Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  2. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  3. Mỹ Tho
    Thành phố tỉnh lị thuộc tỉnh Tiền Giang. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Khmer srock mé sa, mi so, nghĩa là "xứ có người con gái nước da trắng." Lịch sử hình thành của vùng đất này bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 17, một nhóm người Minh Hương di cư từ Trung Quốc đã được chúa Nguyễn cho về định cư tại đây và lập nên Mỹ Tho đại phố. Đô thị này cùng với Cù Lao Phố (thuộc Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay) là hai trung tâm thương mại lớn nhất tại Nam Bộ lúc bấy giờ. Trải qua nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, Mỹ Tho đại phố mất dần vai trò trung tâm thương mại về tay của vùng Sài Gòn - Bến Nghé.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay là một đầu mối giao thông quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có thế mạnh về thương mại - dịch vụ và du lịch. Một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Mỹ Tho là hủ tiếu.

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Thành phố Mỹ Tho hiện nay

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho

  4. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Có bản chép: chàng.
  6. Về chữ "nhu" trong bài ca dao này, có hai cách giảng nghĩa.

    Cách thứ nhất: Chữ nhu, tiếng Hán Việt 柔 nghĩa "mềm mại", "nhu thuận 柔順". Người con gái thấy người tình của mình tính còn nóng nảy nên khuyên vậy. Nguồn: Việt Học.

    Cách thứ hai: Chữ Nhu chính là chữ "Nho" đọc cho hiệp vần ("Nho giáo" cũng đọc là "Nhu giáo"). Bài ca dao này viết thời 3 tỉnh miền Đông (có Sài Gòn, Mĩ Tho) bị nhường cho Pháp, người Pháp bỏ chữ Nho để dạy chữ Quốc Ngữ.

  7. Trăng
    Chỉ tháng, thu: chỉ năm. Cách nói của người xưa.
  8. Hộ Pháp
    Theo quan niệm của một số tông phái đạo Phật, Hộ Pháp (dịch từ tiếng Sanskrit धर्मपाल Dharmapāla) là những vị thần tự nguyện bảo vệ và duy trì Phật pháp, phù hộ che chở những người tu hành. Các chùa thường có tượng các vị hộ pháp dưới nhiều hình ảnh khác nhau, nhưng phổ biến nhất là tượng Hộ Pháp Vi Đà, đặt đối diện với tượng Thích Ca. Một số chùa lại có tượng hai vị Hộ Pháp: một là Khuyến Thiện, một là Trừng Ác. Tượng Hộ Pháp thường mặc áo giáp, đội mũ trụ, tay cầm binh khí.

    Hộ Pháp Vi Đà

    Hộ Pháp Vi Đà

  9. Cắn chắt
    Cắn ăn hạt lúa (cho vui miệng hoặc đỡ đói).

    Về ngóng cô nàng xưa cắn chắt
    cười lia dăm hạt cốm
    giờ đã nằm sương giậu lả tầm xuân

    (Người không về - Hoàng Cầm)

  10. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  11. Dẫy na
    Vậy hả? (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  12. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  13. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  14. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  15. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  16. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  17. Ôm củi chữa lửa
    Có nguồn gốc từ thành ngữ Trung Quốc 抱薪救火 Bão tân cứu hỏa, chỉ việc trừ họa bằng phương pháp sai lầm, làm cho tai hại thêm lên.
  18. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  19. Ấm
    Ân đức của cha ông để lại cho con cháu. Như tập ấm, nghĩa là nhân chức quan của ông cha mà con cháu được làm học trò ở Quốc tử giám rồi ra làm quan, những người như thế được gọi là ấm sinh.
  20. Đoái
    Nghĩ tới, nhớ tới.
  21. Từ nghiêm
    Từ mẫu (mẹ hiền) và nghiêm phụ (cha oai nghiêm), chỉ chung cha mẹ (từ Hán Việt).
  22. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  23. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  24. Tôm tít
    Loại tôm có thân hình thon, dài, lưng có nhiều đốt màu trắng đục. Tôm tít sống nhiều ở vùng ngập mặn miền Tây Nam bộ.

    Tôm tít công

    Tôm tít công

  25. Gió đông
    Từ từ Hán Việt đông phong, nghĩa là gió mùa xuân, từ hướng đông thổi đến.

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    (Đề đô thành Nam trang - Thôi Hộ)

    Trần Trọng San dịch:
    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.