Tìm kiếm "lang"

Chú thích

  1. Có bản chép: cấy cày.
  2. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  3. Tre gai
    Còn có tên là tre hóa, tre nhà, tre đực, một giống tre rất quen thuộc ở nước ta. Đặc trưng của tre gai là những gai nhọn giống như sừng trâu mọc ở mắt tre. Tre gai được trồng làm hàng rào hay trồng gần sông, suối, chân đê để chống xói mòn đất. Gỗ tre gai rất cứng nên thường được dùng làm cọc móng trong xây dựng cũng như dùng làm nguyên liệu để đan rổ rá, đóng bàn ghế và chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ. Thân tre, măng tre và lá tre có thể dùng làm thuốc.

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Bụi tre gai

    Bụi tre gai

  4. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  5. Miệng lằn lưỡi mối
    Miệng con thằn lằn và lưỡi con rắn mối, nghĩa bóng chỉ lời ra tiếng vào, lời nói thêm nói bớt của kẻ hạ tiện.
  6. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  7. Gà ốm, gà trơ xương.
  8. Xuân Ổ
    Tên Nôm là làng Ó, một làng nay là hai thôn Xuân Ổ A và Xuân Ổ B thuộc phường Bắc Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, xưa thuộc tổng Khắc Niệm, huyện Tiên Du. Hằng năm vào mồng 5 Tết, làng mở hội thờ cúng Thành hoàng và hát quan họ. Chợ làng trước đây gọi là chợ Ó, nay không còn. Trước ngày vào đám, chập tối ngày mùng 4, làng nhóm họp chợ phiên. Phiên chợ Ó vừa tan, nhiều quán trầu của các cụ bà mọc lên, theo đó ''liền anh, liền chị'' mời nhau vào ngồi xơi trầu, rồi bắt đầu cuộc hát (xem thêm).
  9. Quan họ
    Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...

    Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

    Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)

  10. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  11. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  12. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  13. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  14. Tề
    Cắt bớt.
  15. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  16. Lịu địu
    Trạng thái bận bịu do phải đeo mang và bị níu kéo nhiều. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng "Lịu địu:
    - đa đoan, bận rộn, không rảnh
    - bận bịu, vướng víu."
  17. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  19. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  20. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  21. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  22. Cao Bằng
    Một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc nước ta, có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ, bao la, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ. Cao Bằng nổi tiếng với thắng cảnh thác Bản Giốc. Ngoài ra, nơi đây còn có các khu du lịch nổi tiếng khác như Động Ngườm Ngao hay hồ núi Thang Hen. Vì là vùng đất biên giới nên xưa kia các triều đại phong kiến nước ta luôn cho quân lính đồn trú tại Cao Bằng (gọi là trấn thủ lưu đồn).

    Thác Bản Giốc

    Thác Bản Giốc

  23. Lạng Sơn
    Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...

    Phong cảnh Lạng Sơn

    Phong cảnh Lạng Sơn

  24. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  25. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  26. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  27. Đáy
    Một dụng cụ dùng để đánh bắt tôm cá. Đáy có cấu tạo giống một chiếc túi, mắt lưới nhỏ dần, được đặt cố định ở nơi có dòng chảy để chặn bắt tôm cá. Đáy được chia thành nhiều loại tùy theo vùng hoạt động, đối tượng đánh bắt và kiểu kết cấu: đáy hàng câu, đáy hàng khơi, đáy neo, đáy rạo, đáy rạch, đáy bày...

    Đóng đáy trên sông

    Đóng đáy trên sông

  28. Vàm Láng
    Địa danh thuộc Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, nơi con sông Soài Rạp đổ ra biển (xem Vàm). Trước đây địa danh này cũng gọi là Láng Lộc, tương truyền do có nhiều hươu nai (lộc) đến uống nước.
  29. Ngói lò Cánh, bánh quán Đanh
    Tên lò làm ngói có tiếng ở Hương Canh và một quán bánh đúc ngon ở làng Đinh Xá (theo Địa chí Vĩnh Phúc).
  30. Làng Cà
    Tên chữ là Gia Hòa, nay là thôn Gia Hòa thuộc xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
  31. Làng Hóp
    Tên Nôm của làng Báo Đáp, nay thuộc địa phận xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Làng có nghề truyền thống là làm đèn trung thu và hoa vải lụa.

    Làm lồng đèn ở làng Hóp

    Làm lồng đèn ở làng Hóp

  32. Cổ Gia
    Một làng nay là thôn Cổ Gia, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
  33. Về câu ca dao này (cùng với dị bản) có hai cách giải thích:

    - Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh thì "Làng Cà tức Gia Hoà ở Nam Trực, làng Hóp tức Báo Đáp ở Thượng Nguyên, Cổ Gia đồng đất rộng rãi."
    - Năm Kỷ Mùi 1739, dân ba làng Hóp hợp binh với bảy làng Cà, dựng cờ khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Vũ Đình Dung và Đoàn Danh Chấn. Cuộc khởi nghĩa sau thất bại do sự phản bội của một nghĩa quân tên là Chóp, người làng Cổ Gia.

  34. Quốc cấm
    Bị pháp luật cấm.
  35. Máu hàn
    Cơ thể ở tạng lạnh, với những biểu hiện như: sợ rét, chân tay lạnh...
  36. Người máu hàn không nên ăn thịt trâu vì thịt trâu có tính lạnh.
  37. Phá ngang
    Cố ý làm ảnh hưởng, làm hỏng công việc đang làm của người khác.
  38. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  39. Khoai hà
    Khoai bị bệnh đốm đen, khi luộc không mềm, vị đắng không ăn được, còn gọi là khoai rím.
  40. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  41. Có bảng chép: Khoai.
  42. Long Phụng
    Một thôn thuộc xã Đức Phụng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nằm ven bờ nam sông Vệ. Ngày xưa, khoai lang trồng ở vùng đất Long Phụng có vị ngon, bùi, trở thành món ăn nổi tiếng gần xa.
  43. Có bản chép: cùng.
  44. An Thổ
    Tên một thôn thuộc xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nằm bên sông Trà Câu.
  45. Hải Môn
    Tên một thôn thuộc xã Nghĩa Hiệp , huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có nghề trồng hoa khá nổi tiếng.
  46. Bển
    Bên đó (phương ngữ Nam Bộ).
  47. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  48. Nguyệt náo trung thiên
    Trăng rộn giữa trời (thành ngữ Hán Việt).
  49. Tấn
    Một trong những nước chư hầu mạnh nhất trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thế kỉ 11 TCN đến năm 376 TCN, trải qua 40 đời vua.
  50. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  51. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  52. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  53. Ngô
    Cũng gọi là Đông Ngô (phân biệt với Đông Ngô thời Tam Quốc), một nước chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ở nước ta, nước Ngô được biết đến nhiều nhất có lẽ qua cuộc chiến tranh Ngô-Việt mà kết cục là nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn lãnh đạo đã tiêu diệt hoàn toàn nước Ngô vào năm 473 TCN, Ngô Vương là Phù Sai tự vẫn.
  54. Cẩm thạch
    Tên dân gian là đá hoa, tên gọi chung của một số loại đá rất cứng và nặng, có thể mài giũa cho bóng loáng, thường được dùng trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí.

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

  55. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim