Tìm kiếm "nam đàn"

Chú thích

  1. Phú Lộc
    Một làng nay thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, có nghề truyền thống là làm hương (nhang).
  2. Phước Kiều
    Tên một làng nay thuộc thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hình thành từ hơn 400 năm nay. Làng này nổi tiếng cả nước với nghề đúc các loại nhạc cụ truyền thống như thanh la, chiêng, tạ... và các vật dụng, hàng mĩ nghệ bằng đồng.

    Đúc đồng ở làng đúc Phước Kiều

    Đúc đồng ở làng đúc Phước Kiều

  3. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  4. Đây là một cách nói vui về hai làng nghề Phước Kiều và Thanh Hà. Khi đúc xong chiêng đồng, thợ đúc của làng Phước Kiều thực hiện công đoạn “dạy tiếng,” nghĩa là phải đánh liên tục để chỉnh sửa cho âm thanh đạt đến độ trong, thanh và vang. Tiếng thử chiêng ấy rất giống tiếng chiêng của đám ma. Tương tự, các lò nung gốm ở Thanh Hà hằng ngày thải khói bay lên trời nghi ngút giống như nhà cháy.
  5. Chợ Vạn
    Tên một ngôi chợ là trung tâm mua bán ngày xưa của phủ Tam Kỳ, nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tên "Chợ Vạn" đôi khi còn được dùng để chỉ Tam Kỳ.
  6. Trà Quế
    Tên một ngôi làng nằm cách phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam khoảng 3 km về hướng Đông Bắc. Tại đây có nghề truyền thống là trồng rau, nên còn gọi là làng rau Trà Quế.

    Tưới rau ở làng rau Trà Quế

    Một vườn rau Trà Quế

  7. Giâm
    Cắm hay vùi xuống đất ẩm một đoạn cành, thân hay rễ cây để thành một cây mới. Cũng phát âm và viết là giăm.
  8. Giá
    Mầm non của cây đậu, thường là đậu xanh.

    Giá đỗ

    Giá

  9. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  10. Cửa Đại
    Tên cũ là cửa Đại Chiêm, cửa sông nơi sông Thu Bồn đổ ra Biển Đông, thuộc Hội An, Quảng Nam. Cửa Đại (hay Cửa Đợi) cũng là tên của bãi biển khu vực này.

    Vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa và kinh thành Champa trên đất Quảng Nam, là nơi giao thương buôn bán sầm uất. Hiện nay Cửa Đại là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.

    Biển Cửa Đại

    Biển Cửa Đại

  11. Cù lao Chàm
    Một cụm đảo thuộc Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 cây số. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông, Hòn Lá, và Hòn Khô chia làm hai: Hòn Khô Mẹ (Hòn Khô Lớn) và Hòn Khô Con (Hòn Khô Nhỏ), trong đó năm đảo lớn nhất là thuộc cụm đảo chính là Hòn Lao (đảo lớn nhất), Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ và Hòn Tai. Đảo Hòn Ông còn gọi là Hòn Nồm nằm tách biệt khỏi cụm này khoảng hai mươi cây số về hướng Đông Nam.

    Hiện nay Cù lao Chàm đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là một điểm du lịch nổi tiếng.

    Phong cảnh cù lao Chàm

    Phong cảnh cù lao Chàm

  12. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  13. Chín xã Sông Con
    Chín xã thuộc huyện Đại Lộc, quanh lưu vực sông Con. Nơi đây từng là căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam thời Cần Vương. Vùng này cũng gọi là Tân tỉnh (tỉnh mới, đối lập với Hội An là tỉnh lị cũ do Pháp chiếm đóng).
  14. Nguyễn Duy Hiệu
    Có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi là Hường Hiệu, một chí sĩ và lãnh tụ thuộc phong trào Cần Vương. Ông sinh năm Đinh Mùi (1847) tại làng Thanh Hà, huyện Duyên Phúc (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng Trần Văn Dư (1839-1885), Phan Bá Phiến (còn gọi là Phan Thanh Phiến, 1839-1887), Nguyễn Tiểu La (tức Nguyễn Hàm, 1863-1911), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam, rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông tự trói mình nạp cho giặc để cứu nghĩa quân. Ông bị chém ngày 15/10/1887, hưởng dương 40 tuổi, để lại hai bài thơ tuyệt mệnh bằng chữ Hán. Sau đây là một bài được Huỳnh Thúc Kháng dịch:

    Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng
    Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông
    Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?
    Trăm năm tâm sự có Quan Công
    Non sông phần tự thơ trời định
    Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng
    Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?
    Chớ đem thành bại luận anh hùng.

