Tìm kiếm "bao xa"

  • Mẹ già ở tấm lều tranh

    Mẹ già ở tấm lều tranh
    Đói no chẳng quản, rách lành chẳng hay
    Ra đi công vụ nặng nề
    Nửa lo thê tử nửa sầu từ thân
    Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
    Ới anh ơi, anh ở đây làm chi cho vua quan sưu thuế nặng nề
    Đứa lên một, đứa lên hai, đứa lên năm, đứa lên bảy
    Tao biểu mày quảy, mày không quảy
    Để phần tao quảy, quảy, quảy, quảy về cái đất Phú Ơn
    Nặng nề gánh vác giang sơn
    Đầu con đầu vợ cái đất Phú Ơn ta lặng về
    Kìa hỡi kia đỉnh núi tứ bề,
    Nhành mai chớm nở ta về xứ ta
    Biết bao về tới quê nhà…
    Hết hòn Vay, ta qua hòn Trả
    Hết hòn Trả, lại sang hòn Hành
    Tấc dạ bao đành dắt con cùng vợ,
    Biết no nào trả xong nợ bên dương trần
    Nợ lần lần, tay bồng tay dắt
    Tay đặt chân trèo, ta về xứ ta
    Biết bao là về tới quê nhà…

    Dị bản

    • Hết Hòn Vay đến Hòn Trả
      Hết Hòn Trả, lại đến Hòn Hành
      Tấc dạ cam đành,
      Dắt con cùng vợ.
      Biết bao giờ trả nợ dương trần?
      Nợ dương trần, tay lần tay vác,
      Tay vịn, chân trèo,
      Ta về xứ ta!
      Biết bao giờ trở lại quê nhà?

    • Tao biểu mày quảy, mày không chịu quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn!

    • Đầu con, đầu vợ
      Đứa lớn, đứa bé, đứa bế, đứa nằm
      Đứa lên một, đứa lên ba, đứa lên năm, đứa lên bảy
      Tao biểu mày quảy, mày không quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn
      Nặng nề gánh vác giang sơn
      Đầu con, đầu vợ, cái đất Phú Ơn ta lại về
      Nhìn trông đỉnh núi tứ bề
      Cành mai chớm nở, ta về xứ ta!

  • Khăn anh nàng lấy vá vai

    Khăn anh nàng lấy vá vai
    Bây giờ nàng đã nghe ai dỗ dành?
    Chẳng nên, tháo chỉ lấy mụn trả anh
    Để anh đem bán lấy hai trăm vàng
    Một trăm anh đưa cho nàng
    Còn một trăm nữa để quàng cây đa
    Chứ em không nhớ lời thề nguyện với ta
    Sông có Nhị Hà, núi có Tản Viên
    Bây giờ nàng ở thế sao nên?
    Tôi khấn Nam Tào, Bắc Đẩu biên tên rành rành
    Đã yêu anh, thời quyết với anh
    Nhà tre, rui nứa , lợp tranh vững vàng
    Chớ tham nhà gỗ bức bàn
    Gỗ lim chẳng có, làm xoàng gỗ vông
    Chỉ nhọc mình thôi lại luống công
    Ðến khi gỗ mục, lại nằm nhà tre
    Còn duyên anh bảo chẳng nghe!

  • Vè cúp tóc

    Cúp hè! Cúp hè!
    Tay mặt cầm kéo
    Tay trái cầm lược
    Thủng thỉnh cho khéo
    Bỏ cái ngu này
    Bỏ cái dại này
    Ăn ngay nói thẳng
    Học mới từ đây
    Cúp hè! Cúp hè!
    Trên đường canh tân
    Đừng ai ăn mặn
    Đừng ai nói láo
    Ngày nay ta cúp
    Ngày mai ta cạo
    Cúp hè! Cúp hè!
    Mọi người cùng cúp
    Cho sạch đầu tóc
    Cho đẹp con người
    Ai nấy thảnh thơi
    Xóm làng trông cậy
    Cúp hè! Cúp hè!
    Ai đi đò dọc
    Kẻ ngược người xuôi
    Ai ngồi tàu suốt
    Từ Bắc vô Nam
    Lên ngàn xuống bể
    Cúp hè! Cúp hè!
    Từ sĩ đến nông
    Từ công đến thương
    Đi chài, dệt sợi
    Trăm người như một
    Bảo nhau cúp tóc
    Cúp hè! Cúp hè!

