Tìm kiếm "nguyệt"

Chú thích

  1. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  2. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  3. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  4. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  5. Tơ vương
    Tơ bị dính vào nhau; thường được dùng trong văn chương để ví tình cảm yêu đương vương vấn, khó dứt bỏ.
  6. Sắc nước hương trời
    Chỉ người phụ nữ đẹp.
  7. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  8. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  9. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  10. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  11. Dây tơ tạo
    Dây tơ của ông tạo. Xem chú thích Nguyệt Lão.
  12. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  13. Tàu
    Cách nhân dân ta gọi nước Trung Quốc hay người Trung Quốc (người Hoa), thường có ý khinh miệt. Theo học giả An Chi, chữ này có gốc từ tào 曹 (quan lại). Bác sĩ Trần Ngọc Ninh giảng là do chữ Tào là họ cuả Ngụy Tào Tháo. Lại có tên Ba Tàu, đến nay vẫn chưa thống nhất nguồn gốc của tên này.
  14. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  15. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  16. Quýt
    Một loại cây thân gỗ. Quả hình cầu hơi dẹt, màu xanh, vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm, ăn có vị ngọt; hạt trắng xanh. Hoa, lá, vỏ, xơ và múi quýt cũng là những vị thuộc dân gian.

    Quả quýt

    Quả quýt

  17. Quỳnh
    Tên gọi chung cho loài cây cảnh có hoa thường nở về đêm, được mệnh danh là nữ hoàng bóng đêm. Dân ta có có thói quen trồng quỳnh chung với cây cành giao. Hoa quỳnh từ lâu đã đi vào thơ văn và nhạc.

    Hài văn lần bước dặm xanh
    Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

    (Truyện Kiều)

    Nghe bài Chuyện đóa quỳnh hương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

    Hoa quỳnh trắng

    Hoa quỳnh trắng

  18. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  19. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  20. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  21. Lá thắm
    Hay lá đỏ, hồng diệp, nguyên từ một điển tích Trung Quốc: Đời Đường Hi Tông, có một cung nữ tên Hàn Thúy Tần chịu cảnh cô đơn trong thâm cung, nàng viết thơ lên chiếc lá đỏ giãi bày nỗi niềm rồi thả trôi theo dòng nước. Một thư sinh tên Vu Hựu nhặt được chiếc lá ấy, đồng cảm mà đề thơ lên một chiếc lá khác, chờ nước đổi dòng lại thả xuống. Cung nữ họ Hàn nhặt được, cảm động và cất chiếc lá trong rương. Về sau, Vu Hựu và Hàn Thúy Tần gặp gỡ nhau, kết duyên vợ chồng và nhận ra chiếc lá đỏ đề thơ cả hai cùng lưu giữ. Từ đó "hồng diệp" chỉ nhân duyên vợ chồng.

    Thẳm nghiêm kín cổng cao tường
    Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh

    (Truyện Kiều)

  22. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  23. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  24. Mo
    Chết (từ gốc tiếng Pháp mort).
  25. Chà
    Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là (cành nè, cây nè).

    Dỡ chà

    Dỡ chà

  26. Thiên Chúa
    Ngôi tối cao trong trong Cơ Đốc giáo, được xem là đấng toàn năng tạo dựng ra toàn thể vũ trụ, duy trì công cuộc sáng tạo và cung cấp mọi sự cần dùng cho dân Chúa. Theo giáo lí của hầu hết các giáo hội thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con (Giê-xu) và Chúa Thánh Thần. Khái niệm này cũng gọi là Tam vị nhất thể.
  27. Hừ la
    Một điệu quan họ cổ, rất khó hát và khó thuộc, bắt đầu bằng mấy tiếng “hừ là hừ la…” Đọc thêm: Bao giờ câu quan họ Hừ la lại vang lên?
  28. Cõi thọ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cõi thọ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  29. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  30. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.