị thuốc quý chuyên trị các bệnh về gan, mật, đặc biệt là các chứng đau mắt.

    Lá và hoa dành dành

    Lá và hoa dành dành

  14. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  15. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  16. Vũng Lấm
    Còn gọi là Vũng Lắm, Ao Xóm Lưới, một địa danh nay thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Gọi là Vũng Lấm vì dọc theo bờ vũng này toàn đất bùn. Phía Đông vũng có cửa thông ra biển, thời xưa tấp nập thương thuyền vào ra buôn bán, trao đổi phẩm vật. Thời bình, Vũng Lấm là thương cảng sầm uất, thời chiến nó trở thành một quân cảng quan trọng. Vịnh Xuân Đài - Vũng Lấm là nơi các văn thân Cần Vương dùng làm căn cứ địa kháng Pháp.

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

    Vũng Lấm (Ảnh: Dương Thanh Xuân)

  17. Sông Cầu
    Một địa danh thuộc tỉnh Phú Yên, nay là thị xã cực bắc của tỉnh. Tại đây trồng rất nhiều dừa và có nhiều sản vật từ dừa. Sông Cầu cũng có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như lễ hội cầu ngư, lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch...

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

  18. Cù lao Ông Xá
    Tên một cù lao nằm ngoài Vũng Lắm, cách chân Gành Đỏ chừng vài trăm mét, thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Cù lao này có hình dạng giống một con cá sấu khổng lồ nằm bất động, đuôi hướng về phía Bắc Gành Đỏ, đầu nhô lên cao, hướng ra biển Đông. Chung quanh hòn cù lao này có nhiều rạn, gành và đá ngầm lởm chởm. Ở mạn Nam hòn cù lao có một số gộp nhỏ ghe có thể vào neo đậu được.

    Cù lao Ông Xá (Ảnh: Trần Quỳ)

    Cù lao Ông Xá (Ảnh: Trần Quỳ)

  19. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  20. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  21. Khau Co
    Tên một ngọn đèo thuộc Than Uyên, Lai Châu. Đây là nơi nghĩa quân Mường Lay, Mường Khoa ở địa phương chặn đánh thực dân Pháp kịch liệt ngày 20/11/1886 khi chúng tấn công lên Than Uyên.

    Phong cảnh trên đèo Khau Co, Than Uyên

    Phong cảnh trên đèo Khau Co, Than Uyên

  22. Khau Phạ
    Tên một ngọn đèo rất cao và hiểm trở nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Trong tiếng dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là Sừng Trời, hay đôi khi còn được hiểu là Cổng Trời.

    Đèo Khau Phạ trên tuyến Quốc lộ 32 đoạn qua Mù Cang Chải

    Đèo Khau Phạ trên tuyến Quốc lộ 32 đoạn qua Mù Cang Chải

  23. Khau Riềng
    Cũng viết là Khau Giềng, tên một ngọn đèo thuộc bản Bó Lun, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, Lai Châu.
  24. Thanh yên
    Còn gọi là chanh yên, là một loại cây họ chanh. Quả ra vào tháng 6, khá to, màu vàng chanh khi chín, vỏ sần sùi, dày, mùi dịu và thơm; cùi trắng, dịu, nạc, tạo thành phần chính của quả; thịt quả ít, màu trắng và hơi chua.

    Quả thanh yên

    Quả thanh yên

  25. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  26. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  27. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Vừng
    Vầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  30. Tre gai
    Còn có tên là tre hóa, tre nhà, tre đực, một giống tre rất quen thuộc ở nước ta. Đặc trưng của tre gai là những gai nhọn giống như sừng trâu mọc ở mắt tre. Tre gai được trồng làm hàng rào hay trồng gần sông, suối, chân đê để chống xói mòn đất. Gỗ tre gai rất cứng nên thường được dùng làm cọc móng trong xây dựng cũng như dùng làm nguyên liệu để đan rổ rá, đóng bàn ghế và chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ. Thân tre, măng tre và lá tre có thể dùng làm thuốc.

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Bụi tre gai

    Bụi tre gai

  31. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  32. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  33. Cun cút
    Cũng gọi là chim cút, một loài chim nhỏ cùng họ với gà, đuôi cộc, chân ngắn, lông màu nâu xám, thường sống ở đồi cỏ, lủi rất nhanh trong bụi cây. Chim cút cũng được nuôi để lấy thịt, trứng.

    Chim cút

    Chim cút

  34. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  35. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).