Tìm kiếm "Thiên Mụ"

  • Vè phu làm đường lên Tam Đảo

    Tôi có nhời thăm u cùng bá
    Ở trên này khổ quá u ơi
    Khi nào thong thả mát giời
    Mời u quá bộ lên chơi vài ngày
    Làm kíp chả được tiền ngay
    Phải ăn gạo ngữ của thầy cai Sơn
    Một đồng mười sáu bơ đơn
    Đong đi đong lại chỉ còn mười lăm
    Thầy cai cứ đứng chăm chăm
    Hễ ai hút thuốc lại nhằm cắt công
    Trời mưa có thấu hay không
    Quanh năm chẳng có một đồng thừa ra
    Lấy gì đồng bánh, đồng quà
    Lấy gì mà gửi về nhà nuôi con
    Mười năm làm ở đỉnh non
    Ở nhà cha mẹ vợ con mất nhờ
    Thân tôi khổ đến bao giờ?

  • Một thương tóc bỏ đuôi gà

    Một thương tóc bỏ đuôi gà
    Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
    Ba thương má lúm đồng tiền
    Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
    Năm thương cổ yếm đeo bùa
    Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
    Bảy thương nết ở khôn ngoan
    Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh
    Chín thương em ở một mình
    Mười thương con mắt có tình với ai.

  • Núi rừng thì có hươu mang

    Núi rừng thì có hươu mang
    Khe suối thì có măng giang
    Chợ tỉnh có mụ bán hàng
    Đò dọc có đò ngang
    Biết bao giờ em được lấy chàng
    Núi rừng trả lại cho hươu mang
    Khe suối trả lại cho măng giang
    Chợ tỉnh trả lại cho mụ bán hàng
    Đò dọc trả lại cho đò ngang
    Ai mô trả nấy, thiếp với chàng kết duyên

  • Trên trời có đám mây xanh

    Trên trời có đám mây xanh
    Có con ngựa bạch chạy quanh gầm trời
    Đôi ta muốn lấy nhau chơi
    Cái duyên không định, ông trời không xe
    Những nơi chết rấp bờ tre
    Cái duyên cứ định trời xe em vào
    Ba đồng một sợi chỉ đào
    Áo gấm không vá, vá vào áo tơi
    Cực lòng thiếp lắm chàng ơi
    Biết rằng lên ngược xuống xuôi cũng đành

  • Có oản anh tình phụ xôi

    Có oản anh tình phụ xôi
    Có cam phụ quýt, có người phụ ta
    Có quán tình phụ cây đa
    Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn
    Có mực anh phụ tình son
    Có kẻ đẹp giòn anh phụ nhân duyên
    Có bạc anh tình phụ tiền
    Có nhân ngãi mới anh quên em rồi

    Dị bản

    • Có bạc em tình phụ tiền
      Có nhân ngãi mới em quên anh rồi
      Có oản em tình phụ xôi
      Có cam phụ quýt, có người phụ ta
      Có quán tình phụ bóng đa
      Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn

  • Con gái lấy thợ câu cua

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh cù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng?
    Mười một em hãy còn son
    Mười hai vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ thai

  • Một thương em nhỏ móng tay

    Một thương em nhỏ móng tay
    Hai thương em bậu khéo may yếm đào
    Ba thương cám cảnh phù lao
    Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
    Năm thương má lúm đồng tiền
    Sáu thương em bậu như tiên chăng là
    Bảy thương em có nguyệt hoa
    Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
    Chín thương nước mắt ròng ròng
    Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
    Mười một thương em hãy còn son
    Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
    Mười ba thương em đã có chồng
    Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
    Mười lăm sinh đặng con trai
    Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
    Mười bảy em còn ở không
    Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
    Mười chín lấy thợ đóng thuyền
    Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
    Hai mốt lấy chàng câu cua
    Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
    Hai ba lấy thợ đóng dù
    Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
    Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
    Trở về em lấy dân làng cho xong.

