Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Quảng Bá với anh thì về
Quảng Bá nằm ở ven đê
Bốn mùa xanh tốt với nghề trồng rau
Anh đi trước em đi sau
Để bác mẹ biết trầu cau sang nhà.
Tìm kiếm "tháng chạp"
-
-
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
-
Yên Thái có giếng trong xanh
-
Đi đâu mà chẳng biết ta
Đi đâu mà chẳng biết ta
Ta ở Kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm rau húng rau mùi
Thìa là cải cúc đủ mùi hành hoa
Mồng tơi mướp đắng ớt cà
Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên
Anh giúp em đôi quang tám dẻ cho bền
Mượn người lịch sự gánh lên kinh kì
Gánh lên chợ Mới một khi
Mong cho đến chợ anh thì nghỉ chân!Dị bản
Đi đâu mà chẳng biết ta
Ta ở xóm Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm rau húng rau mùi
Thìa là cải cúc đủ mùi hành hoa
Mồng tơi mướp đắng ớt cà
Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên
Giúp em đôi quang tám dẻ cho bền
Mượn người lịch sự gánh lên chợ trời
Gánh đi lòng những bồi hồi
Mong cho đến chợ còn ngồi nghỉ ngơi!
-
Mùa xuân dạo bước Tây Hồ
-
Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng
-
Hà Nội băm sáu phố phường
-
Buồn về một nỗi tháng Giêng
Buồn về một nỗi tháng Giêng
Con chim, cái cú nằm nghiêng thở dài
Buồn về một nỗi tháng Hai
Ðêm ngắn, ngày dài thua thiệt người ta
Buồn về một nỗi tháng Ba
Mưa rầu, nắng lửa người ta lừ đừ
Buồn về một nỗi tháng Tư
Con mắt lừ đừ cơm chẳng muốn ăn
Buồn về một nỗi tháng Năm
Chửa đặt mình nằm gà gáy, chim kêu.
Bước sang tháng Sáu lại đều
Thiên hạ cày cấy râm riu ngoài đồng. -
Trăm hoa đua nở tháng giêng
Trăm hoa đua nở tháng giêng
Có bông hoa cải nở riêng tháng mười -
Đồn rằng chợ Bỏi vui thay
Đồn rằng chợ Bỏi vui thay
Đằng đông có miếu, đằng tây có chùa
Giữa chợ lại có đền thờ
Dưới sông nước chảy, đò đưa dập dìuDị bản
-
Gương kia nỡ để bụi nhòa
-
Ai về Hà Nội, ngược nước Hồng Hà
-
Năm một nghìn không trăm mười
Năm một nghìn không trăm mười
Vua Lý Thái Tổ cho dời thành xưa
Về Thăng Long dựng kinh đô
Muôn dân chung dựng cơ đồ ông cha
Lâu đài thành quách nguy nga
Có phố, có chợ thật là đông vui
Có sông Hồng thuyền tới lui
Có hồ nước mát thoảng mùi hương sen
Cửa ô, xóm phố nối liền
Thăng Long tấp nập trăm miền khơi thông
Vua Lý đã chọn đất rồng
Ngàn năm bền vững Thăng Long kinh kì -
Nghìn năm còn mãi sử xanh
-
Về thăm Hà Nội quê nhà
-
Nhị Hà quanh bắc sang đông
-
Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát
-
Khen ai khéo họa dư đồ
Khen ai khéo họa dư đồ
Giữa nơi thành thị có hồ xanh trong
Ngựa xe muôn nẻo phố đông
Một tòa cổ miếu, đôi dòng thanh lưu
Trăng soi nước, nước in cầu
Bức tranh thiên cổ đượm màu yêu thương
Có hoa ánh bóng tà dương
Nghìn xưa hưng bá đồ vương chốn nàyDị bản
-
Quần thâm, lĩnh Bưởi cạp điều
-
Ngòi sách, ruộng học là đây
Chú thích
-
- Quảng Bá
- Tên cũ là Quảng Bố, một làng cổ nằm ven đê sông Hồng và bên bờ Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quảng Bá nổi tiếng từ xưa với nghề trồng rau, trồng đào và các loại hoa Tết. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng các loại hoa đã bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa.
-
- Bác mẹ
- Cha mẹ (từ cổ).
-
- Làng Cót
- Cũng gọi là kẻ Cót, tên Nôm của hai làng Yên Quyết là Thượng Yên Quyết ở phía Bắc và Hạ Yên Quyết ở phía Nam, đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Về sau làng Cót được lấy làm tên gọi cho làng Hạ Yên Quyết tức làng Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính.
Nghề truyền thống của làng Cót là nghề làm vàng mã. Hiện nay, còn nhiều hộ gia đình tại làng Cót vẫn giữ nghề truyền thống này.
-
- Nhịp chày Yên Thái
- Nhịp chày giã dó để làm giấy ở làng Yên Thái, cửa ngõ phía Tây Bắc thành Thăng Long trước đây.
-
- Yên Lãng
- Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.
-
- Rau húng
- Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.
Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.
-
- Ngò
- Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.
-
- Thì là
- Có nơi gọi là cây thìa là, một loại cây gia vị rất phổ biến ở nước ta, đặc biệt là ở các vùng phía Bắc, nơi thì là được xem là gia vị không thể thiếu khi nấu các món canh cá nhất là các loài cá da trơn và có mùi tanh đậm. Hạt thì là cũng được dùng làm thuốc và chưng cất tinh dầu.
-
- Cải cúc
- Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.
-
- Mồng tơi
- Một số địa phương phát âm thành "mùng tơi" hay "tầm tơi", loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh, ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt.
-
- Mướp đắng
- Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.
-
- Bí
- Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).
-
- Đậu ván
- Một loài cây họ đậu, được trồng nhiều ở nước ta để lấy hạt làm thức ăn. Quả đậu ván còn xanh được dùng tương tự đậu cô ve để xào hoặc luộc. Hạt đậu ván già thường dùng để nấu chè gọi là chè đậu ván. Ở một số vùng quê, lá đậu ván được dùng để nhuộm màu bánh chưng.
-
- Chợ Mới
- Theo Đại Nam nhất thống chí, đến thế kỷ 19, Thăng Long có thêm chợ Mới ở vào quãng phố Hàng Chiếu, cùng với chợ Đông Thành (quãng phố Hàng Vải - hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), và chợ Yên Thái (Bưởi).
-
- Hồ Tây
- Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.
-
- Thiên duyên kì ngộ
- Sự gặp gỡ lạ lùng, như duyên trời sắp đặt (chữ Hán).
-
- Hồ Trúc Bạch
- Tên một cái hồ thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Hồ được cho là một phần của hồ Tây trước kia, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc thành Cổ Ngư, giờ là đường Thanh Niên). Trước hồ thuộc làng Trúc Yên, ven hồ có Trúc Lâm viện là nơi chúa Trịnh giam giữ các cung nữ phạm tội. Những cung nữ này làm nghề dệt lụa để kiếm sống. Vì lụa đẹp nổi tiếng, nên dân gian lấy đó làm tên gọi cho hồ (Trúc Bạch nghĩa là lụa làng Trúc).
-
- Ba mươi sáu phố
- Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.
"Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.
-
- Hàng Đường
- Một phố trong khu phố cổ Hà Nội, dài 180m, chạy theo hướng bắc - nam, phía nam nối vào phố Hàng Ngang, phía bắc nối phố Đồng Xuân, cắt ngang bởi phố Hàng Cá và Ngõ Gạch. Tên phố từ xưa đến nay không bị thay đổi. Đây là nơi từ xưa chuyên bán các loại đường, mứt, bánh, kẹo. Từ khoảng những năm 1940 đến nay, phố này bắt đầu trở thành nơi nổi tiếng với các sản phẩm ô mai.
-
- Cú
- Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.
-
- Chửa
- Chưa (từ cổ, phương ngữ).
-
- Chợ Bỏi
- Một trong những chợ xưa của Hà Nội, nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Mỹ Thọ
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
-
- Nhị Hà
- Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
-
- Tản Viên
- Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.
-
- Sông Hồng
- Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.
Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.
-
- Lý Thái Tổ
- Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.
-
- Thăng Long
- Tên cũ của Hà Nội từ năm 1010 - 1788. Tương truyền Lý Thái Tổ khi rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên mới gọi kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay lên). Ngày nay, tên Thăng Long vẫn được dùng nhiều trong văn chương và là niềm tự hào của người dân Hà Nội.
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
(Huỳnh Văn Nghệ)Trong thơ văn cổ, Thăng Long cũng được gọi là Long Thành (kinh thành Thăng Long), ví dụ tác phẩm Long Thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) của Nguyễn Du.
-
- Đất rồng
- Đất có vị trí địa lí thuận lợi, theo thuật phong thủy.
"... ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời."
(Chiếu dời đô)
-
- Sử xanh
- Ngày xưa khi chưa có giấy, sử sách được chép lên miếng tre trúc, có vỏ màu xanh, nên được gọi là sử xanh (thanh sử).
-
- Lạc Hồng
- Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.
Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."
-
- Tháp Rùa
- Tên một ngọn tháp nằm trên đảo Rùa giữa hồ Hoàn Kiếm. Xưa là Điếu Đài, nơi vua Lê ra câu cá (điếu), rồi chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng, sau vua Lê Chiêu Thống cho đập phá hết. Tháp Rùa ngày nay do bá hộ Nguyễn Ngọc Kim xây dựng năm 1886 với ý đồ táng mộ cha ở đó, nên ban đầu có tên là Tháp Bá hộ Kim.
-
- Cầu Thê Húc
- Cây cầu gỗ sơn màu đỏ, nối bờ hồ Hoàn Kiếm với cổng đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), được Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1865. Cầu bị gãy vào năm 1953 và được sửa lại, gia cố phần móng bằng xi măng. Tên cầu Thê Húc 棲旭 nghĩa là "đón ánh sáng mặt trời buổi sớm."
-
- Kim Ngưu
- Tên một dòng sông tại Hà Nội. Kim Ngưu có nghĩa là Trâu Vàng. Theo truyện cổ dân gian, Trâu Vàng ở bên Tàu khi nghe thấy tiếng chuông đồng đen của thiền sư Nguyễn Minh Không ở nước Nam thì tưởng là tiếng trâu mẹ gọi, liền chạy sang. Đường nó chạy lún xuống thành sông Kim Ngưu. Đến phía Tây thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, Trâu Vàng liền xới đất tung lên để tìm mẹ làm đất chỗ đó thụt xuống, thành hồ Kim Ngưu, tức Hồ Tây. Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nay chỉ có chức năng là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội.
-
- Tô Lịch
- Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
-
- Yên Thái
- Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.
-
- Dư đồ
- Bản đồ địa lí (từ Hán Việt).
-
- Hồ Hoàn Kiếm
- Còn gọi là hồ Gươm, hồ Hoàn Gươm, Lục Thủy, Thủy Quân, Tả Vọng, Hữu Vọng, một hồ nước ngọt tự nhiên thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tên gọi Hoàn Kiếm (trả gươm) xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần.
-
- Vải lĩnh
- Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Lưng đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao
(Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)
-
- Cạp điều
- Bịt mép vải cho khỏi sơ hay sờn. Cạp điều là cạp màu điều (màu đỏ).
-
- Phú Diễn
- Tên một ngôi làng ven sông Nhuệ, thuộc xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Phú Diễn xưa nổi tiếng là đất hiếu học. Bưởi Diễn, hồng Diễn, bưởi đào cũng là những đặc sản của làng.