Tìm kiếm "chiếu sáng"

  • Sáu cô đi chợ một xuồng

    Sáu cô đi chợ một xuồng
    Tôi chèo theo chính giữa sợ mích lòng sáu cô
    Phải chi tôi có lúa bồ
    Tôi xin cưới hết sáu cô một lần
    Cô hai mua tảo bán tần
    Cô ba sắc thuốc dưỡng thân mẹ già
    Cô tư nấu nước pha trà
    Cô năm coi cửa coi nhà ngoài trong
    Cô sáu trải chiếu, giăng mùng
    Cô bảy san sẻ tình chung với mình
    Phải chi cả sáu cô thuận tình
    Trai năm thê bảy thiếp, vợ mình đông vui

    Dị bản

    • Lang thang một dãy sáu cô
      Cưới cô chính giữa mích lòng năm cô
      Phải chi tôi có lúa bồ
      Tôi ra tôi cưới sáu cô một lần
      Cô hai mua tảo bán tần
      Cô ba xách nước dưỡng nuôi mẹ già
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm phân nước pha trà uống chung
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Cô bảy là nghĩa tình chung với mình
      Cô bảy phân hết sự tình
      Trai năm thê bảy thiếp vợ của mình rất đông

    • Ai bì anh có tiền bồ
      Anh đi anh lấy sáu cô một lần
      Cô hai buôn tảo bán tần
      Cô ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
      Cô tư dọn dẹp trong nhà
      Cô năm sắc thuốc, mẹ già cô trông
      Cô sáu trải chiếu giăng mùng
      Một mình cô bảy nằm chung với chồng.

  • Thuyền ngược hay là thuyền xuôi

    – Thuyền ngược hay là thuyền xuôi
    Thuyền về Nam Định cho tôi về nhờ
    – Con gái chỉ nói ỡm ờ
    Thuyền anh chật chội còn nhờ làm sao!
    Miệng anh nói, tay anh bẻ lái vào
    – Rửa chân cho sạch bước vào trong khoang
    Thuyền dọc anh trải chiếu ngang
    Anh thì nằm giữa hai nàng nằm bên

  • Trời xanh nước biếc một màu

    Trời xanh nước biếc một màu
    Em cười là khóc, em sầu là tươi
    Nỗi lòng cực lắm anh ơi!
    Dâu con ăn ở đôi nơi song toàn
    Ai ngờ chỉ thắm dây oan
    Ai ngờ Tần Tấn mà nên Việt Hồ
    Một thân năm liệu bảy lo
    Chiều chồng, đôi họ, mẹ cha cũng chiều.

  • Nhà anh thật khó, không giàu

    Nhà anh thật khó, không giàu
    Có lời trước, kẻo sau phàn nàn
    Nhà anh chỉ có một gian
    Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
    Nồi đất anh treo tứ phương
    Chổi cùn, chiếu rách đầy giường em ơi
    Không tin, em về mà coi
    Chả rồi em bảo là người nói ngoa
    Nhà anh có một vườn hoa
    Bốn cây cứt lợn xinh đà nên xinh
    Trong nhà sập gụ mới tinh
    Niễng chui vào bếp, gập ghềnh ba chân
    Em lấy anh sung sướng nhất trên trần!

    Dị bản

    • Anh đây thật khó, không giàu,
      Anh xin nói trước, kẻo sau phàn nàn
      Nhà anh chỉ có một gian,
      Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
      Trời làm một trận mưa tuôn,
      Nửa bếp cũng đổ, nửa buồng cũng xiêu.

  • Anh đừng tư lự, thất tình

    Anh đừng tư lự, thất tình
    Rồi đây trúc cũng hiệp bình với mai
    Anh đừng than ngắn thở dài
    Nào ai đã nỡ bỏ ai nên phiền
    Nói ra về lúc Vân Tiên
    Chàng mà xa thiếp, thiếp chịu phiền sáu năm
    Sương sa lụy nhỏ đầm đầm
    Đặt mình xuống chiếu, bụng nằm chiêm bao
    Cũng vì nhơn nghĩa anh trao
    Cho nên nước mắt nhỏ trào như mưa

  • Nhà em ở cạnh cầu ao

    Nhà em ở cạnh cầu ao
    Chàng đi xuôi ngược, chàng vào nghỉ chân
    Chàng ngồi chàng nghỉ ngoài sân
    Cơm thì nhỡ bữa, canh cần nấu suông
    Rau cải chưa rắc, rau muống chưa leo
    Cơm em mới có lưng niêu
    Lửa em tắt mất từ chiều hôm qua
    Ngược lên bãi Phú thì xa
    Xuôi về bãi Mộc trồng cà lấy dưa

