Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  5. Chàm
    Màu xanh gần với xanh lam và tím. Có một loại cây tên là cây chàm, được dùng để chế thuốc nhuộm màu chàm, được sử dụng để nhuộm vải. Thuốc nhuộm màu chàm cũng gọi là chàm. Việc nhuộm vải màu chàm cũng gọi là nhuộm chàm.

    Nhuộm chàm

    Nhuộm chàm

  6. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  7. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  8. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  9. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  10. Ruộng cả ao liền
    Ruộng lớn rộng bát ngát và ao liền bờ, ý nói cơ ngơi đồ sộ, giàu có.
  11. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  12. Sinh đồ
    Một học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, được xác định trong kỳ thi Hương (là kỳ thi sơ khởi nhất để triều đình tuyển chọn người tài; người nào đỗ kỳ thi Hương thì năm sau mới được dự kỳ thi cao hơn là thi Hội, thi Đình).
  13. Nhân
    Lòng tốt, lòng yêu thương người.
  14. Săn sắt
    Còn gọi là cá thia lia hoăc cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân hình rất nhỏ nhưng rất phàm ăn.

    Cá cờ

    Cá cờ

  15. Ông Đùng bà Đà
    Đôi vợ chồng khổng lồ vào thời hỗn mang trong thần thoại Việt Nam, có thân hình rất cao lớn và sức khoẻ phi thường.

    Rước ông Đùng bà Đà (tranh dân gian)

    Rước ông Đùng bà Đà (tranh dân gian)

  16. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  17. Theo Vũ Ngọc Phan: Một hôm ông Đùng lội qua suối bị con cá săn sắt cắn vào chân, làm ông giật mình, ngã lăn xuống bờ suối. Thường thì một con vật rất nhỏ cắn vào chân người ta một cách bất ngờ, cũng làm người ta giật mình mà trượt. Từ thực tế ấy, người ta có thể nhận định: nếu nhỏ và yếu mà đánh vào một lực lượng to lớn và khỏe một cách bất ngờ thì vẫn có thể thắng được [...] Còn vế dưới của câu trên "Đắp mười chiếc chiếu không cùng bàn tay" có nghĩa là đắp chiếu lồng cồng, người có ấm, nhưng dù có đắp đến mười chiếc chiếu thì bàn tay vẫn còn cóng, vẫn lạnh, phải ủ bàn tay vào áo thì ngủ mới yên. Như vậy, không phải cứ lấy số đông ào ạt mà đã tác động hoặc áp đảo được một thứ gì nhỏ bé, vây kín được một vật gì nhỏ bé (Tục ngữ ca dao dân ca Viêt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, in lần thứ 9, 1992, tr.68)
  18. Ách
    Đoạn gỗ cong mắc lên cổ trâu bò để buộc dây kéo xe, cày bừa...

    Trâu mang ách đi cày

    Trâu mang ách đi cày

  19. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  20. Chạc
    Dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, ngắn và nhỏ hơn dây thừng.
  21. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  22. Ông Núi
    Tương truyền năm Nhâm Ngọ 1702, có vị thiền sư Tánh Ban (tục danh Lê Ban) lên đỉnh Chóp Vung thuộc dãy Núi Bà lập chùa tranh, gọi là Dũng Tuyền tự (chùa Suối). Nhà sư dùng vỏ cây kết làm áo mặc nên nhân dân gọi là Mộc Y Sơn Ông, nghĩa là "ông Núi mặc áo vỏ cây." Sau chúa Nguyễn nghe tin, cho là đáng bậc chân tu, năm Quý Sửu (1733) truyền dựng nơi đây ngôi chùa ngói, đặt tên là Linh Phong Thiền tự, gọi tắt là chùa Linh Phong, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chùa Ông Núi. Lễ hội chùa Ông Núi được tổ chức vào ngày 24-25 tháng giêng hàng năm, là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Bình Định.

    Chùa Ông Núi

    Chùa Ông Núi

  23. Sơn thủy
    Núi sông (từ Hán Việt).
  24. Tà huy
    Ánh nắng (暉 huy) nghiêng (斜 tà). Chỉ ánh nắng buổi chiều, đồng thời hiểu rộng ra là buổi chiều.

    Em về rũ áo mù sa,
    Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

    (Bùi Giáng)

  25. Vấn tổ tầm tông
    Hỏi những người cao tuổi có quan hệ huyết thống hay tra cứu từ những tộc phả, gia phả, lời di huấn, sách vở v.v. để tìm hiểu về gốc tích của một dòng họ.
  26. Vãi chài
    Động tác quăng chài bắt cá.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  27. Bàu
    Chỗ sâu trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng.

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

    Bàu sen ở Mũi Né, Bình Thuận

  28. Điệu
    Đạo (đạo anh em, đạo vợ chồng...).
  29. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  30. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  31. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  32. Nha
    Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
  33. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  34. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  35. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.