Tìm kiếm "cánh cò"

  • Chém tre mẻ rựa chàng ơi

    Chém tre mẻ rựa chàng ơi
    Thiếp phải lòng mặc, chớ cười thiếp chi
    Thế gian ai cũng một thì
    Chàng về lấy vợ thiếp thì cô đơn
    Vui xuân vui cả đôi đường
    Sầu xuân riêng thiếp canh trường tương tư

  • Cây cao bóng cả duyên mòn

    Cây cao bóng cả duyên mòn
    Ước gì tôi được chồng con với người
    Có anh như đũa có đôi
    Vắng anh em vẫn ngậm ngùi nhớ thương
    Khối tơ vương ruột tằm vấn vít
    Bởi ông Tơ bà Nguyệt chưa se
    Quan tướng nghe hiệu lệnh thì về
    Chữ dục đã vậy chữ tùy làm sao
    Muốn cho Đông liễu Tây đào
    Cảnh sầu bể thảm lẽ nào thiếp sang
    Phòng khi lỡ bước theo chàng
    Lấy ai chầu chực thánh hoàng quốc gia
    Phòng khi thiếp ở lại nhà
    Một mình thân thiếp biết là làm sao?

  • Tay cầm khẩu mía tiện tư

    Tay cầm khẩu mía tiện
    Nửa thì nấu mật, nửa dư nấu đường
    Trai đương tơ, vợ con chưa có
    Đêm nằm vò võ cái xó giường không
    Gió bên đông đưa vào lạnh ngắt
    Giữ bức thư hồng nằm cạnh một bên

  • Chàng đi để nhện buông mùng

    Chàng đi để nhện buông mùng
    Đêm năm canh thiếp chịu lạnh lùng cả năm
    Đêm nay bỏ thoải tay ra
    Giường không chiếu vắng xót xa trong lòng
    Nửa đêm súc miệng ấm đồng
    Lạnh lùng đã thấu đến lòng chàng chưa?
    Đêm qua tắt gió liền mưa
    Chàng cầm cành bạc thiếp đưa lá vàng
    Một ngày năm bảy tin sang
    Thiếp những mong chàng chàng những mong ai
    Má hồng còn có khi phai
    Răng đen khi nhạt tóc dài khi thưa
    Trông ra phố trách ông trời
    Chỗ ăn thì có chỗ ngồi thì không
    Chém cha cái số long đong
    Càng vương với chữ tình chung càng rầy

  • Viết thư sang hỏi thăm chàng

    Viết thư sang hỏi thăm chàng
    Còn không hay đã đá vàng nơi nao?
    Hay là mắc phải con nào
    Bùa yêu bả lú phải làm sao cho tỏ tường
    Vắng chàng tôi những nhớ thương
    Vì chàng mê gái tìm đường phụ tôi
    Tôi làm cho lứa quên đôi
    Tôi làm cho rã cho rời nhau ra
    Làm cho tan nát biệt xa
    Cho chim lìa tổ, cho hoa lìa cành
    Tôi làm cho nó lìa anh
    Cho người ta biết anh tình phụ tôi

  • Bác mẹ em vội tham vàng

    Bác mẹ em vội tham vàng
    Hang hùm lại ngỡ hang vàng gả con
    Trước thời thẹn với nước non
    Sau thời cay đắng lòng con đêm ngày
    Khi vui có bác mẹ thầy
    Cơn sầu em chịu đắng cay một mình
    Mang thư ra dán cột đình
    Kẻ xuôi người ngược thấu tình em chăng?
    Phong ba nổi giữa đất bằng
    Một dây một buộc ai giằng cho ra
    Thiết gì một cảnh vườn hoa
    Mà đem đày đọa thân ta thế này
    Biết chăng hỡi bác mẹ thầy
    Ngỡ rằng gả bán hóa đày thân con?

