Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bươn
    Chạy vội. Từ này có gốc từ từ Hán Việt bôn.
  2. Ngộ
    Gặp gỡ (từ Hán Việt).
  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Ngan
    Còn gọi là vịt Xiêm, ngan dé, ngan cỏ, một giống gia cầm thuộc họ vịt nhưng lớn hơn vịt, đầu có mào thịt đỏ. Tương truyền đây là giống ngan ngày xưa Xiêm La (tên gọi cũ của Thái Lan) mang triều cống nước ta. Thịt ngan được chế biến thành nhiều món ăn ngon như bún ngan, ngan giả cầy, ngan om sấu, ngan nấu măng, v.v.

    Vịt xiêm mái ấp trứng

    Vịt xiêm mái giỏi ấp trứng và giữ con

  5. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  6. Thanh Khiết
    Tên một làng nay thuộc xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
  7. Sung Tích
    Tên một làng nay thuộc xã Sơn Hội, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  8. Câu ca dao này có sự chơi chữ. Dân Thanh Khiết ngày xưa thường làm nghề trồng các loại rau cải và làm giá (mầm đậu). Dân Sung Tích xưa làm nghề trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa. "Cải giá" vừa có nghĩa là cây cải, rau giá, vừa có nghĩa là "lấy chồng lần nữa." "Kén dâu" vừa có nghĩa là kén tằm, cây dâu tằm, vừa có nghĩa là kén chọn cô dâu.
  9. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  10. Trường Úc
    Còn gọi là Trường Thuế, một địa danh thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ở đây có loại rượu gạo rất ngon, đồng thời nổi tiếng có chợ tình Gò Trường Úc. Chợ này được hình thành đã hơn hai trăm năm có lẻ, chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng mồng Một Tết Nguyên đán hàng năm, trai gái từ mọi ngả đổ về để hẹn hò, tâm tình kết duyên.

    Chợ tình Gò Trường Úc

    Chợ tình Gò Trường Úc

  11. Có bản chép: Bàu Đá.
  12. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  13. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  14. Đoái
    Nghĩ tới, nhớ tới.
  15. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  16. Nhịp cầu
    Khoảng cách giữa hai trụ cầu và mố cầu liền nhau.
  17. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  18. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  19. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  20. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu