– Truyện Kiều em đã kể làu
Đố em kể được một câu ba càng
Kể sao cho được rõ ràng
Mảnh hương với lại phím đàn trao tay
Bấy lâu mới được một ngày
Dừng chân anh đố niềm tây gọi là
Nhân tình trong đạo chúng ta
Yêu nhau mới đố một và câu chơi
Em khôn anh mới thử lời
Em mà giảng được là người tài hoa
– Lạ gì đôi lứa chúng ta
Anh đố em giảng mới là mưu sâu
Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài
Em nay phận gái nữ hài
Anh đố em giảng một bài đã xong
Xin anh đừng có đèo bòng
Vui gì thế sự mà mong nhân tình
Anh đố em mà làm thinh
Thì anh lại bảo gái trinh không tài
Bây giờ em đố một bài
Anh mà giảng được dây hài xin trao
Truyền Kiều kể lại tiêu hao
Một câu anh kể làm sao hết Kiều
– Em đố anh lại giảng ra
Anh giảng chẳng được người ta chê cười
Dây hài của đáng mấy mươi
Bây giờ anh giảng em thời đem ra
Trăm năm trong cõi người ta
Mua vui cũng được một vài trống canh
Tìm kiếm "SAO sa"
-
-
Giương cung rắp bắn phượng hoàng
-
Con chim trên cành cắn cây ngậm lá
Con chim trên cành cắn cây ngậm lá
Con cá dưới biển ẩn đá ngậm sao
Gặp mặt anh đây không nói không chào
Hay là em có nơi nào bỏ anh? -
Trời vần vũ mây giăng bốn phía
-
Khoan khoan gá nghĩa
Khoan khoan gá nghĩa
Thủng thỉnh giao hòa
Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
Anh em thúc bá thế nào?
Nói ra em biết âm hao em tường
Hà miền, hà thị, hà phương,
Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
Và đây lời hỏi sau cùng,
Nói ra cho em biết đã tơ hồng đâu chưa ?
– Xa xôi chi đó mà hỏi miền hỏi thị
Lạ lùng chi em mà hỏi quán hỏi quê
Bình Dương vốn thật quê chàng,
Lánh nơi thành thị lạc đàng núi non
Xuân xanh hai tám tuổi tròn,
Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông.Dị bản
Khoan khoan gá nghĩa
Thủng thỉnh giao hòa
Để cho em hỏi cửa nhà ra sao?
Anh em thúc bá thế nào?
Nói ra em biết âm hao em tường
Hà miền, hà thị, hà hương,
Hà quê, hà quán em chưa tường đục trong,
Và đây lời hỏi sau cùng,
Nói ra cho em biết đã tang bồng đâu chưa?
– Xa xôi chi đó,
Kẻ đơn người tống,
Lạ lùng gì em phải hỏi han.
Ở đây vốn thật quê chàng,
Lánh nơi thành phố lạc đàng núi non.
Xuân thu hai tám tuổi tròn,
Hoa còn ẩn nhụy chờ bình đơm bông .
-
Áo bà ba trắng không ngắn, không dài
-
Hỡi cô lái ơi, cô đứng bên hàng
-
Đêm khuya nước mắt ròng ròng
-
Anh chết ba năm sống lại một giờ
– Anh chết ba năm sống lại một giờ
Để xem người ngọc phụng thờ ra sao?
– Thờ chàng đĩa muối đĩa rau
Thờ cha kính mẹ mâm cao cỗ đầyDị bản
Anh nằm chết thử vài giờ
Để xem con vợ ruột nó phụng thờ ra sao?
-
Ông cai ơi hỡi ông cai
-
Phụ mẫu đánh tôi, căng nọc giăng nài
-
Anh tới đây cũng muốn kết nghĩa giao ân
-
Tiếng chuông lay bóng bồ đề
Tiếng chuông lay bóng bồ đề
Con chim trắng cánh bay về Tây Thiên
Mong sao dân tộc bình yên
Đạo lành che chở dân hiền thương yêu
Dù cho đất sập trời xiêu
Lòng tôi vẫn nhớ những điều giá gương
Khắp nơi đồng ruộng phố phường
Nhớ lời Phật dạy phải thương nhau cùng
Đạo vàng điểm núi tô sông
Xây nền văn hóa Lạc Hồng thắm tươi -
Gương không có thủy gương mờ
-
Con chim có ổ, ngựa cộ có chuồng
-
Ngồi buồn tước lạt bẻ cò
-
Đèn nào cao bằng đèn Cầu Lộ
-
Chuối chi đã chuối lại cau
-
Cá thì trắng bạch ngoài sông
-
Phụng hoàng đậu nhánh cẩm lai
Chú thích
-
- Truyện Kiều
- Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.
Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...
-
- Niềm tây
- Nỗi lòng, tâm sự riêng.
Sứ trời sớm giục đường mây,
Phép công là trọng, niềm tây sá nào
(Chinh Phụ Ngâm)
-
- Và
- Vài.
-
- Bài ca dao này sử dụng một số câu hoặc từ trong Truyện Kiều, ví dụ:
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (câu 740)
Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn đứt nối châu sa ngắn dài (câu 99 đến câu 104)
-
- Phận nữ hài
- Phận đàn bà con gái.