  • Em là con gái nhà quê

    Em là con gái nhà quê
    Ham bên tài sắc nhiều bề ái ân
    Chẳng ham tham phú phụ bần
    Duyên rằng duyên phải nợ nần nhau đây
    Chàng có sang, chàng phải chọn ngày
    Mối manh cho rõ xe dây xích thằng
    Cầm cân chàng nhấc cho bằng
    Một bên cối đá một đằng tiền cheo
    Hỏi chàng rằng có hay nghèo
    Lệ làng phải sửa bấy nhiêu mới từng

  • Bánh canh trắng, bánh canh ngọt, rượu bọt bỏ ve

    Bánh canh trắng, bánh canh ngọt, rượu bọt bỏ ve
    Ai kêu tôi đó, dạ có tôi đây
    Bốn mùa bông cúc vần xoay
    Để xem trời định duyên này về đâu

    Dị bản

    • Bánh canh trắng, bánh canh ngọt, rượu bọt đầy ve
      Bao giờ mặt trời hết quay
      Thì qua với bậu mới dứt dây cang thường

  • Hai tay cầm bốn trái dưa

    Hai tay cầm bốn trái dưa
    Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
    Hai tay cầm bốn lượng vàng
    Vàng thời bỏ được, nghĩa chàng em không buông

    Dị bản

    • Hai tay cầm bốn trái dưa
      Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
      Hai tay đeo bốn chiếc vàng
      Của cha mẹ sắm của chàng một đôi.

    • Hai tay cầm bốn trái dưa
      Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
      Tay cầm cuốn sách bìa vàng
      Sách bao nhiêu chữ, dạ thương chàng bấy nhiêu

    • Hai tay cầm bốn trái dưa
      Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
      Một trái thì để đầu giàn
      Bao nhiêu bồ hóng thương chàng bấy nhiêu

Chú thích

  1. Thê tử
    Vợ con (từ Hán-Việt).
  2. Từ thân
    Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
  3. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  5. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  6. Hòn Vay, hòn Trả
    Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:

    Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
    Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
    Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
    Nợ nước ơn đền ông phủi tay
    Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
    Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
    Khách giang hồ những tha hồ mượn,
    Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.

  7. Hòn Hành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  8. Những hòn núi này, có bản chép: Hòn Vậy, hòn Cả, hòn Trả, hòn Hành...
  9. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
  11. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  12. Mụn
    Mảnh vụn nhỏ (mụn vải).
  13. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  14. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  15. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  16. Nam Tào
    Vị tiên trông coi bộ sổ sinh của con người ở trần gian, tức sổ những người được sinh ra đời, gọi là sổ Nam Tào (theo điển tích xưa và theo một số tín ngưỡng dân gian).
  17. Bắc Đẩu
    Vị tiên trông coi bộ sổ tử của con người ở trần gian, tức sổ người chết, còn gọi là sổ Bắc Đẩu (theo điển tích xưa và theo một tín ngưỡng dân gian).
  18. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  19. Rui
    Thanh tre hoặc gỗ đặt theo chiều dốc của mái nhà để đỡ những thanh đặt dọc (gọi là thanh mè).

    Rui mè

    Rui mè

  20. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  21. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  22. Bức bàn
    Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.

    Cử bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

    Cửa bức bàn tại lăng Hoàng Gia, Tiền Giang

  23. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  24. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  25. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  26. Cúp
    Cắt (đọc theo âm tiếng Pháp của couper).
  27. Canh tân
    Cải cách theo lối mới.
  28. Bài Vè cúp tóc này theo truyền văn là của Phan Khôi viết năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng.
  29. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  30. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  31. Mối manh
    Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
  32. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  33. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  34. Núi Bụt
    Tên một ngọn núi nhỏ nay thuộc địa phận xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

    Cây cối trên núi Bụt

    Cây cối trên núi Bụt

  35. Sông Lại Giang
    Tên dòng sông lớn thứ hai của tỉnh Bình Định, được hình thành từ sự hợp nhất của hai dòng sông là An Lão và Kim Sơn. Sông Lại Giang chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc và đổ ra biển Đông qua cửa An Dũ.

    Hạ nguồn sông Lại Giang

    Hạ nguồn sông Lại Giang

  36. An Lão
    Địa danh nay là huyện An Lão thuộc tỉnh Bình Định. Huyện giáp với các huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và An Khê (Gia Lai), bốn phía bao bọc bởi nhiều dãy núi nên còn được gọi là thung lũng An Lão.
  37. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  38. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  39. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  40. Có bản chép: Một trăm thằng Chệt lần hồi chui ra.
  41. Câu này được cho là lời sấm về sự kết thúc của chế độ phong kiến nhà Nguyễn năm 1945, trong đó "sen mọc biển Đông" được giảng giải theo hai cách:

    - Sự bành trướng của Liên Xô (liên từ Hán Việt nghĩa là hoa sen) về phía Đông.
    - Sự việc người Nhật cho thả hoa sen (có nguồn cho là thả bèo Nhật Bản) ở các sông hồ Việt Nam.

  42. Ngư thủy nhất đường
    Cá nước một nhà (chữ Hán).
  43. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  44. Chếch hẳn về một phía (nói về mặt trời hay mặt trăng) khi ngày hoặc đêm đã quá muộn, đã sắp hết.
  45. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  46. Bánh canh
    Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.

    Bánh canh Trảng Bàng

    Bánh canh Trảng Bàng

  47. Bánh canh ngọt
    Loại chè được làm từ sợi bánh canh nấu với nước đường, thêm gừng cho thơm.

    Chè bánh canh

    Chè bánh canh

  48. Rượu bọt bỏ ve
    Cách gọi nước ngọt hoặc xá xị của người Nam Bộ ngày trước, theo Sơn Nam. Xem thêm ve.
  49. Bồ hóng
    Bụi than đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp, đáy nồi... trong quá trình nấu nướng.
  50. Núi Nhạn
    Một ngọn núi nhỏ nằm bên bờ sông Đà Rằng. Núi còn có các tên núi Khỉ, Tháp Dinh hoặc núi Bảo Tháp, vì trên đỉnh núi có một ngọn tháp Chăm được xây từ thế kỉ 11.

    Núi Nhạn

    Núi Nhạn

  51. Sông Đà Rằng
    Tên phần hạ lưu của sông Ba, một con sông chảy trên địa bàn ba tỉnh miền Trung là Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên. Nguồn gốc của tên Đà Rằng xuất phát từ tiếng Chăm Ea Rarang, nghĩa là "con sông lau sậy."

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

    Sông Đà Rằng đoạn chảy qua Tuy Hòa

  52. Hạng Vũ
    Tên huý là Hạng Tịch, còn gọi là Tây Sở Bá Vương. Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Hạng Vũ là một anh hùng có sức mạnh "bạt sơn cử đỉnh," yêu thương quân sĩ nhưng lại có lòng nhân "của đàn bà" (cách dùng từ trong Sử Ký), hay nghi ngờ các tướng lĩnh, vì vậy mà cuối cùng thất bại vào tay Lưu Bang.
  53. Tức là con khỉ, cách nói hài hước. Núi Nhạn ngày xưa có nhiều khỉ, vì vậy cũng có tên là núi Khỉ.
  54. Ngu Cơ
    Vợ yêu của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Tương truyền khi quân Sở sắp thua trận, Hạng Vũ cùng Ngu Cơ uống rượu và ca hát trong trướng, sau đó Ngu Cơ dùng kiếm tự vẫn. Nơi máu bà đổ xuống mọc lên một thứ cỏ, người ta gọi là "Ngu mĩ nhân thảo." Mối tình của Ngu Cơ và Hạng Vũ được đời sau truyền tụng và ca ngợi.

    Hình vẽ Ngu Cơ

    Hình vẽ Ngu Cơ

  55. Ô Giang
    Một con sông ở Trung Quốc, nơi Hạng Vũ bỏ mình. Theo Sử Ký, khi bị quân của Lưu Bang truy kích, Hạng Vũ muốn đi sang phía đông, vượt sông Ô Giang. Người đình trưởng Ô Giang cắm thuyền đợi, bảo Hạng Vương "Giang Đông tuy nhỏ, đất hàng ngàn dặm, dân vài mươi vạn, cũng đủ làm vương. Xin đại vương mau mau vượt sông. Nay chỉ một mình thần có thuyền, quân Hán đến không có cách gì vượt qua." Hạng Vương cười nói "Trời hại ta, ta vượt qua sông làm gì! Vả chăng Tịch này cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng tây, nay không còn lấy một người trở về! Dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta cũng còn mặt mũi nào mà thấy họ nữa. Dù họ không nói, Tịch này há chẳng thẹn trong lòng sao?" Xong ông xuống ngựa, một mình giết mấy trăm quân Hán, rồi tự đâm cổ chết.