  • Chẳng thà em lấy chồng khờ, chồng dại

    Chẳng thà em lấy chồng khờ, chồng dại
    Lo kinh thương mãi mại
    Tính công nghệ nông tang
    Không ham nhiều bạc lắm vàng
    Mai sau sanh chuyện điếm đàng bỏ em
    – Qua đây muốn kiếm một nàng
    Thạo thông đường buôn bán
    Rao cùng thôn quán mà chưa đáng chỗ nào
    Thiếu chi những chị má đào
    Họ mê bài phé, bài cào, anh thất kinh

  • Con tôi buồn ngủ buồn nghê

    Con tôi buồn ngủ buồn nghê
    Buồn ăn cơm nếp cháo kê thịt gà
    Nhà còn có một quả cà
    Làm sao đủ miếng cơm và cho con
    Con tôi khóc héo, khóc hon
    Khóc đòi quả thị méo trôn đầu mùa
    Con thèm phẩm oản trên chùa
    Con thèm chuối ngự tiến vua của làng
    Con thèm gạo cốm làng Ngang
    Con thèm ăn quả dưa gang làng Quài
    Con thèm cá mát canh khoai
    Con thèm xơ mít, thèm tai quả hồng
    Con thèm đuôi cá vây bông
    Thèm râu tôm rảo, thèm lòng bí đao

  • Mẹ em tham giàu khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti

    Mẹ em tham giàu khiến em lấy thằng bé tỉ tì ti
    Làng trên chạ dưới thiếu gì trai tơ!
    Em trót đem thân cho thằng bé nó giày vò,
    Đên đông tháng giá, nó nằm co trong lòng.
    Em cũng mang thân là gái có chồng,
    Chín đêm chực tiết, nằm không cả mười!
    Em nói ra đây sợ chúng chị em cười,
    Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh!
    Em cũng liều thằng bé trẻ ranh
    Sờ mó qua quýt, năm canh cho nó đỡ buồn!
    Em buồn, em lại nhấc thằng bé nó lên trên,
    Nó còn bé dại đã nên cơm cháo gì!
    Nó ngủ nó ngáy tì tì,
    Một giấc đến sáng còn gì là xuân!
    Chị em ơi! Hoa nở mấy lần?

  • Hôm qua em đến chơi nhà

    Hôm qua em đến chơi nhà
    Đồn chàng đi vắng mẹ cha đi tìm
    Đồn rằng chàng ở chợ Lim
    Sắm quần sắm áo đi tìm chàng ngay
    Tìm chàng bảy tám hôm nay
    Hôm qua là chín, hôm nay là mười
    Tìm chàng chúng bạn em cười
    Lòng em ở thẳng thì giời giúp cho
    Tay cầm tiền quý bo bo
    Xem một quẻ số tìm cho thấy chàng

  • Nhà giàu ngồi mát bát vàng

    Nhà giàu ngồi mát bát vàng
    Nàng tham chốn ấy anh sang làm gì
    Xưa kia nói nói thề thề
    Cá trê chui ống lọt về giếng khơi
    Mới hay lấy vợ trên đời
    Chẳng tại trời, tại không tiền nằm không
    Dù em nên vợ nên chồng
    Con bế con bồng nghĩ lại duyên xưa
    Trời có mây mà chẳng có mưa
    Sao em lại nỡ đong đưa với tình?
    Mới hay duyên nợ ba sinh
    Nhà giàu cướp cả cái tình đôi ta
    Anh chẳng trách mẹ trách cha
    Trách đời chênh lệch hóa ra thế này!

  • Xưa kia ai gảy đàn cầm

    Xưa kia ai gảy đàn cầm
    Cuộc cờ ai đánh dưới trần gian nguy
    Ai mà tài đặt thơ ri
    Ai mà uống rượu chín mươi bì không say?
    Mong anh nói lại em hay
    Em lui về lấy nhẫn đeo tay cho liền
    – Xưa ông Bá Nha gảy đàn cầm
    Cuộc cờ Đế Thích đánh dưới trần gian nguy
    Tài Lý Bạch hay đặt thơ ri
    Lưu Linh uống rượu chín mươi bì không say
    Chàng đà nói đúng, thiếp tính răng đây thiếp hè

