Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  2. Phạm Công
    Tức Phạm Huyên, hiệu là Minh Dực, thân phụ của bà Phạm Thị Uyển, vợ vua Mai Hắc Đế.

    Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thủy giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch, bấy giờ còn là một nhánh của sông Hồng và là mặt án ngữ phía tây của thành Đại La. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Quyết không để rơi vào tay giặc, bà đã nhảy xuống sông tự vẫn. Xác bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục) thì được nhân dân lén vớt lên chôn cất, rồi lập đền thờ. Đó chính là đền Dục Anh, nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hòa.

    Tượng thờ hoàng hậu Phạm  Thị Uyển trong đền Dục Anh

    Tượng thờ hoàng hậu Phạm Thị Uyển trong đền Dục Anh

  3. Phò
    Phù trợ, phù hộ (từ Hán Việt).
  4. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  5. Bển
    Bên đó (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  7. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  8. Có bản chép: gió bay.
  9. Có bản chép: Em với anh.
  10. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  11. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  12. Có bản chép "đá" nhưng e rằng không đúng.
  13. Lũng Tây
    Cũng gọi là Lũng Hữu, tên dùng trong văn chương của tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, ở về phía tây dãy núi Lũng. Ngày xưa đây là vùng đất biên thùy, có cửa ải đóng quân canh giữ. Ngày nay cũng có một huyện tên là huyện Lũng Tây, thuộc thành phố Định Tây, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

    Hẹn cùng ta Lũng Tây nham ấy,
    Sớm đã trông nào thấy hơi tăm.
    Ngập ngừng lá rụng cành trâm,
    Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm lao xao.
    (Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm).

  14. Có bản chép: hồ Tây, hoặc lầu Tây.
  15. "Tuổi lên ba" và "tuổi lên hai" ở đây là các đốt tay. Bốn ngón nhỏ hơn có ba đốt mỗi ngón, riêng ngón cái (ông già) lại có hai đốt.
  16. Vô nghì
    Không có tình nghĩa (từ cũ). Cũng nói bất nghì.
  17. Có bản chép: Chị Bảy, anh Bảy.
  18. Thiên
    Một nghìn (từ Hán Việt, từ cổ).
  19. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  20. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  21. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  22. Có bản chép: Mít non.
  23. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  24. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  25. Theo Bảo Định Giang: Một thiên [cá] mòi theo cách quen dùng của một số địa phương là tính con số trăm chứ không tính con số ngàn [...] đã thế lại thêm rau răm là món độn dưới đáy quả, cá mòi xếp lên mặt quả, quả trông đầy nhưng được mấy con (Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX).
  26. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  27. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  28. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  29. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  30. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  31. Đổng Tử
    Tức Đổng Trọng Thư (179 TCN - 117 TCN) một học giả đời Tây Hán bên Trung Quốc. Ông từ nhỏ đã nổi tiếng chăm chỉ học tập, từng ba năm liên tục buông màn để đọc sách, mắt không liếc ra ngoài. Ông có công đưa đạo Nho trở thành hệ tư tưởng học thuật thống trị ở Trung Quốc.
  32. Ôn Công
    Tên hiệu Tư Mã Quang, một viên thừa tướng đời Tống, bên Trung Quốc, nổi tiếng ham đọc sách. Điển tích kể lại khi đọc sách, Ôn Công chọn dựa mình vào gối tròn để khi ngủ gục, gối lăn, lại tỉnh dậy đọc. Từ đó, "gối Ôn Công" thường là được dùng chỉ về nết học hành chăm chỉ.
  33. Thi thư
    Chỉ sách vở, kinh điển Nho giáo nói chung. Kinh Thi và kinh Thư là hai bộ sách đầu tiên trong Ngũ kinh, năm bộ sách kinh điển của Nho giáo.
  34. Trâm anh
    Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
  35. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  36. Tứ đức
    Cùng với "tam tòng", là những quy định xuất phát từ Nho giáo mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ. Tứ đức bao gồm:

    - Công: Nữ công, gia chánh phải khéo léo.
    Dung: Dáng người phải gọn gàng, dễ coi
    Ngôn: Ăn nói phải dịu dàng, khoan thai, mềm mỏng
    Hạnh: Tính nết phải hiền thảo, nết na, chín chắn.

  37. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  38. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  39. Lục nghệ
    Tức "sáu nghề" (từ Hán Việt), là những kĩ năng được xem là nhất thiết phải có đối với đàn ông trong xã hội phong kiến cũ, lấy từ quan niệm của Nho giáo.

    Sáu nghề đó là: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số - nghĩa là: lễ nghi, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, viết chữ và tính toán.

  40. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  41. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  42. Chánh ca Đông
    (1900 - 1957) Một nghệ nhân hát bội nổi tiếng trước đây. Ông tên thật là Dương Chi, sinh quán Tuy Phước, Bình Định, nhờ tài hát bội mà được phong chức chánh ca toàn tỉnh, tên thường gọi là Chánh ca Mi hoặc Chánh ca Đông (gọi theo tên con trai). Trước khi nổi tiếng là một kép hát có tài, Chánh ca Đông chuyên đóng các vai đào chính: Nguyệt cô (Nguyệt cô mắt ngọc), Điêu Thuyền (Phụng Nghi Đình), Trần Thị Lan Anh (Hộ Sinh đàn), Trại Ba (Ngũ Hổ)... Sau này ông nổi tiếng nhờ biểu diễn nhiều vai kép võ: Địch Thanh (Ngũ Hổ), Đổng Kim Lân (Sơn Hậu), Đào Phi Phụng (Đào Phu Phụng hồi 2), Lã Bố (Phụng Nghi Đình), Tiết Giao (Nguyệt cô mắt ngọc)... Ông thiện sử dụng nhiều loại binh khí, vũ đạo rất đẹp, tròn trĩnh, điêu luyện.
  43. Lý Phụng Đình
    Tên một vở tuồng của tác giả Nguyễn Trọng Trì, rất nổi tiếng trước đây, kể về một chàng trai tên là Lý Phụng Đình. Cha mẹ mất sớm, chàng được Thiện Công đem về nuôi và cho ăn học. Khi phản thần Thái Lăng cướp ngôi vua, Thiện Công bị hạ ngục, Lý Phụng Đình đi tìm anh tài cứu nước. Chàng thi đỗ Trạng nguyên, lập kế cứu được Thiện Công, rồi cùng với nghĩa quân tiêu diệt phản tặc, giúp nhà vua khôi phục đất nước.
  44. Phụng Nghi Đình
    Cũng gọi là Lã Bố hí Điêu Thuyền, tên một vở tuồng (chuyển thể thành cải lương) rất nổi tiếng trước đây, có nội dung xoay quanh bi kịch của nhân vật Điêu Thuyền thời Tam Quốc. Nghe lời cha nuôi là quan Tư Đồ Vương Doãn, Điêu Thuyền giả vờ cùng lúc yêu cả hai cha con Đổng Trác và Lã Bố nhằm chia rẽ hai người. Đây là tích truyện nổi tiếng, đã được nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng và công diễn thành công.

    Xem vở tuồng Phụng Nghi Đình.

  45. Khoan ra ám nguyệt: khoan che khuất mặt trăng.