Tìm kiếm "đằng đông"

Chú thích

  1. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  2. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  3. Ba trăng
    Người xưa gọi mỗi tháng là một con trăng. Ba trăng tức là ba tháng.
  4. Gió Lào
    Loại gió khô và nóng xuất hiện ở nước ta từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín. Vì hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào, vượt Trường Sơn vào nước ta nên gió có tên là gió Lào, còn có các tên là gió nam hoặc gió phơn Tây Nam (foehn có nguồn gốc từ tiếng Đức föhn chỉ loại gió ấm ở vùng núi Alps). Gió thổi đập vào người nóng như cào da thịt nên cũng gọi là gió nam cào.
  5. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  6. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  7. Vi
    Vây.
  8. Quản
    Người Nam Bộ đọc là quyển, một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu.
  9. Đãi bôi
    (Nói chuyện) niềm nở nhưng giả dối, không thực lòng. Theo học giả An Chi, từ này có thể bắt nguồn từ chữ Hán đãi 紿 (lừa dối) và bội 倍 (phản, trái lại). Một số địa phương Nam Bộ phát âm thành đãi buôi hoặc bãi buôi.
  10. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  11. Non nhớt
    Còn rất non, chưa ráo mủ, còn nhiều nhớt (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Chuối tiêu
    Còn gọi chuối già (có nơi đọc là chuối dà), một giống chuối cho trái nhỏ, dài, thơm, khi chín vỏ vẫn màu xanh, khi chín muồi vỏ chuyển sang màu vàng. Chuối tiêu rất giàu dinh dưỡng và là một vị thuốc dân gian.

    Chuối tiêu

    Chuối tiêu

  13. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  14. Canh ngọt
    Cách nói để khen món canh ngon, đúng vị (cơm lành canh ngọt).
  15. Cau lùn
    Giống cau thuộc họ cau dừa, thân cột, cao tới 20m, tán lá rộng, ít rụng, hoa thơm, có trái quanh năm, thường được trồng làm cảnh.

    Hàng cau lùn

    Hàng cau lùn

  16. Tràng hạt
    Một vòng dây gồm nhiều hạt xâu lại với nhau. Khi tụng niệm, người tụng dùng tay lần từng hạt để đếm.

    Chuỗi tràng hạt

    Chuỗi tràng hạt

  17. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  18. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  19. Thi lễ
    Kinh Thi và kinh Lễ, dùng để chỉ sự nền nếp, gia giáo thời phong kiến.
  20. Khôn
    Khó mà, không thể.
  21. Ba Bị
    Hình ảnh xấu xí, đáng sợ mà người lớn thường đem ra để dọa trẻ con. Theo nhà nghiên cứu An Chi, cái tên "Ba Bị" xuất phát từ người ăn xin: cái bị là đồ nghề ăn xin. Cả câu "Ba bị chín quai, mười hai con mắt" mô tả một người ăn xin mang ba cái bị, mỗi bị có chín cái quai và bốn con mắt (mắt: lỗ hở, khe hở đều đặn ở các đồ đan).

    Ông Ba Bị

  22. Ba thu
    Ba mùa thu, tức là ba năm. Lấy ý từ bài Thái cát (Hái rau) trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Bỉ thái tiêu hề.
    Nhất nhật bất kiến,
    Như tam thu hề

    Dịch:
    Cỏ tiêu đi hái kìa ai,
    Xa nhau chẳng gặp một ngày đợi trông.
    Bằng ba mùa đã chất chồng.

    "Một ngày không gặp xem bằng ba thu" thường dùng để chỉ sự nhớ nhung khi xa cách của hai người yêu nhau.

  23. Thượng thủ
    Hơn hết, trên hết.
  24. Dục dặc
    Trắc trở, không thuận hòa (phương ngữ Phú Yên).
  25. Ông gấm
    Con beo, con báo hoa mai (phương ngữ).

    Báo hoa mai

    Báo hoa mai

  26. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  27. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  29. Khuê Cầu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Khuê Cầu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  30. Đánh quay
    Một trò chơi dân gian rất phổ biến trước đây. Người chơi dùng một sợi dây quấn quanh con quay, sau đó bổ (lăng, giật) thật nhanh để con quay xoay càng nhiều vòng trước khi đổ càng tốt. Con quay có thể làm bằng gỗ, sừng, chũm cau, hạt nhãn, hạt vải, hạt mít, đất sét...

    Ngày xưa vào những ngày lễ Tết thường tổ chức đánh quay, có thể có tranh đua ăn tiền.

    Tùy theo địa phương mà trò này có các tên khác là đánh vụ, đánh gụ hoặc đánh cù. Con quay cũng có các tên tương ứng là bông vụ, con gụ hoặc con cù.

    Đánh quay

    Đánh quay

  31. Áo cổ kiềng
    Một loại áo ngắn tương tự như áo bà ba ở miền Nam, cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, nên có tên gọi như vậy.
  32. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  33. Cố
    Giao tài sản (đồ đạc, ruộng đất...) cho người khác để làm tin.