  • Sáu cô đi chợ một xuồng

    Sáu cô đi chợ một xuồng
    Tôi chèo theo chính giữa sợ mích lòng sáu cô
    Phải chi tôi có lúa bồ
    Tôi xin cưới hết sáu cô một lần
    Cô hai mua tảo bán tần
    Cô ba sắc thuốc dưỡng thân mẹ già
    Cô tư nấu nước pha trà
    Cô năm coi cửa coi nhà ngoài trong
    Cô sáu trải chiếu, giăng mùng
    Cô bảy san sẻ tình chung với mình
    Phải chi cả sáu cô thuận tình
    Trai năm thê bảy thiếp, vợ mình đông vui

    Dị bản

    • Lang thang một dãy sáu cô
      Cưới cô chính giữa mích lòng năm cô
      Phải chi tôi có lúa bồ
      Tôi ra tôi cưới sáu cô một lần
      Cô hai mua tảo bán tần
      Cô ba xách nước dưỡng nuôi mẹ già
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm phân nước pha trà uống chung
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Cô bảy là nghĩa tình chung với mình
      Cô bảy phân hết sự tình
      Trai năm thê bảy thiếp vợ của mình rất đông

    • Ai bì anh có tiền bồ
      Anh đi anh lấy sáu cô một lần
      Cô hai buôn tảo bán tần
      Cô ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm sắc thuốc, mẹ già cô trông
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Một mình cô bảy nằm chung với chồng.

Chú thích

  1. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  2. Chị của mẹ.
  3. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  4. Gạo ngữ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gạo ngữ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  5. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  6. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ

  7. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  9. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Huyền
    Một loại đá màu đen nhánh, dùng làm đồ trang sức. Cũng chỉ màu đen nhánh như hạt huyền.

    Chuỗi hạt huyền

    Chuỗi hạt huyền

  11. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  12. Áo yếm đeo bùa
    Một kiểu áo của phụ nữ ngày xưa. Người mặc yếm đeo thêm một cái bùa nhỏ, vừa để làm đẹp vừa có ý nghĩa tâm linh.
  13. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  14. Con mang
    Con vật giống như con hoẵng nhưng nhỏ hơn.

    Mang Trường Sơn

    Mang Trường Sơn

  15. Măng
    Thân tre, trúc khi vừa nhú lên khỏi mặt đất, còn non, ăn được.

    Măng tre

    Măng tre

  16. Giang
    Một loại tre thân nhỏ vách dày, thân khá cao, mọc thành cụm, lá xanh đậm. Cũng ghi là dang ở một số văn bản.

    Rừng dang

    Rừng giang

  17. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Ngựa bạch
    Ngựa trắng.
  19. Rấp
    Chôn vùi đi không thấy nữa.
  20. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  21. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  22. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  23. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  24. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  25. Có bản chép: "Có nhân nghĩa mới quên tình người xưa".
  26. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  27. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  28. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  29. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  30. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  31. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  32. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  34. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  35. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  36. Long
    Lỏng ra, rời ra.
  37. Nhài
    Mảnh kim loại nhỏ, tròn, như cây đinh, giữ hai đầu chốt quạt giấy.

    Quạt giấy

    Quạt giấy

  38. Kinh thương mãi mại
    Phát triển gầy dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán (kinh: gầy dựng phát triển; thương: việc buôn bán; mãi: mua; mại: bán).
  39. Nông tang
    Làm ruộng (nông) và trồng dâu tằm (tang).
  40. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  41. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  42. Xì phé
    Tên một lối chơi bài tây 52 lá. Lá bài chia đầu tiên úp mặt xuống gọi là tẩy. Các tụ chơi lần lượt rút những lá còn lại. Tùy theo bài tốt xấu, người ta có thể tố bằng cách thách một số tiền. Người khác có thể theo bằng cách bỏ thêm tiền vào. Người nào thấy mình không còn đủ tiền theo hoặc bài quá xấu thì quay ngang, tức là chấp nhận thua. Cuối cùng chỉ còn hai tụ. Bài ai tốt hơn sẽ thắng.

    Tùy theo vùng mà trò bài này còn có các tên như xì tẩy, xì tố, hoặc bài tố.

    Xì phé

    Xì phé

  43. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  44. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  45. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  46. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  47. Chuối ngự
    Chuối quả nhỏ, khi chín vỏ rất mỏng, màu vàng, thịt chắc và thơm. Xưa kia giống chuối này được đem tiến vua nên có tên gọi là chuối ngự.