  • Vè Tết

    Hạ lợi bước qua
    Chánh ngày hăm ba
    Lễ đưa ông Táo
    Hai là lễ đáo
    Tảo mộ ông bà
    Cổ tích bày ra
    Truyền cho con cháu
    Từ ngày hăm sáu
    Dĩ chí ba mươi
    Cá thịt tốt tươi
    Ông bà tiếp rước
    Phải dùng cây trước
    Lấy nó làm nêu
    Thiên hạ cũng đều
    Lo chưng đồ đạc

  • Buồn về một tiết tháng giêng

    Buồn về một tiết tháng giêng
    May áo cổ kiềng người mặc cho ai
    Buồn về một tiết tháng hai
    Bông chửa ra đài người đã hái hoa
    Buồn về một tiết tháng ba
    Con mắt la đà trong dạ tương tư
    Buồn về một tiết tháng tư
    Con mắt lừ đừ cơm chả buồn ăn
    Buồn về một tiết tháng năm
    Chưa đặt mình nằm gà gáy chim kêu
    Buồn về tiết tháng sáu này
    Chồng cày vợ cấy chân chim đầy đồng
    Bấy giờ công lại hoàn công

    Dị bản

    • Buôn bấc rồi lại buôn dầu
      Buôn nhiễu đội đầu, buôn nhẫn lồng tay
      Sầu về một tiết tháng giêng
      May áo cổ kiềng người mặc cho ai
      Sầu về một tiết tháng hai
      Bông chửa ra đài người đã hái hoa
      Sầu về một tiết tháng ba
      Mưa héo ruộng cà nắng cháy ruộng dưa
      Sầu về một tiết tháng tư
      Con mắt lừ đừ cơm chẳng buồn ăn
      Sầu về một tiết tháng năm
      Chưa đặt mình nằm gà gáy sang canh

  • Ba mươi súc miệng ăn chay

    Ba mươi súc miệng ăn chay
    Sáng ngày mồng một dựng cây trúc đài
    Lâm râm khấn vái Phật Trời
    Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng
    Ai ơi, hãy hoãn lấy chồng
    Để cho trai gái dốc lòng đi tu
    Chùa này chẳng có Bụt ru
    Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen

  • Ðố ai biết lúa mấy cây

    Ðố ai biết lúa mấy cây
    Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng
    Ðố ai quét sạch lá rừng
    Ðể ta khuyên gió, gió đừng rung cây
    Rung cây, rung cỗi, rung cành
    Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng

    Video

  • Em trải chiếc chiếu ra

    Em trải chiếc chiếu ra
    Em ngồi một góc, anh ngồi một góc
    Thiếp khóc chàng than
    Anh xa em vì bởi thế gian
    Cho nên nước mắt nhỏ tràn năm canh
    Giậm chân kêu thấu trời vàng
    Kêu anh trở lại nhìn nàng thuở xưa
    Mai mưa, trưa nắng, chiều xâm
    Em là thục nữ có tâm đợi chờ
    Khi vui chén rượu con cờ
    Khi buồn hoa nở còn chờ trăng thanh
    Chiều rày em mới xa anh
    Trăm hoa cùng héo, chín mười nhành cùng khô
    Cơm ăn chẳng được chỉ nước hồ dưỡng thân
    Dang tay anh dứt Châu Trần
    Ai xa cho biết, ai gần cho hay

  • Tay bưng dĩa muối, chén tương

    Tay bưng dĩa muối, chén tương
    Tương chua muối chát, nhớ thương nghĩa chàng
    Bạn có gặp nhà ngói, nhà sàn
    Nhớ hồi áo rách lang thang chưa tề
    Bạn có gặp nơi hàng lụa phủ phê
    Nhớ hồi áo rách xưa tê không mình
    Ăn tiêu nhớ tới mùi hành
    Bạn có ăn nem gà, chả vịt, cũng nhớ rau canh thuở nào

  • Người về một đoạn xa xa

    Người về một đoạn xa xa
    Ta còn đứng giữa ngã ba chưa về
    Nhìn trăng lại nhớ câu thề
    Nhìn gương mà tưởng ngồi kề bên ai
    Người về có nhớ khóm mai
    Người về thoang thoảng hoa nhài còn đây
    Gặp nhau không sợi không dây
    Mà sao như buộc lòng này người đi!
    Người về ta nhớ câu mời
    Nhớ giọng người hát, nhớ lời người trao
    Người về để vắng giăng sao
    Để lòng đằng đẵng khi nào mới nguôi
    Người về đường ấy xa xôi
    Hãy như dao nọ nước tôi cho già
    Đinh ninh nên cột nên xà
    Nền kèo nên mái nên ta nên mình
    Mai này đỏ nghĩa thắm tình
    Cành giao với lại cây quỳnh nào hơn

  • Ai về Phú Lộc gửi lời

    Ai về Phú Lộc gửi lời
    Thư này một bức nhắn người tri âm
    Mối tơ chín khúc ruột tằm
    Khi tháng tháng đợi khi năm năm chờ
    Vì tình ai lẽ làm lơ
    Cắm sào quyết chí đợi chờ bến xuân
    Ước sao chỉ Tấn tơ Tần
    “Sắc cầm hòa hợp” lựa vần “quan thư”
    Đôi bên ý hiệp lòng ưa
    Đắp đền công thiếp lại vừa lòng anh
    Thiếp thời tần tảo cửi canh
    Chàng thời nấu sử sôi kinh kịp thì
    Một mai chúa mở khoa thi
    Bảng vàng chói lọi có đề tên anh

  • Kể chuyện đờn bà hư

    Ngồi buồn tâm sự chép ra
    Có những đờn bà dạo xóm nói dai
    Xóm trong chí những xóm ngoài
    Nách con nói điệu thài lai tối ngày
    Nói thời vo miệng nhướng mày
    Vỗ vai vỗ vế múa tay ngoẻo đầu
    Miệng thời nhóc nhách nhai trầu
    Người trên ý cũng lầu bầu quạu đeo
    Lại còn cái tật nói leo
    Cái tật nói dóc nói trèo người ta

Chú thích

  1. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  2. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  3. Tương tư
    Nhớ nhau (từ Hán Việt). Trong văn thơ, tương tư thường được dùng để chỉ nỗi nhớ nhung đơn phương trong tình yêu trai gái.

    Gió mưa là bệnh của Trời
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

    (Tương tư - Nguyễn Bính)

  4. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  5. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  6. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  7. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  8. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  9. Đây là trò chơi dân gian tương tự trò Nu na nu nống.
  10. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  11. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  12. Bả lú
    Đánh bả làm cho người khác lú lẫn, si dại.
  13. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  14. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  15. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  16. Hạ lợi
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hạ lợi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  18. Lễ đáo
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lễ đáo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  19. Tảo mộ
    Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.

    Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  20. Dĩ chí
    Cho đến (từ Hán Việt).
  21. Cây trước
    Cây trúc (cách phát âm của người Nam Bộ).
  22. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  23. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  24. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  25. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  26. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  27. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  28. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  29. Khánh
    Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.

    Cái khánh

    Cái khánh

  30. Chùa Hồ Sen
    Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.
  31. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  32. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  33. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  34. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  35. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  36. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  37. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  38. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  39. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  40. Tôi
    Nung hợp kim đến nhiệt độ nhất định rồi làm nguội thật nhanh để tăng độ rắn và bền.

    Tôi cán cuốc thép

    Tôi lưỡi cuốc thép

  41. Già
    Trên mức trung bình, mức vừa dùng, mức hợp lí (thóc phơi già nắng, nước sôi già...).
  42. Quỳnh, giao
    Hai thứ ngọc quí, hay dùng để ví với những gì quí giá.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

  43. Phú Lộc
    Một làng nay thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có nghề truyền thống là làm hương (nhang).
  44. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  45. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  46. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  47. Quan thư
    Bài thơ mở đầu Kinh Thi. Thật ra những bài thơ trong Kinh Thi đều không có tiêu đề, người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu.” Bốn câu đầu của bài như sau:

    Quan quan thư cưu
    Tại hà chi châu.
    Yểu điệu thục nữ,
    Quân tử hảo cầu

  48. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  49. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  50. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  51. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  52. Thì
    Thời, lúc.
  53. Chúa
    Chủ, vua.
  54. Từ đâu này đến cuối, có bản chép:

    Một mai chiếm bảng xuân vi
    Ấy là đề diệp tinh kỳ từ đây
    Ai ơi nghe thiếp lời này

  55. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  56. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).