Tìm kiếm "kiều ngựa"

Chú thích

  1. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  2. Núp
    Nấp (phương ngữ).
  3. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  4. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  5. Được mợn
    Được đà, được thể (phương ngữ).
  6. Quớ
    Bớ (phương ngữ Phú Yên).
  7. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  8. Hang Thương Tòng
    Cái hang trong núi Thương Tòng, được nhắc đến trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Vốn Vân Tiên trước kia đã đính ước với Võ Thể Loan, con gái của Võ Công. Khi Vân Tiên bị mù, tìm đến nhà Võ Công thì Võ Công bội ước, lừa dắt Vân Tiên vào hang Thương Tòng rồi bỏ mặc chàng ở đó.

    Công rằng : "Muốn trọn việc mình,
    "Phải toan một chước dứt tình mới xong.
    "Nghe rằng : "Trong núi Thương tòng.
    "Có hang thăm thẳm bịt bùng khôn ra.
    [...]
    Võ công ra trước dỗ chàng:
    "Xuống thuyền rồi sẽ đưa sang Đông thành."
    Ra đi đương lúc tam canh,
    Dắt vào hang tối bỏ đành Vân Tiên.

  9. Biển Hồ
    Tên nhân dân ta thường dùng để gọi hồ Tonlé Sap, một hồ nước ngọt rộng lớn thuộc Campuchia. Từ thời Pháp thuộc, nhiều người dân Việt Nam đã đến đây lập nghiệp và sinh sống, tạo thành cộng đồng người Việt khá đông đúc cho đến bây giờ.

    Biển Hồ

    Biển Hồ

  10. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  11. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  12. Phát tài
    (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
  13. Sinh tử sinh tôn
    Sinh con sinh cháu (từ Hán Việt tử: con, tôn: cháu).
  14. Công môn
    Cửa công (từ Hán Việt). Thường chỉ cửa quan.
  15. Tư túi
    Lấy của chung làm của riêng một cách lén lút.
  16. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  17. Hoạn Thư
    Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."

    Vốn dòng họ Hoạn danh gia
    Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
    Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
    Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
    Ở ăn thì nết cũng hay
    Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

  18. Bùi Kiệm
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.

    Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
    Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.

  19. Làm ghi
    Làm tin, làm dấu, làm quy ước.

    Rằng: "Trăm năm cũng từ đây,
    "Của tin gọi một chút này làm ghi."

    (Truyện Kiều)
  20. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  21. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  22. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  23. Xuyến
    Vòng trang sức bằng vàng, ngọc, thường đeo ở cổ tay.
  24. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  25. Phiên bang
    Nước của người Phiên. Người Trung Quốc xưa gọi các dân tộc sống ngoài biên cương của mình là người Phiên. Về sau chữ "Phiên" được sử dụng để chỉ nước ngoài nói chung, đặc biệt là những nước không theo văn hiến Trung Hoa.
  26. Đây là bức tượng Lục Vân Tiên do Kiều Nguyệt Nga tạc. Khi bị bắt đi cống cho giặc Phiên, đi ngang qua ải Đồng, nàng đã đeo bức tượng này lên vai, nhảy xuống biển tự vẫn.

    "Vắng người có bóng trăng thanh
    Trăm năm xin gửi chút tình lại đây
    Vân Tiên anh hỡi có hay
    Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng"
    Than rồi lấy tượng vai mang
    Nhằm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay

  27. Đền Sòng Sơn
    Gọi tắt là đền Sòng, một ngôi đền xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử của người Việt. Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Vào ngày 15 tháng 3 hàng năm tại đền lại diễn ra lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Liễu Hạnh, có nhiều du khách thập phương tham dự.
  28. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  29. Sau khi bị mù, Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm lừa đẩy xuống sông. Xem chú thích Trịnh Hâm.
  30. Hớn Minh
    Một nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Hớn Minh là một người trung nghĩa, trên đường đi thi gặp con quan huyện là Đặng Sinh đang hà hiếp dân lành, liền nổi giận, bẻ gãy giò hắn rồi ra đầu thú:

    Đi vừa tới huyện Loan-minh,
    Gặp con quan huyện Đặng Sinh là chàng.
    Giàu sang ỷ thế nghinh ngang,
    Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì
    Tôi bèn nổi giận một khi,
    Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò.
    Mình làm nỡ để ai lo,
    Bó tay chịu trói nộp cho huyện đàng.