    Chuối ngự

    Chuối ngự

  48. Làng Ngang
    Tên một làng nay thuộc xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
  49. Làng Quài
    Chợ Quài, thuộc xã Thái Hà, Thái Thụy, Thái Bình.
  50. Cá mát
    Một loại cá nước ngọt, mình có từ ba đến sáu chấm đen, vây màu hồng. Cá mát nhỏ con chỉ bằng hai ba ngón tay người lớn. Con to nhất cũng chỉ nặng từ 0,5kg đến 0,8kg. Cá sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy xiết, thường bơi kiếm ăn vào ban đêm. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch là mùa cá mát.

    Cá mát vừa lành vừa bổ, thịt thơm ngon, mỡ béo, ít xương, tốt cho sức khỏe. Ở nước ta, cá mát có nhiều ở sông Giăng, Nghệ An, và được xem là đặc sản Nghệ An.

    Cá mát

    Cá mát

  51. Tôm rảo
    Loại tôm nhỏ, cùng họ với tôm he, sống ở vùng nước lợ ven biển, thân hẹp và dài.
  52. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  53. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  54. Lung
    Nhiều, hăng. Nghĩ lung: nghĩ nhiều, gió lung: gió nhiều.
  55. Chạ
    Xóm. Đây là âm xưa của chữ 社 mà từ trong tiếng Việt hiện đại là .
  56. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  57. Lim
    Địa danh nay là tên thị trấn của huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Tại đây có hội thi hát Quan họ nổi tiếng là hội Lim, được tổ chức vào ngày mười ba tháng Giêng âm lịch hàng năm.

    Xem một video về hội Lim.

  58. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  59. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  60. Đàn nguyệt
    Từ Hán Việt là nguyệt cầm, Nam Bộ gọi là đàn kìm. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là "đàn nguyệt." Theo sách xưa thì đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Sách của Phạm Đình Hổ ghi rằng đàn nguyệt xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 18. Xem thêm nhạc sĩ Huỳnh Khải giải thích về đàn kìm tại đây.

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

  61. Ri
    Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  62. Bá Nha
    Xem chú thích tri âm.
  63. Đế Thích
    Một nhân vật thần thoại, được lập đền thờ ở một số nơi. Tương truyền Đế Thích đánh cờ tướng rất giỏi, có khi chấp đối phương cả đôi xe mà vẫn thắng.

    Hội cờ người ở chùa Vua (thờ Đế Thích)

    Hội cờ người ở chùa Vua (thờ Đế Thích)

  64. Lý Bạch
    (701- 762) Nhà thơ lớn trong lịch sử Trung Quốc, được hậu bối sùng bái tôn làm Thi Tiên. Ông thích ngao du sơn thủy và làm thơ rất nhiều, tương truyền tới hơn 20.000 bài, nhưng làm cho vui rồi vứt, thơ ông được truyền tụng đến nay phần lớn nhờ dân gian ghi chép lại. Lý Bạch còn nổi tiếng mê rượu, chuyện kể lúc ông cáo quan về quê, vua Đường Minh Hoàng ban tặng rất nhiều vàng bạc nhưng ông từ chối cả, sau được vua cho quyền uống rượu tại bất kì quán rượu nào đi qua, tiền rượu sẽ được thanh toán vào ngân khố.

    Lý Bạch qua tranh vẽ

    Lý Bạch qua tranh vẽ

  65. Lưu Linh
    Tự là Bá Luân, người đất Bái, đời Tấn (Trung Quốc) trong nhóm Trúc lâm thất hiền (bảy người hiền trong rừng trúc). Ông dung mạo xấu xí, tính tình phóng khoáng, thích uống rượu và uống không biết say. Ta hay gọi những người nghiện rượu là "đệ tử của Lưu Linh" là vì vậy.

    Trúc lâm thất hiền

    Trúc lâm thất hiền

  66. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  67. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  68. Nhỉ (phương ngữ Trung Bộ). Như lạ hè (lạ nhỉ), hay hè (hay nhỉ)...
  69. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  70. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  71. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.