Tìm kiếm ""

Chú thích

  1. Văn Thánh
    Văn miếu Huế, một công trình được xây dựng vào năm 1808 dưới triều Gia Long. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn miếu còn thờ Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết và những người có công phát triển Nho giáo.

    Cổng chính vào Văn Thánh

    Cổng chính vào Văn Thánh

  2. Võ Thánh
    Võ miếu Huế, một công trình được xây dựng vào năm 1835 dưới thời Minh Mạng, tại làng An Ninh thuộc huyện Hương Trà, phía bên trái Văn Miếu, trước mặt là sông Hương. Đây là nơi thờ phụng và ghi danh những danh tướng Việt Nam, những tiến sĩ đỗ trong ba khoa thi võ dưới triều Nguyễn, cùng một số danh tướng Trung Quốc.

    Võ Thánh Miếu

    Võ Thánh Miếu

  3. Bàng
    Một loài cây thân gỗ lớn, có tán lá rộng nên thường được trồng để lấy bóng râm và làm cảnh. Quả ăn được và có vị hơi chua. Vào mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ trước khi rụng.

    Cây bàng

    Cây bàng

  4. Đàn Xã Tắc
    Nơi được lập nên để tế Xã thần (Thần Đất, 社) và Tắc thần (Thần Nông, 稷) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Ở nước ta có một số đàn Xã Tắc khác nhau ở Hoa Lư (lập dưới thời nhà Đinh), Hà Nội (nhà Lý) và Huế (nhà Nguyễn), hầu hết đã bị phá hủy hoàn toàn.
  5. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  6. Có ý kiến cho rằng bài ca dao này sử dụng hình thức chơi chữ (mù u) để diễn tả sự bất lực hèn nhát trước ngoại bang của triều đình nhà Nguyễn thời bấy giờ.
  7. Duy Tiên
    Đại danh nay là một huyện phía bắc tỉnh Hà Nam. Đây là vùng đồng chua nước mặn, khó trồng trọt.
  8. Đồng bãi mai rùa
    Cánh đồng cánh bãi có hình thể ở giữa lồi lên giống mai con rùa.
  9. Hồ Hoàn Kiếm
    Còn gọi là hồ Gươm, hồ Hoàn Gươm, Lục Thủy, Thủy Quân, Tả Vọng, Hữu Vọng, một hồ nước ngọt tự nhiên thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tên gọi Hoàn Kiếm (trả gươm) xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần.

    Hồ Gươm xưa

    Hồ Gươm xưa

  10. Cầu Thê Húc
    Cây cầu gỗ sơn màu đỏ, nối bờ hồ Hoàn Kiếm với cổng đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), được Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1865. Cầu bị gãy vào năm 1953 và được sửa lại, gia cố phần móng bằng xi măng. Tên cầu Thê Húc 棲旭 nghĩa là "đón ánh sáng mặt trời buổi sớm."

    Cầu Thê Húc năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

    Cầu Thê Húc năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

  11. Đền Ngọc Sơn
    Một ngôi đền nằm trên đảo Ngọc, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đền có từ trước thời Lý, được xây mới và tu sửa nhiều lần, có nhiều tên gọi khác nhau như đền Ngọc Tượng, chùa Ngọc Sơn... đến thế kỉ XIX được xây mới và đổi tên thành đền Ngọc Sơn. Đền hiện nay do Nguyễn Văn Siêu tu sửa năm 1865, đắp thêm đất và kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc cầu Thê Húc.

    Đền Ngọc Sơn hồi đầu thế kỉ XX

    Đền Ngọc Sơn hồi đầu thế kỉ XX

  12. Đài Nghiên
    Tên một cái cổng ở đầu cầu Thê Húc, trên cổng có đặt nghiên mực bằng đá hình quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có tạc ba con ếch đội nghiên. Trên nghiên có khắc một bài minh (một thể văn xưa) của Nguyễn Văn Siêu. Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.

    Tháp Nghiên

    Đài Nghiên

  13. Tháp Bút
    Tên một tòa tháp ở Hồ Gươm (Hà Nội). Tháp được xây dựng từ thời vua Tự Đức, làm bằng đá, cao năm tầng, đỉnh có hình một chiếc bút lông chỉ lên trời.

    Tháp Bút. Ba chữ Hán từ trên xuống là 寫青天 (Tả Thanh Thiên), nghĩa là "viết lên trời xanh."

    Tháp Bút. Ba chữ Hán từ trên xuống là Tả Thanh Thiên, nghĩa là "viết lên trời xanh."