    Hớn Minh vượt ngục, gặp gỡ và kết bạn với Lục Vân Tiên, rồi về sau cùng Vân Tiên cầm quân diệt giặc Phiên.

  31. Tiểu đồng
    Người đầy tớ trung thành đi theo hầu Lục Vân Tiên khi chàng lên kinh ứng thí. Khi Vân Tiên bị mù, Trịnh Hâm muốn hãm hại nên lừa tiểu đồng, nói là vào rừng kiếm thuốc, kì thực y trói tiểu đồng vào gốc cây cho cọp ăn thịt. Nhưng đến đêm khuya, tiểu đồng được thần núi hiện ra cởi trói cho.

    Tiểu đồng bị trói khôn về,
    Kêu la chẳng thấu bốn bề rừng hoang:
    "Phận mình đã mắc tai nàn,
    "Cảm thương họ Lục suối vàng bơ vơ.
    "Xiết bao những nỗi dật dờ,
    "Đà giang nào biết, bụi bờ nào hay.
    "Vân Tiên hồn có linh rày,
    "Đem tôi theo với đỡ tay chưn cùng!"
    Vái rồi luỵ nhỏ ròng ròng,
    Đêm khuya ngồi dựa cội tòng ngủ quên.
    Sơn quân ghé lại một bên,
    Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.

  32. Vương Tử Trực
    Tên một nhân vật trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Tử Trực gặp gỡ Vân Tiên tại nhà Võ công, hai người kết nghĩa anh em và cùng lên kinh đi thi. Tử Trực là người trượng nghĩa, khảng khái, khi Võ công ngỏ ý muốn gả người con gái (trước đó đã hứa gả cho Vân Tiên) cho mình, chàng đã nổi giận mắng Võ công.

    Trực rằng: "Ai Lữ Phụng Tiên?
    Hòng toan đem thói Ðiêu Thuyền trêu ngươi.
    Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi,
    Lòng nào mà lỡ buông lời nguyệt hoa?
    Hổ han vậy cũng người ta,
    So loài cầm thú vậy mà khác chi?
    Vân Tiên! Anh hỡi cố tri
    Suối vàng có biết sự ni chăng là?"
    Tay lau nước mắt trở ra,
    Về nhà sắm sửa tìm qua Ðông Thành.

  33. Cầu Tấn
    Tên một chiếc cầu cổ gần cửa biển Thị Nại (nay là đầm Thị Nại), tỉnh Bình Định. Cầu này có từ đời Chiêm Thành, xây bằng đá, nên sử chép là Thạch Kiều, thời Pháp được sửa lại, đúc bằng xi măng cốt sắt. Cầu có tên là cầu Tấn vì Thị Nại xưa kia là một thương cảng tấp nập, có quan Tấn thủ coi giữ.
  34. Có bản chép: Bãi.
  35. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  36. Phương Mai
    Tên một hòn núi nhỏ nằm ở phía Đông của đầm Thị Nại (trước là cửa biển Thị Nại) thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên bán đảo và vịnh ở đây.

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

  37. Ghềnh Ráng
    Tên một thắng cảnh rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 2km. Đây là một bãi đá tự nhiên rất đẹp, trước đây từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Ghềnh đá có bãi tắm Tiên Sa, bãi Hoàng Hậu (tương truyền có tên như vậy vì là bãi tắm ưa thích của hoàng hậu Nam Phương triều Nguyễn), đá Hòn Chồng, bãi Đá Trứng, cùng với ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Quách Tấn giải thích về tên gọi Gành Ráng: (...) gọi là Gành Ráng không phải là Ráng trời. Người đi biển có bốn tiếng để lái thuyền: Cay: cho thuyền từ phải qua trái; Biết: cho thuyền từ trái qua phải; Nhượng: xoay mũi thuyền theo đầu gió; Ráng: đổ gió trong buồm ra, xoay mũi theo cuối chiều gió. Thuyền hễ qua Gành này thì phải đổ gió nên gọi là Gành Ráng.

