Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  2. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  3. Mái
    Phần dẹp của cây chèo, loại chèo có lấp vào cọc.
  4. Cật
    Toàn bộ phần phía sau lưng. Còn có nghĩa khác là quả thận, nhiều nơi còn gọi là bầu dục.
  5. Tra
    Già (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Kẻ tra nghĩa là người già.
  6. Người Việt Nam ít người có nhiều râu, nhiều người có ít râu, đại đa số là không râu.
  7. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  8. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  9. Chùa Tây Phương
    Tên chữ là Sùng Phúc Tự (崇福寺), là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo nhiều thông tin còn lưu giữ lại thì chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba tòa cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng, trong đó có bộ tượng 16 vị La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau.

    Các vị La Hán chùa Tây Phương
    Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
    Há chẳng phải đây là xứ Phật,
    Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

    (Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

    Tượng các vị La Hán trong chùa Tây Phương

  10. Động Hương Tích
    Tên một hang động rất đẹp thuộc quần thể di tích Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tháng ba năm Canh Dần (1770), Chúa Trịnh Sâm từng tham quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức "động đẹp nhất trời Nam." Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô đẹp mắt.

    Động Hương Tích

    Động Hương Tích

  11. Chùa Tiên
    Một trong các hang động, đồng thời là chùa thuộc quần thể thắng cảnh - di tích Hương Sơn. Năm Canh Dần (1770) chúa Trịnh Sâm đã đề thơ tại đây.
  12. Sư chú, sư bác, sư ông, sư bà
    Các chức danh trong Phật giáo. Sư chú dành để chỉ những người xuất gia ở chùa nhưng chưa được thụ giới; sư bác chỉ những người đã được thụ giới Sa di hay Sa di Ni; sư ông, sư bà để chỉ những người đã được thụ giới tỷ kheo và tỷ kheo Ni.
  13. Cỏ may
    Một loại cỏ thân cao, có nhiều hoa nhỏ thành chùm màu tím sậm, hay gãy và mắc vào quần áo (có lẽ vì vậy mà thành tên cỏ may). Cỏ may xuất hiện rất nhiều trong văn thơ nhạc họa.

    Hồn anh như hoa cỏ may
    Một chiều cả gió bám đầy áo em

    (Hoa cỏ may - Nguyễn Bính)

    Cỏ may

    Cỏ may

  14. Giai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương
    Hai thành phần côn đồ, đáo để ở Hà Nội thời Nguyễn. Nguyên Ngõ Trạm xưa là nơi đặt nhà trạm nhận công văn chuyển đi các tỉnh. Nhà trạm có một viên thừa dịch trông coi, dưới quyền là những lính trạm. Lính này phần lớn là những thành phần táo tợn, hung bạo, khi rỗi việc thường tụ tập bài bạc, hút xách, dần dà thành một hạng người được đặt tên là "trai Ngõ Trạm." Tạm Thương trước là một kho tạm để thu thóc lúa thuế của dân. Ở đó có hạng phụ nữ chuyên nhận việc xúc thóc, đổ thóc, hay bày trò lường đong tráo đấu mưu lợi riêng. Do đó, đối địch được với "trai Ngõ Trạm" có lẽ chỉ có "gái Tạm Thương" vậy.
  15. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  16. Dạ
    Bên trong. Thường được dùng để chỉ tình cảm con người.
  17. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  18. Bát Tràng
    Tên một ngôi làng nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nổi tiếng với truyền thống làm gốm sứ.

    Gốm sứ Bát Tràng

    Gốm sứ Bát Tràng

  19. Hồ bán nguyệt
    Hồ có hình dạng nửa hình tròn. Bán nguyệt nghĩa là một nửa mặt trăng (từ Hán-Việt).

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên


     

  20. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  21. Hậu Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề và cửa Định An. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu chạy qua tỉnh An Giang, làm ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng.

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)