  15. Trần Đỉnh
    Tục gọi là Tú Đỉnh (vì đỗ Tú tài), người làng Gia Cốc, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông nguyên là thành viên Nghĩa Hội Quảng Nam, cũng vừa là Tán Tương Quân Vụ vùng chín xã Sông Con thuộc miền nguồn tây Đại Lộc. Trước ngày Pháp tấn công vào Bộ chỉ huy ở Trung Lộc, ông nghe lời chiêu hồi của vua Đồng Khánh, đến chiến khu Trung Lộc thuyết phục Nguyễn Duy Hiệu cùng ra đầu hàng. Ông Hiệu đã ra lệnh chặt đầu Trần Đỉnh bêu ở chợ Trung Lộc để răn đe.
  16. Tiên Sa
    Tên một bãi biển thuộc bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là bãi biển đẹp nổi tiếng, tương truyền ngày xưa tiên nữ thường bay xuống tắm, đồng thời có hai vị tiên ông cũng xuống đây chơi cờ. Hiện nay ngoài tiềm năng du lịch, Tiên Sa còn là một hải cảng quan trọng của Đà Nẵng.

    Càng Tiên Sa

    Càng Tiên Sa

  17. Trà Linh
    Một địa danh nay là xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
  18. La Kham
    Tên một làng thuộc vùng Gò Nổi của tỉnh Quảng Nam, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Đây là vùng có nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ngày trước.
  19. Cồn Dầu
    Một địa danh ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với giáo xứ Cồn Dầu.
  20. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  21. Ba năm hai mươi bảy tháng
    Thời hạn vợ để tang chồng. Theo Thọ gia mai lễ, con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm, đời sau rút lại thành hai năm ba tháng, gọi là đại tang.
  22. Chúa Nguyễn
    Cách gọi chung trong sử sách và dân gian về chín đời chúa đều thuộc dòng họ Nguyễn, kế tiếp nhau cai trị và mở mang các vùng đất từ Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào miền Nam, bắt đầu vào đầu giai đoạn Lê trung hưng của nhà Hậu Lê, hay giữa thế kỷ 16, cho đến khi bị nhà Tây Sơn tiêu diệt năm 1777. Họ là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta (1802-1945). Chín đời chúa Nguyễn và mười ba đời vua Nguyễn sau này có công rất lớn trong việc thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi, mang lại hình dạng non sông như hiện nay.
  23. Quan Nha
    Tên một làng nay thuộc xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
  24. Làng Quan Nha xưa kia bị quan lại, địa chủ hà hiếp bóc lột đến điêu đứng, nên có câu ca dao này.
  25. Lam Cầu
    Cũng gọi là làng Cầu, nay là một thôn thuộc xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trước đây là xã Lam Cầu thuộc tổng Lam Cầu.
  26. Quế Sơn
    Địa danh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trước đây. Quế Sơn có nghề truyền thống là làm đồ gốm.
  27. Do Lễ
    Một làng nay thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
  28. Khả Phong
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một vùng thung lũng có phong cảnh đẹp.

    Đường vào xã Khả Phong

    Đường vào xã Khả Phong

  29. Bàn Thạch
    Tên một ngôi làng nay thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nằm bên bờ sông Thu Bồn. Tại đây có nghề truyền thống là làm chiếu cói.

    Làm chiếu cói ở Bàn Thạch

    Làm chiếu cói ở Bàn Thạch

  30. Thanh Nghĩa
    Tên một làng thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Đây là một làng cổ ở đồng bằng sông Hồng, hình thành từ thời Lý. Đình làng thờ Thành hoàng Lý Công Bình, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2009. Hằng năm làng tổ chức hội vào ngày 25/10 âm lịch.
  31. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  32. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  33. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  34. Đèo Le
    Một cái đèo nằm giữa hai xã Quế Long và Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía Tây Nam. Đèo này vốn do người Pháp khai phá thành con đường lên Nông Sơn và đặt tên là Đờ - Le. Vì đèo cao và dài, đường sá gập ghềnh khó đi, muốn vượt qua thì phải mất nhiều công sức, hết cả hơi thở nên dân gian mới gọi là đèo Le (le với hàm ý là le lưỡi). Hiện nay đây là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, với món đặc sản là gà tre Đèo Le.

    Điểm du lịch Đèo Le

    Điểm du lịch Đèo Le