    Một góc Ghềnh Ráng

    Một góc Ghềnh Ráng

  38. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  39. Sơn kì thủy tú
    Chữ Hán, nghĩa là "núi lạ, sông đẹp." Chỉ cảnh vật tươi đẹp. Còn nói là "thủy tú, sơn kì."

    Xa xa vừa mấy dặm đường
    Gặp Vương Tử Trực vầy đoàn đều đi.
    Trải qua thủy tú sơn kì
    Phỉ lòng cá nhảy gặp thì rồng bay

    (Lục Vân Tiên)

  40. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  41. Đồng Tỉnh
    Một làng nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, trước đây nổi tiếng về thuốc lào.
  42. Huê Cầu
    Nay là làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nguyên tên làng là Tân Kiều, nhưng dân chúng gọi là làng Hoa Kiều, sau trại ra thành Hoa Cầu. Đời vua Thiệu Trị, vì kỵ húy đổi là Xuân Kỳ nhưng nhân dân quen dùng tên cũ, mà đọc chệch đi là Huê Cầu, rồi thành Xuân Cầu. Làng có nghề nhuộm thâm truyền thống, đồng thời là quê hương của nhà yêu nước Tô Hiệu, nhà văn Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Tô Ngọc Vân...
  43. Thanh Lâm
    Tên gọi của một huyện đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam kể từ thời thuộc Minh (1407-1427), hiện nay là huyện Nam Sách và một phần thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
  44. Rau dền
    Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.

    Rau dền đỏ

    Rau dền đỏ

  45. Chợ Giã
    Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
  46. Cầu Đôi
    Tên chung của hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa và một dành cho đường bộ, nằm ở cửa ngõ thành phố Quy Nhơn, Bình Định, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.

    Cầu Đôi

    Cầu Đôi

  47. Cây Cốc
    Tên một cái đèo ở tỉnh Bình Định.
  48. Gò Bồi
    Tên một vạn (làng chài) thuộc làng Tùng Giản, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi sông Côn đổ ra biển. Thị trấn Gò Bồi xưa giữ vị trí khá quan trọng trong giao lưu, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Đặc biệt ở đây có nghề làm nước mắm truyền thống từ hai trăm năm trước.

    Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
    Nên đến già thơ anh còn đậm đà thấm thía.

    (Đêm ngủ ở Tuy Phước - Xuân Diệu)

    Gò Bồi ngày nay

    Gò Bồi ngày nay

  49. Đồ Bàn
    Tên một thành cổ nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 km về hướng tây bắc. Đây là kinh đô của Chăm Pa trong thời kỳ Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành. Thành Đồ Bàn còn có tên là Vijaya, thành cổ Chà Bàn, thành Hoàng Đế, hoặc thành Cựu.

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

  50. Thành Bình Định
    Tên một tòa thành cổ, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1814 với vai trò là thủ phủ trung tâm của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định, hiện nay thuộc đường Lê Hồng Phong, phường Bình Định, trung tâm thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thành được sử dụng trong thời gian 132 năm, từ năm 1814 đến năm 1946. Từ năm 1946, do cuộc chiến tranh với Pháp thành đã bị phá hoàn toàn. Hiện nay chỉ còn biểu tượng của ngôi nhà đón khách còn sót lại và cổng thành phía đông (cửa đông) được xây dựng lại, bên trên có tầng lầu. Thành Bình Định được dân gian gọi là thành Tân, đối lại với thành Cựu (thành Đồ Bàn).

    Cửa Đông thành Bình Định hiện nay

    Cửa Đông thành Bình Định hiện nay

  51. Cầu Chàm
    Tên chữ là Lam Kiều, một địa danh nằm ở phía Bắc Bình Định ngày trước. Tại đây có trồng nhiều cây chàm để nhuộm nên gọi là Cầu Chàm, sau đọc trại ra thành Gò Chàm.
  52. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  53. Giao lân
    Đi lại (giao) với hàng xóm láng giềng (lân).
  54. Tên các làng thuộc tổng và phủ của Bình Định ngày trước.