  14. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  15. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  16. Long Phụng
    Một thôn thuộc xã Đức Phụng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nằm ven bờ nam sông Vệ. Ngày xưa, khoai lang trồng ở vùng đất Long Phụng có vị ngon, bùi, trở thành món ăn nổi tiếng gần xa.
  17. Bể dâu
    Từ tiếng Hán thương hải tang điền (biển xanh, nương dâu). Tiếng Việt ta có thành ngữ là bãi bể nương dâu. Theo Thần tiên truyện, tiên nữ Ma Cô nói với Vương Phương Bình rằng "Từ khi được hầu tiếp ông đến nay đã thấy biển xanh ba lần biến thành nương dâu."

    Các từ ngữ bể dâu, bãi bể nương dâu, dâu biển (biển dâu) đều chỉ sự biến đổi, thăng trầm của cuộc đời.

    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

    (Truyện Kiều)

  18. La Hà Thạch Trận
    Tên một thắng cảnh nằm về phía đông thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 5 km về hướng Nam, gồm bốn ngọn núi đá: Cao Cổ, Đá Chẻ, Voi và Hùm. Tên "La Hà Thạch Trận" (trận địa bằng đá ở La Hà) là do Nguyễn Cư Trinh đặt.

    Di tích Đá Voi thuộc La Hà Thạch Trận.

    Di tích Đá Voi thuộc La Hà Thạch Trận.

  19. Phong trần
    Nghĩa gốc là gió (phong) và bụi (trần), hiểu theo nghĩa rộng là chịu nhiều mưa nắng dãi dầu, gian nan vất vả.

    Bắt phong trần phải phong trần
    Cho thanh cao mới được phần thanh cao

    (Truyện Kiều)

  20. Sa Huỳnh
    Một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc trại ra thành Sa Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

  21. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  22. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  23. Chùa Hang
    Tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự (Chùa đá trời sinh), một ngôi chùa ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa được xây dựng dưới triều vua Lê Kính Tông. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn. Chùa còn có tên khác do dân gian gọi là "chùa không sư" vì ở đây không có sư trụ trì.

    Chùa Hang ở Lý Sơn

    Chùa Hang ở Lý Sơn

  24. Hang Câu
    Một hang động được khoét sâu vào lòng núi nhờ gió và sóng biển, nằm ở thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, dưới chân núi Thới Lới. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng. Hang có tên như vậy có lẽ vì trước đây có nhiều ngư dân ra câu cá, hoặc cũng có thể là nơi có nhiều rau câu.

    Hang Câu

    Hang Câu

  25. Bãi Ké
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bãi Ké, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  26. Kỳ Tân, An Chuẩn
    Tên hai làng thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nằm ngay ngã ba nơi con sông Vệ đổ ra biển. Đây là nơi có nghề làm nước mắm truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi, kéo dài đến tận bây giờ.
  27. Lý Sơn
    Địa danh nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cụm đảo gồm Lý Sơn (tên dân gian là cù lao Ré), hòn Bé (cù lao Bờ Bãi) nằm ở phía Bắc, và hòn Mù Cu ở phía Đông. Trong số ba đảo này thì cù lao Ré là đảo lớn nhất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

    Đây là một địa điểm du lịch rất đẹp, đồng thời nổi tiếng với đặc sản gỏi tỏi, được mệnh danh là "vương quốc tỏi."

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

  28. Lương nông
    Nhà nông thành thạo, nhà nông giỏi (từ Hán Việt).
  29. Cà Đó
    Một địa danh ở xã Đức Lương, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây nổi tiếng có thuốc lá rất ngon.
  30. Nồi hai
    Nồi nấu được hai lon gạo.
  31. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  32. Vạn
    Làng chài.
  33. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  34. Mỹ Á
    Một cửa biển nay thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
  35. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  36. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  37. Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm từ mùng 4 đến mùng 7 có hội đua ghe hàng năm, sau đó là hội dội bòng. Người ta xây một lễ đài để làm lễ gọi là “nhà trò,” trước nhà trò trên bãi biển rộng, ở hai đầu bãi dựng hai cây tre có ngọn, cao chừng 4 mét, trên mỗi cây tre có treo một giỏ tre, trong khi diễn ra cuộc chơi thì hai phe cử hai người giữ hai cột tre của nhau, để mỗi khi quả bòng được dồi vào thì cố lắc mạnh để quả bòng khó lọt được vào giỏ tre, nếu người phe nào giành được quả bòng và ném lọt vào giỏ tre của phe mình là xem như thắng cuộc.
  38. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  39. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  40. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  41. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  42. Cá rô Tổng Trường
    Loài cá rô sống ở môi trường hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Cá rô Tổng Trường có thịt béo, thơm, dai, ngon, được coi là một đặc sản ẩm thực của Ninh Bình, ngày xưa dùng để tiến vua.

    Cá rô Tổng Trường

    Cá rô Tổng Trường

  43. Chợ Bỏi
    Một trong những chợ xưa của Hà Nội, nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
  44. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  45. Mỹ Thọ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.