Tìm kiếm "trăng máu"

Chú thích

  1. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  2. Bận
    Mặc (quần áo).
  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Gió mùa Đông Bắc
    Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
  5. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  6. Quang Trung
    Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.

    Phơi lá lụi để làm nón

    Phơi lá lụi để làm nón

  7. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  8. Quắn
    Xoăn tít (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Huỳnh
    Đọc trại âm từ chữ Hán hoàng 黃 (nghĩa là vàng). Xưa vì kị húy với tên chúa Nguyễn Hoàng mà người dân từ Nam Trung Bộ trở vào đều đọc thế.
  10. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  11. Rau đắng
    Cũng gọi là cây càng tôm, cây biển súc, một loại rau hình mũi mác, có vị đắng, thường được dùng làm rau sống hay chế biến nhiều món khác nhau, hoặc làm thuốc.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Nghe bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.

  12. Bạc hai mươi
    Lối cho vay bạc ngày xưa, cứ một trăm đồng thì con nợ phải trả hai mươi đồng lời trong một tháng. Cũng gọi là "xanh xích đít đuôi" (theo âm tiếng Pháp cinq six dix douze, nghĩa là năm-sáu, mười-mười hai: Năm đồng vốn thì cả vốn lẫn lời là sáu; mười đồng vốn thì cả vốn lẫn lời là mười hai đồng).
  13. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  14. Trển
    Trên ấy (phương ngữ Trung và Nam Bộ)
  15. Ba Thắc
    Tên của một địa danh ở miền Nam, xuất phát từ chữ Bassac trong tiếng Khmer. Hiện có ba cách giải thích về địa danh này:

    1. Vùng đất ngày xưa thuộc địa phận của Campuchia, người Khmer gọi là Srok Bassac. Vùng đất này kéo dài từ Châu Đốc xuống Cà Mau hiện nay.
    2. Tên gọi khác của sông Hậu (người Khmer gọi là Tonlé Bassac).
    3. Tên gọi một trong ba cửa biển của sông Hậu, bao gồm Tranh Đề, Định An và Ba Thắc. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.

  16. Phông tên
    Vòi nước. Từ này bắt nguồn từ chữ fontaine trong tiếng Pháp. Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thường đặt các trụ nước sinh hoạt ở ngã tư đường tại Sài Gòn, mỗi trụ có bốn mặt, mỗi mặt có một vòi nước. Trụ này được gọi là phông tên nước, nước lấy từ đây gọi là nước phông tên.  Hằng ngày, người dân sống quanh vùng đến đây để gánh nước về để phục vụ sinh hoạt.
  17. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  18. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Con cò
    Con tem thư. Trước đây khi xâm lược nước ta, quân đội viễn chinh Pháp dùng tem thư trên có in hình con ó màu xanh, nhân dân ta gọi là con cò.

    Tem thư con cò

    Tem thư con cò

  20. Mần thơ
    Viết thư (phương ngữ Nam Bộ).
  21. Cui
    Một loại cây chịu nước mặn, có phiến lá lớn cứng giòn, gỗ chắc, mối mọt khó gặm, có thể dùng để đóng bàn ghế.
  22. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  23. Đơn sai
    Thiếu trung thực (từ cũ).

    Cửa hàng buôn bán châu Thai
    Thực thà có một, đơn sai chẳng hề

    (Truyện Kiều)

  24. Trì Trì
    Tên một giống lúa nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Có ý kiến cho rằng, giống lúa này là do tướng Chăm là Bồ Trì Trì để lại trước khi bị quân nhà Lê truy đuổi phải chạy vào đến Phan Rang vào cuối thế kỉ 15. Lúa Trì Trì có hạt gạo đỏ, khi nấu chín nở nhiều và ngon cơm.
  25. Lúa Co
    Tên một giống lúa trước đây thường được trồng ở vùng Quảng Nam và Quảng Ngãi. Có ý kiến cho rằng tên Co là do đây là giống lúa chính mà người Co (còn gọi là người Cua, người Trầu), một dân tộc ít người cư trú lâu đời ở tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam canh tác. Gạo Co hạt đỏ, được người lao động ưa thích vì khi nấu chín nở nhiều và ngon cơm.
  26. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  27. Lục bình
    Một loại bèo có thân mọc cao khoảng 30 cm, lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Lục bình sinh sản rất nhanh nên có mặt rất nhiều ở các ao hồ, kên rạch. Nhân dân ta thường vớt bèo cho lợn ăn, những năm gần đây xơ lục bình phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công, hay bàn ghế. Ngó lục bình cũng được chế biến thành thức ăn, ngon không kém ngó sen.

    Lục bình

    Lục bình

  28. Điên điển
    Một loại cây ở miền đồng bằng Nam Bộ, có bông được sử dụng làm nhiều món ăn như dưa chua, canh, gỏi trộn thịt gà...

    Bông điên điển

    Bông điên điển

    Gỏi bông điên điển và tép đồng

    Gỏi bông điên điển và tép đồng

  29. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  30. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  31. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  32. Hòa Đình
    Cũng tên là Lồi Đình, tên Nôm là Nhồi, một làng quan họ xưa, nay thuộc phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.
  33. Khế
    Cây thân gỗ vừa, có nhiều cành, không cần nhiều ánh nắng. Hoa màu tím hồng pha trắng, mọc ở nách lá hoặc đầu cành. Quả khế có 5 múi nên lát cắt ngang tạo thành hình ngôi sao, quả còn non màu xanh, khi chín có màu vàng. Có hai giống khế là khế chua và khế ngọt. Cây khế là hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc Bộ.

    Lá và hoa khế

    Lá và hoa khế

    Quả khế

    Quả khế

  34. Dao lá trúc
    Dao sắc bén và mỏng như lá trúc.
  35. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  36. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  37. Chợ phiên
    Chợ họp có ngày giờ nhất định.