Những tiếc riêng cho phận nữ hài,
Đem thân giúp nước há nhường trai.
(Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa – Á Nam Trần Tuấn Khải)
-
- Phượng hoàng
- Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.
-
- Chim ri
- Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."
-
- Phu thê
- Vợ chồng (từ Hán Việt).
Có âm dương, có vợ chồng,
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.
(Cung oán ngâm khúc)
-
- Gá nghĩa
- Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Âm hao
- Tin tức. Như âm háo 音耗 tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
Dịch thơ:
Xa cách các em tin tức bặt
Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.
(Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)
-
- Tường
- Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述 kể rõ sự việc, tường tận 詳盡 rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
-
- Tơ hồng
- Xem chú thích Nguyệt Lão.
-
- Bình Dương
- Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có tỉnh lị là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 cây số. Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai lập thành tam giác kinh tế mũi nhọn của miền Nam.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thúc bá
- Chú bác (từ Hán Việt).
-
- Tang bồng
- Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
-
- Áo bà ba
- Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.
Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.
Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).
-
- Bận
- Mặc (quần áo).
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Gió mùa Đông Bắc
- Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
-
- Đay
- Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.
-
- Phòng loan
- Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.
Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài
(Truyện Kiều)
-
- Hiệp
- Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Người ngọc
- Người đẹp, được ví như ngọc.
-
- Cai
- Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Căng cọc giăng nài
- Một trong những lối hình phạt ngày xưa, dùng dây căng tay chân phạm nhân và buộc vào các cây cọc (nọc) đóng sâu xuống đất trước khi đánh đập tra khảo.
-
- Bùi Kiệm
- Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.
Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
Còn người Bùi Kiệm máu dê,
Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.
-
- Quan Công
- Tên thật là Quan Vũ, tự là Vân Trường, Trường Sinh, một danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Quan Công là một trong những nhân vật lịch sử được biết đến nhiều nhất ở Đông Á, hình ảnh của ông được đưa vào nhiều loại hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v. Ông được biểu tượng hóa thành hình mẫu con người trung nghĩa, chính trực, được thờ phụng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hồng Kông.
-
- Nghì
- Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
-
- Nghĩa nhân
- Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
-
- Bồ đề
- Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).
-
- Tây Thiên
- Hay Tây Vực, Thiên Trúc, Tây Phương, những tên gọi trong Phật giáo chỉ Ấn Độ, vì nước này nằm ở phía Tây của Trung Quốc.
-
- Điều giá gương
- Xem chú thích Nhiễu điều.
-
- Lạc Hồng
- Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.
Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."
-
- Tráng thủy
- Để chế tạo gương soi, trước đây người ta thường tráng một lớp bạc lên mặt sau của một tấm thủy tinh trong suốt. Quá trình tráng bạc này sử dụng hóa chất ở dạng lỏng nên được gọi là tráng thủy, lớp bạc sau khi hình thành được gọi là lớp tráng thủy, hay là lớp thủy.
-
- Lái
- Bộ phận phía sau đuôi thuyền, có tác dụng điều khiển hướng đi của thuyền. Thuyền thường có hai người chèo: một người đằng lái, một người đằng mũi.
-
- Thủy chung
- Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
-
- Cộ
- Xe tay, xe bò (từ cũ). Ngựa cộ là ngựa kéo xe.
-
- Lạt
- Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
-
- Bẻ cò
- Bẻ gập lại thành từng khúc để đếm (mỗi khúc là một lần).
-
- Giả đò
- Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Vĩnh Long
- Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này được thành lập năm 1732 với tên là châu Định Viễn (thuộc dinh Long Hồ), sau lần lượt có các tên Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh, Vĩnh Long, Vĩnh Trà, Cửu Long, trước khi trở lại tên Vĩnh Long vào năm 1992. vào cuối thế kỉ 18, đây chiến trường diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút oanh liệt đánh tan năm vạn quân Xiêm cũng diễn ra tại đây.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chuối cau
- Loại chuối quả nhỏ và mập (trông giống quả cau), khi chín vỏ vàng, thịt thơm và hơi nhão.
-
- Cá bò
- Tên chung của một số loài cá biển như cá bò hòm, cá bò giáp, cá bò gai, cá bò da đá... Những loại cá này đều có thân hình to bản, da dày cứng, nhưng thịt rất thơm ngon.
-
- Rắn hổ
- Tên chung của một số loài rắn độc. Ở Việt Nam, họ rắn hổ gồm 9 loài: rắn cạp nia thường, rắn cạp nia nam, rắn cạp nia bắc, rắn cạp nong, rắn hổ mang, đẻn gai, rắn hổ chúa, rắn hổ mang xiêm.
-
- Luống thì
- Quá tuổi.
-
- Bậu
- Bâu, đậu.
-
- Cẩm lai
- Một loại cây cao, tán rộng, cho gỗ rất cứng. Gỗ cẩm lai là một loại gỗ quý, được khai thác để làm nhà cửa, bàn ghế, đồ thủ công mĩ nghệ...
-
- Người nghĩa
- Người thương, người tình.
-
- Ghe
- Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.
-
- Thơ
- Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).