Tìm kiếm "bao nhiêu"

Chú thích

  1. Đông Anh
    Tên một huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội. Di tích thành Cổ Loa nằm ở xã Cổ Loa thuộc huyện này. Hằng năm huyện tổ chức nhiều lễ hội: hội Cổ Loa, hội làng Cổ Dương, hội làng Quan Âm...

    Hội Cổ Loa

    Hội Cổ Loa

  2. Cổ Loa
    Kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thành Cổ Loa được xây theo hình trôn ốc (loa từ Hán Việt nghĩa là ốc, nên còn gọi là Loa Thành), tương truyền có chín vòng, nhưng căn cứ theo dấu tích thì có ba vòng. Theo truyền thuyết, thành Cổ Loa được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy.

    Sơ đồ Cổ Loa

    Sơ đồ Cổ Loa

  3. An Dương Vương
    Tên thật là Thục Phán (nên cũng gọi là Thục Vương), vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc trong lịch sử nước ta. Ông đã cho xây dựng thành Cổ Loa để giữ nước, song lại mắc kế thông gia khi gả con gái mình là Mỵ Châu cho con trai của Triệu Đà, cuối cùng để mất nước và tự sát. Hiện tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội còn đền thờ ông.

    Đền thờ An Dương Vương

    Đền thờ An Dương Vương

  4. Thứ đỉnh nhỏ để đốt trầm, hương, thường làm bằng đồng.

    Lư hương và hai chân nến

    Lư hương và hai chân nến

  5. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Thá
    Người ngoài, người khác (phương ngữ Nam Bộ). Từ này có gốc từ cách phát âm của chữ Hán tha 他 (khác).
  7. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  8. Một chức vụ trong quân đội.
  9. Chân trời góc biển
    Từ thành ngữ Hán Việt Thiên nhai hải giác, chỉ những nơi xa xôi.
  10. Đông Triều
    Tên một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh, là vùng đất cổ có từ thời Bắc thuộc, ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa. Đây cũng là nơi phát hiện ra than đá đầu tiên ở Việt Nam, và than đá Đông Triều đã được khai thác từ rất sớm – từ những năm 1820.

    Lăng mộ vua Trần ở đập Trại Lốc

    Lăng mộ vua Trần ở đập Trại Lốc

  11. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  12. Non Côi
    Tên gọi khác của núi Gôi ở huyện Vụ Bản (xưa là Thiên Bản), tỉnh Nam Định. Hình ảnh "Non Côi" thường đi chung với "Sông Vị," rất hay xuất hiện trong thơ ca xưa, đặc biệt là trong thơ Tú Xương. Trên núi có chợ Gôi, một phiên chợ nổi tiếng ngày trước.
  13. Sông Vị Hoàng
    Tên một con sông đào chảy qua đất Vị Hoàng, thuộc tỉnh Nam Định. Theo sử cũ, sông Vị Hoàng được đào vào đời Trần, nối sông Đáy với sông Vĩnh Tế (Vĩnh Giang) chảy quanh co quanh phủ Thiên Trường xưa. Năm 1832, vua Minh Mạng cho đào một con sông mới, được gọi là sông Đào, để chia sẻ dòng nước từ kênh Phù Long đến bến đò Lương Xá, tách làng Vị Hoàng thành hai làng: Vị Hoàng và Vị Khê. Từ đây, nước sông Hồng không còn đổ nhiều vào sông Vị Hoàng, sông bị bồi lấp dần, nên gọi là sông Lấp. Ngày nay, hầu như không còn vết tích của sông Vị Hoàng.

    Sông Vị Hoàng chính là con sông đã đi vào thơ Tế Xương:

    Sông kia rày đã nên đồng
    Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
    Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
    Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

  14. Cậy
    Nhờ giúp đỡ, nhờ vả.

    Cậy em em có chịu lời
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

    (Truyện Kiều)

  15. Lụa
    Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    (Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)
  16. Nả
    Số lượng hay khoảng thời gian, thường được dùng sau bao, mấy (phương ngữ Bắc Bộ).

    Xác không vốn những cậy tay người,
    Bao nả công trình, tạch cái thôi!
    Kêu lắm lại càng tan tác lắm,
    Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

    (Vịnh cái pháo - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  17. Địa danh Đồng Nai trong câu ca dao này có lẽ nói về tỉnh Đồng Nai Thượng dưới thời Pháp thuộc, là một khu vực cao nguyên rộng lớn bao gồm thành phố Bảo Lộc ngày nay, cao nguyên Lâm Đồng, cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lâm Viên. Bảo Lộc là nơi có khí hậu và đất đai rất thích hợp với cây dâu tằm, vì vậy nghề nuôi tằm dệt lụa rất phát triển ở đây. Hiện nay, nghề tơ tằm vẫn là một ngành kinh tế chính của thành phố Bảo Lộc.
  18. An Bình
    Tên một cù lao giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Ðồng Phú, đều thuộc huyện Long Hồ. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng...

    Đường trên cù lao An Bình

    Đường trên cù lao An Bình

  19. Cổ Chiên
    Tên một phân lưu của sông Cửu Long, có chiều dài 82km, bắt nguồn tại tỉnh Vĩnh Long, chảy qua Trà Vinh trước khi đổ ra biển tại hai cửa sông là cửa Cung Hầu (Bến Tre) và cửa Cổ Chiên (Trà Vinh). Có thuyết cho rằng tên sông có liên quan đến một sự kiện lịch sử cuối thế kỷ 18: Vào năm 1785, khi bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân của Nguyễn Ánh phải dùng thuyền chạy trốn xuống phía Nam, đến dòng sông này bị thuyền của quân Tây Sơn đuổi theo sát quá, quan quân của Nguyễn Ánh cuống quít, sợ hãi đã làm rơi cả trống (cổ) và chiêng lệnh (chinh) xuống sông. Từ đó, nhân dân địa phương gọi tên sông là Cổ Chiên (do đọc trại từ "Cổ Chinh" mà ra).

    Sông Cổ chiên đoạn chảy qua Vĩnh Long

    Sông Cổ chiên đoạn chảy qua Vĩnh Long

  20. Xôi rền
    Xôi dẻo, ngon, do được nấu kĩ.
  21. Cảnh Hưng
    Niên hiệu của vua Lê Hiển Tông, vị hoàng đế áp chót của nhà Lê trung hưng. Xem thêm trên Wikipedia.
  22. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  23. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  24. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  25. Ken
    Chen, xen lẫn.
  26. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Tam Bảo
    Tên một phiên chợ ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Chợ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng thuộc các quận Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà. Đây có lẽ là phiên chợ xuất hiện lâu đời nhất tại Quảng Ngãi và còn tồn tại mãi cho đến sau này. Không rõ đích xác chợ xuất hiện lần đầu tiên vào năm nào, và nơi họp đầu tiên là ở đâu, nhưng đến đời vua Tự Đức thì chợ chính thức tọa lạc tại Kim Thành Hạ (Nghĩa Hành). Chợ họp ngày mồng hai và mồng bảy âm lịch mỗi tháng, với nhiều mặt hàng, trong đó nổi tiếng có chè bó, chè búp.
  28. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  29. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  30. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  31. An Tử
    Tên một thôn nay thuộc xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.