Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  2. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  3. Diễn Châu
    Địa danh trước là một phủ (nên còn gọi là phủ Diễn) thuộc xứ Nghệ An, nay là các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Nghệ An mà tiêu biểu là huyện Diễn Châu. Diễn Châu là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời, nhiều ngành nghề truyền thống, danh nhân văn hóa…

    Quang cảnh trung tâm huyện Diễn Châu

    Quang cảnh trung tâm huyện Diễn Châu

  4. Sông Bùng
    Tên một con sông bắt nguồn từ xã Minh Thành, huyện Yên Thành, chảy qua thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

    Sông Bùng

    Vẻ đẹp sông Bùng

  5. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  6. Bàu Nón
    Một cái hồ lớn ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bàu Nón có giống cá rô ngon, xưa được dùng để tiến vua.
  7. Nam Đàn
    Tên một huyện nằm ở hạ lưu sông Lam, phía Đông Nam tỉnh Nghệ An. Nam Đàn có nhiều làng nghề truyền thống như làng mộc nề Nam Hoa, làng rèn Quy Chính, làng tương Tự Trì, làng nón Đông Liệt, các làng dệt Xuân Hồ, Xuân Liễu, Tầm Tang, làng nồi đồng Bố Ân, Bố Đức, làng gạch ngói Hữu Biệt, làng dầu bông, dầu lạc Đan Nhiệm, Đồng Trung v.v.

    Tương Nam Đàn

    Tương Nam Đàn

  8. Vện
    (Chó) có vằn trên lông màu vàng xám.

    Chó vện

    Chó vện

  9. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Chợ Giang
    Tên ngôi chợ thuộc xã Thổ Tang (nên cũng gọi là chợ Thổ Tang), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ thế kỉ 13, đây đã được coi là một vùng đất buôn bán có tiếng. Ngày nay đây là một chợ lớn của vùng, với mặt hàng tiêu thụ chính là nông sản.

    Dừa Bến Tre được nhập về Thổ Tang để xuất đi Sơn La (ảnh Đỗ Hữu Lực)

    Dừa Bến Tre được nhập về Thổ Tang để xuất đi Sơn La (ảnh Đỗ Hữu Lực)

  11. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  12. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  13. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  14. Be bờ
    Đắp đất thành bờ để ngăn nước.

    Be bờ

    Be bờ

  15. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  16. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  17. Mùa nước nổi
    Tên gọi dân gian của mùa lũ từ tháng 7 âm lịch ở vùng đồng bằng Tây Nam Bộ. Vào mùa này, nước ở các sông ngòi kênh rạch dâng lên tràn bờ, nhiều khi ngập nhà cửa. Nước nổi gây ra nhiều khó khăn vất vả cho người dân, nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều sản vật tự nhiên và bồi đắp phù sa cho vùng đất này.

    Đánh bắt cá mùa nước nổi

    Đánh bắt cá mùa nước nổi

  18. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  19. Thách nhà giàu húp tương
    Thách thức ai đó làm một việc quá dễ dàng so với khả năng của họ.
  20. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  21. Chếch hẳn về một phía (nói về mặt trời hay mặt trăng) khi ngày hoặc đêm đã quá muộn, đã sắp hết.
  22. Lợn giò, bò bắp
    Thịt chân giò lợn và thịt bò bắp là những loại thịt ngon.
  23. Hóc
    Góc nhỏ, khuất.
  24. Giảm Thọ
    Tên một dốc núi cao làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Quế Sơn và Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đây là một con dốc rất cao, đường đi khó khăn.
  25. Đèo Le
    Một cái đèo nằm giữa hai xã Quế Long và Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía Tây Nam. Đèo này vốn do người Pháp khai phá thành con đường lên Nông Sơn và đặt tên là Đờ - Le. Vì đèo cao và dài, đường sá gập ghềnh khó đi, muốn vượt qua thì phải mất nhiều công sức, hết cả hơi thở nên dân gian mới gọi là đèo Le (le với hàm ý là le lưỡi). Hiện nay đây là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, với món đặc sản là gà tre Đèo Le.

    Điểm du lịch Đèo Le

    Điểm du lịch Đèo Le

  26. Chùa Keo
    Còn gọi là chùa Keo Thượng, một ngôi chùa cổ (xây năm 1630) thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa nguyên là chùa Keo có từ thời Lý (tên Nghiêm Quang tự, sau đổi thành Thần Quang tự), được xây ở hương Giao Thủy (tên Nôm là Keo), phủ Hà Thanh, thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 1611, nước sông Hồng dâng lên làm ngập hương Giao Thủy nên một bộ phận dân làng buộc phải di cư lập làng mới Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, xây chùa Keo mới gọi là chùa Keo Thượng (phân biệt với chùa Keo Hạ do nhóm di dân khác lập ở Nam Định cũng trong thời gian ấy). Chùa mang nét kiến trúc đặc sắc và tiêu biểu của thời Lê. Hàng năm vào các ngày đầu xuân và rằm tháng chín, nhân dân quanh vùng lại mở hội chùa rất đông vui.

    Chùa Keo

    Chùa Keo