Tìm kiếm "mang tiếng"

  • Cái ngủ mày ngủ cho lâu

    Cái ngủ mày ngủ cho lâu
    Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
    Bắt được con trắm con trê
    Kéo cổ lôi về cho cái ngủ ăn

    Dị bản

    • Cái ngủ mày ngủ cho lâu
      Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
      Bắt được con trắm con trê
      Buộc cổ lôi về nấu nướng đủ ăn
      Miếng nạc thì để phần chồng
      Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con

    • Cháu ơi cháu ngủ cho lâu
      Mẹ cháu đi cấy đồng sâu chưa về
      Chừng về bắt được con cá trê
      Tròng cổ mang về bà cháu mình ăn

  • Thương anh thì cũng muốn thương

    – Thương anh thì cũng muốn thương
    Sợ truông cát nóng, sợ đường đá dăm
    – Cát nóng anh cõng em đi
    Đá dăm anh lặt, can gì em lo.

    Dị bản

    • Thương em anh cũng muốn theo
      Sợ truông Khe Cả, sợ đèo Tùm Lum
    • – Muốn về Mỹ Á ăn dừa
      Sợ truông cát nóng, sợ đèo đá dăm
      – Cát nóng, đưa dép anh mang
      Đá dăm em lượm còn than nỗi gì!

  • Chợ Đồn bán đắt cau khô

    Chợ Đồn bán đắt cau khô
    Một đoàn vợ lính trẩy vô thăm chồng
    Gặp trộ mưa giông
    Đường trơn gánh nặng
    Mặt trời đã lặn
    Đèo Ngang chưa trèo
    Gặp hòn đá cheo leo
    Chân trèo chân trợt
    Hỏi o bán nước
    Hỏi chú chăn trâu
    Ba Đồn quân lính đóng đâu?

    Dị bản

    • Ba Đồn là đất Châu Ô
      Một đoàn con gái chạy vô thăm chồng
      Gặp trộ mưa giông
      Đường trơn gánh nặng
      Mặt trời đã lặn
      Đèo Ngang chưa trèo
      Gặp hòn đá cheo leo
      Chân trèo chân trợt
      Hỏi o bán nước
      Hỏi chú chăn trâu
      Ba Đồn quân lính đóng đâu?

    • Ới yêng ơi, mưa từ trong Quảng mưa ra
      Thân tôi là gái phải qua tầm chồng
      Đôi hàng nước mắt ròng ròng
      Bên vai còn mang khăn gói
      Mặt trời đã tối
      Kêu bến đò ngang hắn nỏ chèo
      Hòn đá cheo leo
      Thiếp tôi trèo mần răng cho đặng
      Tôi hỏi thăm chú chăn trâu cùng o gánh nác
      Đường tới Nam Định, thành Bắc nơi mô?

  • Con chim manh manh

    Con chim manh manh
    Nó đậu cây chanh
    Tôi vác miểng sành
    Chọi chim chết giẫy
    Tôi làm bảy mâm
    Cho ông một mâm
    Cho bà một dĩa
    Bà ăn hết rồi
    Hỏi con chim gì?
    (Tôi nói)
    Con chim manh manh…

    Dị bản

    • Con chim xanh xanh,
      Nó đậu cành chanh,
      Tôi chành nó chết.
      Đem về làm thịt,
      Được ba nongđầy.
      Ông thầy ăn một,
      Bà cốt ăn hai,
      Cái thủ, cái tai,
      Đem về biếu chú,
      Chú hỏi thịt gì?
      Thịt chim xanh xanh

    • Con chim chích choè,
      Nó đậu cành chanh,
      Tôi ném hòn sành,
      Nó quay lông lốc.
      Tôi làm một chốc,
      Được ba mâm đầy
      Ông thầy ăn một,
      Bà cốt ăn hai.
      Cái thủ, cái tai,
      Tôi đem biếu Chúa.
      Chúa hỏi chim gì?
      Con chim chích choè

    • Con chim se sẻ
      Nó đẻ mái tranh
      Tôi vác hòn sành
      Tôi lia chết giãy
      Tôi đem tôi kỉnh
      Cho thầy một mâm
      Thầy hỏi chim gì?
      Con chim se sẻ.

    • Con chim se sẻ
      Nó đẻ cành chanh
      Tôi lấy hòn sành
      Tôi chành nó chết
      Mang về làm thịt
      Được ba mâm đầy
      Ông thầy ăn một
      Bà cốt ăn hai
      Cái thủ cái tai
      Mang lên biếu Chúa
      Chúa hỏi thịt gì
      Thịt con chim sẻ
      Nó đẻ cành chanh…

    • Cái con chim chích
      Nó rích cành chanh
      Tôi lấy mảnh sành
      Tôi vành cho chết
      Gặp ba ngày tết
      Làm ba mâm đầy
      Ông thầy ăn một
      Bà cốt ăn hai
      Cái thủ cái tai
      Mang lên biếu chú
      Chú hỏi thịt gì
      Thịt con chim chích
      Nó rích cành chanh

    Video

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

Chú thích

  1. Cá trắm
    Tên một loài cá thuộc họ Cá chép phổ biến ở nước ta, sống trong ao hồ, ưa nước sạch. Cá trắm được chế biến thành nhiều món ăn dân dã.

    Cá trắm đen

    Cá trắm đen

  2. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  3. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  4. Lặt
    Nhặt (phương ngữ).
  5. Khe Cả
    Một đoạn truông ngắn chạy giữa rừng, trên con đường ngựa trạm thời nhà Nguyễn, đi ngang qua núi Bà Đặng tới suối Khe Cả thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ngày nay. Trước đây khu vực này rất hoang sơ, nhiều thú dữ.
  6. Đèo Tùm Lum
    Một con đèo nay thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Đèo gồm những đồi dốc nhỏ, nằm sát biển, bên ngoài đèo Đá Dăm trên hướng từ Mũi Điện Kê Gà đi Phan Thiết. Ngày xưa đây là khu vực hoang sơ, ít người dám đi, nhưng những năm gần đây thì đèo đã được cải tạo thành khu nghỉ dưỡng.

    Đèo Tùm Lum

    Đèo Tùm Lum

  7. Long Thủy
    Tên cũ là Mỹ Á, một ngôi làng trước thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng nằm sát biển, nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thủy rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn. Tại đây có bãi biển Long Thủy, nhìn ra xa là cụm Hòn Chùa, Hòn ThanHòn Dứa.
  8. Chợ Ba Đồn
    Chợ ở Ba Đồn, thị trấn huyện lị của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Người các nơi đến họp rất đông vào các ngày phiên vào các ngày mồng một và mồng sáu, các ngày hàng tháng. Chợ Ba Đồn hàng hóa phong phú và đa dạng, có đủ các thứ của vùng xuôi, vùng ngược, trong đó đặc sắc nhất có lẽ là hàng thịt bò và món thịt chó.

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

    Mua bán thịt bò ở chợ Ba Đồn

  9. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  10. Trộ
    Trận (phương ngữ).
  11. Đèo Ngang
    Một con đèo thuộc dãy Hoành Sơn, nằm ở ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  12. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  13. Ba Đồn
    Một địa danh nay là thị trấn của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ba Đồn nằm sát bờ sông Gianh lịch sử - ranh giới tự nhiên thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Lúc ấy quân chúa Trịnh đóng trong ba cái đồn lớn chung quanh thị trấn Ba Đồn hiện nay: đồn Trung Thuần (Trung Ái), đồn Phan Long (Quảng Lưu) và đồn Xuân Kiều. Chợ Ba Đồn, phiên chợ nổi tiếng miền Trung cũng xuất hiện trong thời kì ấy.
  14. Châu Ô
    Tên cũ của vùng đất từ đèo Lao Bảo đến lưu vực sông Thạch Hãn, phía Nam tỉnh Quảng Trị. Châu Ô cùng với Châu Rí là vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa. Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân sai sứ cầu hôn công chúa Huyền Trân, em gái vua Trần Anh Tông, và dâng hai châu Ô và Rí làm sính lễ. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Pa, thu nhận hai châu, rồi đổi châu Ô làm Thuận Châu, châu Rí làm Hóa Châu.
  15. Quảng Bình
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

    Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...

    Vường quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

  16. Tầm
    Tìm (từ Hán Việt)
  17. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  20. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  21. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  22. Bắc Thành
    Địa danh chỉ một đơn vị hành chính cấp cao đầu triều Nguyễn, quản lý 11 trấn (tương đương cấp tỉnh ngày nay) ở phía bắc Việt Nam. Đơn vị này được vua Gia Long đặt ra từ năm 1802, được sử dụng cho đến năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng thì bị bãi bỏ. Bắc Thành được chia làm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn, tính từ khu vực Ninh Bình trở lên phía bắc. Nội trấn là các trấn đồng bằng và trong nội địa, bao gồm: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương. Ngoại trấn bao gồm các trấn miền núi và giáp với Trung Quốc: Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên.
  23. Manh manh
    Loại chim nhỏ, đẹp, hiện nay thường được nuôi làm cảnh. Có nhiều loại manh manh khác nhau. Manh manh trắng toàn thân lông màu trắng toát, trừ hai bên má có đốm lông vàng, mỏ đỏ, chân vàng, chim trống mỏ đỏ sậm, con mái mỏ đỏ lợt. Manh manh bông có mỏ đỏ, má vàng, hai bên mỏ có sọc trắng dọc theo mép tai, cổ vằn màu xám, ức đen, bụng trắng, lông dọc theo hai bên hông màu gạch có nổi bông trắng. Đuôi tuy nhỏ, ngắn nhưng lại cầu kỳ, khúc trắng khúc đen như chim trĩ. Manh manh nâu (sô-cô-la) ở má và cánh có đốm màu vàng anh.

    Một con chim manh manh

    Một con chim manh manh

  24. Chim xanh
    Tên một họ chim dạng sẻ, có hình dáng giống chào mào, sinh sống thành đàn trong rừng, kiếm ăn tại các rừng nghèo nhiều dây leo, bụi rậm. Chim ăn côn trùng, nên là loài có ích cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

    Trong văn học cổ, chim xanh là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nên thường được xem là người đưa tin, làm mối, hoặc chỉ tin tức qua lại, tuy hiện không rõ có đúng là loài chim xanh này không.

    Chim xanh cánh lam

    Chim xanh cánh lam

  25. Chành
    Mở rộng về bề ngang, như banh.
  26. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  27. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  28. Thủ
    Đầu (từ Hán Việt).
  29. Lia
    Ném, vứt.
  30. Kỉnh
    Kính (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng hiểu là kính biếu, kính tặng.
  31. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  32. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  33. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  34. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  35. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông