Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mụ o
    Em gái của chồng (cũng như bà cô).
  2. Ông chú
    Em trai của chồng.
  3. Cội
    Gốc cây.
  4. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  5. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  6. Thiên kim
    Ngàn vàng (từ Hán Việt).
  7. Người Việt Nam ít người có nhiều râu, nhiều người có ít râu, đại đa số là không râu.
  8. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  9. Quán Cau
    Đèo Quán Cau ở làng Mỹ Phú, còn chợ Quán Cau ở làng Phong Phú, đều thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây nổi tiếng có giống ngựa thồ rất tốt. Phía đông đèo Quán Cau là đầm Ô Loan, một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta.

    Về địa danh Quán Cau, có câu chuyện sau: Ngày xưa, nơi chân đèo Quán Cau có một bà cụ già không rõ từ đâu đến. Bà cất quán bán trầu cau, khách bộ hành qua đèo khá dài nên dừng chân giải khát, mua trầu cau ăn nghỉ rồi tiếp tục hành trình. Người đi ra Bắc đến chân đèo thì chờ người bạn đường, cũng mua trầu cau ăn rồi tiếp tục trèo đèo. Vì thế có tên đèo Quán Cau.

    Đèo Quán Cau

    Đèo Quán Cau

  10. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  11. Chợ Yến
    Tên một ngôi chợ thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chợ từ xưa nổi tiếng với các hàng cá biển tươi ngon. Từ vị trí này sang hướng Đông khoảng một cây số là Hòn Yến.
  12. Kén lừa
    Kén chọn.
  13. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  14. Đông sàng
    Cái giường ở phía Đông. Thời nhà Tấn ở Trung Quốc, quan thái úy Khích Giám muốn lấy chồng cho con gái mình, liền sai người qua nhà Vương Đạo có nhiều con cháu để kén rể. Các cậu con trai nghe tin, ra sức ganh đua nhau, chỉ có một người cứ bình thản nằm ngửa mà ăn bánh trên chiếc giường ở phía đông. Người ta trở về nói lại, ông khen "Ấy chính là rể tốt" và gả con cho. Người con trai ấy chính là danh nhân Vương Hi Chi, nhà thư pháp nổi danh bậc nhất Trung Quốc, được mệnh danh là Thư thánh. Chữ đông sàng vì vậy chỉ việc kén rể giỏi giang.

    Vương Hi Chi

    Vương Hi Chi

  15. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  16. Lèo
    Dây buộc từ cánh buồm đến chỗ lái để điều khiển buồm hứng gió. Gió cả, buồm căng thì lèo thẳng. Động tác sử dụng lèo cũng gọi là lèo (như trong lèo lái).
  17. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  18. Tà Lơn
    Tên người dân Tây Nam Bộ gọi núi Bokor, nay là công viên quốc gia Bokor, thuộc tỉnh Kampot của vương quốc Campuchia. Nằm ở độ cao 1.080m so với mực nước biển, cao nguyên Bokor có diện tích 1580 km2, là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm. Núi Bokor có nhiều hang động thâm u, kỳ bí đã dựng nên nhiều truyền thuyết về những hảo hán, giang hồ lặn lội từ Việt Nam sang để luyện bùa chú, học võ. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Kampot, Campuchia. Bokor theo tiếng Khmer nghĩa là cái gù của con bò, xuất phát từ hình dáng của núi.

    Phong cảnh trên núi Tà Lơn

    Phong cảnh trên núi Tà Lơn

  19. Cửu trùng đài
    Nghĩa đen là tòa tháp cao chín tầng, chỉ nơi tôn nghiêm, cao quý.
  20. Ếch tháng ba, gà tháng bảy
    Tháng ba và tháng bảy là hai thời kì giáp hạt trong năm, gà và ếch đều thiếu ăn, gầy gò, nên thịt không ngon.
  21. Xẩm
    Một loại hình dân ca từng phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Ca từ của xẩm chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Nội dung của các bài xẩm có thể mang tính tự sự như than thân trách phận, nêu gương các anh hùng, liệt sĩ hay châm biếm những thói hư, tật xấu...

    "Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị (mù) đi hát rong kiếm sống.

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Thưởng thức một bài hát xẩm do nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày.

  22. Dịch Đồng
    Một làng nay thuộc xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.