  • Xa nhau cách mấy con trăng

    Xa nhau cách mấy con trăng
    Đêm nằm lơ lửng, uống ăn không thường
    Không biết ai tôi nhắn với người thương
    Nhắn anh dầu phụng Quán Rường mới ra
    Nhắn bạn hàng Phong Thử, Hà Nha
    Nhắn người Vĩnh Điện, La Qua xưa rày
    Nhắn người quen biết xưa nay
    Nhắn ông đi cuốc đi cày cũng không
    Chợ chiều tôi nhắn chị hàng bông
    Nhắn cô gánh nước, nhắn ông đưa đò
    Nhắn người chuyển miệng giùm cho
    Nhắn người cắt cỏ, giữ bò giữ trâu
    Nhắn ông đi úp sông sâu
    Nhắn ông bủa lưới giăng câu dọc gành
    Nhắn người đốn củi rừng xanh
    Nhắn cô bán cá, nhắn anh bán trầu
    Nhắn người ở dưới Câu Lâu
    Nhắn cô bán vải ở cầu Bình Long

  • Đêm khuya trăng dọi lầu son

    Đêm khuya trăng dọi lầu son,
    Vào ra thương bạn, héo hon ruột vàng.
    Bển qua đây, đàng đã xa đàng,
    Dầu tui có lâm nguy thất thế,
    Hỏi con bạn vàng nó cứu không?
    Chiều rồi kẻ Bắc, người Đông
    Trách lòng người nghĩa, nói không thiệt lời

  • Ðứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân, thấy nước xanh xanh như tàu lá

    Đứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân thấy nước xanh xanh như tàu lá
    Đứng bên tê Hà Thân, ngó qua bên ni Hàn, thấy phố xá nghênh ngang
    Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn
    Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu
    Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu
    Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau.

  • Cái gì anh đổ vào bồ

    Cái gì anh đổ vào bồ?
    Cái gì róc vỏ phơi khô để dành?
    Cái gì anh thả vào xanh?
    Cái gì lắt lẻo trên cành tốt tươi?
    Cái gì đi chín về mười?
    Cái gì sống đủ trên đời được tám trăm năm?
    Cái gì chung chiếu chung chăn?
    Cái gì chung bóng ông trăng trên trời?
    Lúa khô anh đổ vào bồ
    Cau già róc vỏ phơi khô để dành
    Con cá anh thả vào xanh
    Bông hoa lắt lẻo trên cành tốt tươi
    Cái gì đi chín về mười
    Ông Bành Tổ sống đủ trên đời được tám trăm năm
    Vợ chồng chung chiếu chung chăn
    Đôi ta chung bóng ông trăng trên trời

  • Ớ cô Hai ơi, sao cô không nói không rằng

    Ớ cô Hai ơi, sao cô không nói không rằng
    Lòng tui thương tưởng cô bằng hay không?
    Hay là cô chưa muốn có chồng
    Nói cho tui biết đợi trông làm gì
    Trách lòng cho con gái nữ nhi
    Đời chừ lựa chọn làm chi cho nhiều
    Buổi xưa kia vinh hiển còn biêu
    Trai hoàng nam đi cưới con gái ông tiều trên non
    Hay là cô bụng dạ lòng son
    Nói cho tui biết chiều lòng ông mai
    Hễ mà cô nói đừng sai
    Trầu mâm, rượu hũ, tui cậy ông mai tới nhà

  • Một giờ ra ngõ ngó trông

    Một giờ ra ngõ ngó trông
    Ngó lên ngó xuống cũng không thấy chàng
    Hai giờ ra đứng đầu làng
    Ngó lên ngó xuống không thấy chàng chàng ơi
    Ba giờ giả chước đi chơi
    Gặp người tình tứ gởi đôi lời nhắn nhe
    Bốn giờ gió ủ mây che
    Tưởng dè gần bạn ai ngờ mà xa
    Năm giờ dời gót về nhà
    Ngồi khoanh tay lại vậy mà sầu bi
    Sáu giờ đèn hạt lưu ly
    Nghĩ đi nghĩ lại không thấy gì người thương
    Bảy giờ dọn dẹp trong giường
    Đặt lưng xuống chiếu thả thường chiêm bao
    Tám giờ tim lửng, dầu hao
    Khi đi khi ở biết bao nhiêu tình
    Chín giờ nghĩ giận phận mình
    Trách răng căn số của mình mần ri
    Mười giờ còn biết nói chi
    Trách cho con tạo phân ly nghĩa tình
    Mười một giờ mây lạc trăng chênh
    Ai làm bạn cũ bênh lênh sao đành
    Mười hai giờ kêu thấu trời xanh
    Ai làm chim tước bỏ nhành lan mai.

  • Cầu Đơ là chợ đằng xuôi

    Cầu Đơ là chợ đằng xuôi
    Ngỗng, vịt cũng lắm, đồ chơi cũng nhiều
    Tưởng rằng chợ Sái mỹ miều
    Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm
    Chợ Nủa hàng giậm, hàng nơm
    Chợ Trôi hàng vải, hàng rơm dãi dầu
    Chợ Nghệ thì bán bò, trâu
    The, đoạn cũng lắm, chúc bâu cũng nhiều
    Sơn Đồng chợ họp về chiều
    Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng dao
    Chợ Phùng hàng xén xiết bao
    Chợ Gạch cũng lắm thuốc lào, nhang đen
    Chợ Cốc nửa tháng sáu phiên
    Chỉ nhiều ngô, đậu với nguyên củ từ
    Thọ Lão chợ họp chần chừ
    Lều quán chẳng có y như ngoài đồng
    Lờ đờ chợ Triệu mà đông
    Tưởng rằng có lớn mà không bán bò
    Chợ Mía mới họp mà to
    Mía vàng, mía đỏ bán cho lò đường
    Bán nhiều nón là chợ Chuông
    Trắng trời, trắng chợ ai thương đội đầu
    Chợ Sêu bán hom, lá dâu
    Bán nhộng, bán kén tơ màu xe dây.

  • Ai ơi phải nghĩ trước sau

    Ai ơi phải nghĩ trước sau
    Đừng tham lắm của nhà giàu làm chi
    Làm thì xem chẳng ra gì
    Làm tất làm tả, nói thì điếc tai
    Đi ngủ thì hết canh hai
    Thức khuya dậy sớm, mình ai dãi dầu
    Sớm ngày đi cắt cỏ trâu
    Trưa về lại bảo: ngồi đâu, không đầy
    Hết mẹ rồi lại đến thầy
    Gánh cỏ có đầy cũng nói rằng vơi
    Nói thì nói thật là dai
    Lắm câu chua cạnh, đắng cay trăm chiều
    Phận em là gái nhà nghèo
    Lấy phải chồng giàu, ai thấu cho chăng
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Chịu khổ chịu nhục suốt trong một đời

  • Kể chuyện đờn bà hư

    Ngồi buồn tâm sự chép ra
    Có những đờn bà dạo xóm nói dai
    Xóm trong chí những xóm ngoài
    Nách con nói điệu thài lai tối ngày
    Nói thời vo miệng nhướng mày
    Vỗ vai vỗ vế múa tay ngoẻo đầu
    Miệng thời nhóc nhách nhai trầu
    Người trên ý cũng lầu bầu quạu đeo
    Lại còn cái tật nói leo
    Cái tật nói dóc nói trèo người ta

  • Tháng giêng lúa mới chia vè

    Tháng giêng lúa mới chia vè
    Tháng tư lúa đã đỏ hoe đầy đồng
    Chị em đi sắp gánh gồng
    Đòn càn tay hái ta cùng ra đi
    Khó nghèo cấy mướn gặt thuê
    Lấy công đổi của chớ hề lụy ai
    Tháng hai cho chí tháng mười
    Năm mười hai tháng em ngồi em suy
    Vụ chiêm em cấy lúa đi
    Vụ mùa lúa ré, sớm thì ba giăng
    Thú quê rau cá đã từng
    Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan
    Việc nhà em liệu lo toan
    Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà
    Tháng sáu em cấy anh bừa
    Tháng mười em gặt anh đưa cơm chiều

  • Tháng Giêng xuân tuyết mau mưa

    Tháng giêng xuân tuyết mau mưa
    Nhớ chàng những lúc sớm trưa vui cười
    Tháng hai hoa đã nở rồi
    Nhớ chàng em phải đứng ngồi thở than
    Tháng ba nắng lửa mưa dầu
    Nhớ chàng em những âu sầu chả tươi
    Tháng tư sấm giục mưa rơi
    Nhớ chàng thơ thẩn ra chơi vườn cà
    Tháng năm gặt hái rồi rà
    Nhớ chàng như thể nhớ hoa trên cành

  • Vè bài cào

    Đêm nằm ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
    Ngồi buồn tôi đặt cái thơ bài cào
    Anh em quí vị đồng bào
    Già trẻ, lớn nhỏ, nghèo giàu đều hay
    Cờ bạc nhiều nỗi khổ gay,
    Kề vai, cọ vế: anh Hai, anh Mười…
    Tới đây chẳng thiếu chi người,
    Thuở giò chọn lựa, chần chừ chờ anh
    Dòm lên mấy cái trách trên giàn
    Té nghiêng, té ngửa thấy càng éo le

Chú thích

  1. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  2. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  4. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  5. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  6. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  7. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  8. Có bản chép "ghé".
  9. Có bản ché: đôi bên.
  10. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  11. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  12. Hồ Việt
    "Hồ" chỉ các dân tộc sống về phía bắc, "Việt" chỉ các dân tộc sống về phía nam Trung Quốc ngày trước. Hồ Việt chỉ sự xa xôi cách trở.

    Chữ rằng: Hồ Việt nhứt gia
    Con đi tới đó trao qua thơ này

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  13. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  14. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  15. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Cứt lợn
    Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...

    Cây cứt lợn

    Cây cứt lợn

  17. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  18. Niễng
    Có nơi gọi là mễ, đà, dụng cụ dùng để kê sập, kê phản.
  19. Niễng bị hỏng, đã cho vào bếp làm củi đun, nên sập chỉ còn có ba chân, gập ghềnh.
  20. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  21. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  22. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  23. Trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga đã thủ tiết chờ đợi Vân Tiên cả thảy sáu năm.
  24. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  25. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  26. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  27. Suông
    Thiếu hẳn nội dung quan trọng, gây nên sự nhạt nhẽo: Nấu canh suông (nấu canh chỉ có rau, không thịt cá), uống rượu suông (uống rượu không có thức nhắm)...

    Ðêm suông vô số cái suông xuồng,
    Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông!

    (Đêm suông phủ Vĩnh - Tản Đà)

  28. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  29. Con trăng
    Một chu kì của mặt trăng xoay quanh trái đất, tức một tháng âm lịch.
  30. Quán Rường
    Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
  31. Phong Thử
    Địa danh nay thuộc xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Phong Thử nằm ở ven sông Thu Bồn, đất đai tuy nhiều nhưng ruộng lúa nước tương đối ít, vì vậy người dân xưa kia sống chủ yếu bằng nghề trồng bông, nuôi tằm dệt vải và làm nghề buôn bán nhỏ.

    Chợ Phong Thử

    Chợ Phong Thử

  32. Hà Nha
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

  33. Vĩnh Điện
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  34. La Qua
    Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
  35. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  36. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  37. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  38. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  39. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  40. Bình Long
    Tên một con lạch chảy qua các xã Điện Phước, Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  41. Dọi
    Chiếu, rọi.
  42. Bển
    Bên đó (phương ngữ Nam Bộ).
  43. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  44. Thất thế
    Mất thế lực, mất chỗ tựa. Từ chữ Hán thất 失 (mất) và thế 勢 (thế lực).
  45. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  46. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  47. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  48. Bên tê
    Bên kia (tiếng địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng).
  49. Hà Thân
    Tên một xã ở bên kia sông Hàn, nay thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
  50. Sông Câu Nhí
    Còn gọi là sông Câu Nhi, một nhánh sông bên tả ngạn sông Thu Bồn, bắt đầu từ làng Câu Nhi chảy ra sông Vĩnh Điện rồi hợp lưu với sông Cẩm Lệ, đổ nước ra Cửa Hàn. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) sông được đào rộng và uốn thẳng từ làng Câu Nhi đến làng Cẩm Sa. Thời Pháp thuộc sông này được khai thông và mở rộng để chở than đá từ mỏ Nông Sơn ra cảng Đà Nẵng.
  51. Bồng Miêu
    Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

  52. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  53. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  54. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  55. Biêu
    Nêu lên cho mọi người biết.
  56. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  57. Giả chước
    Đánh lạc hướng người khác bằng cách làm điều gì đó để khỏi bị chú ý hoặc nghi ngờ.
  58. Đèn lưu ly
    Một loại đèn của Phật giáo, thường thấy trong các đình chùa, có dạng một đóa hoa sen.

    Đèn lưu ly

    Đèn lưu ly

  59. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  60. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  61. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  62. Mần ri
    Như thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  63. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  64. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  65. Tước
    Chim sẻ (từ Hán Việt).
  66. Chợ Hà Đông
    Ngôi chợ lớn nhất của Hà Đông trước đây. Chợ Hà Đông vốn là chợ làng Đơ (nên còn gọi là chợ Đơ hay chợ Cầu Đơ) xây ba dãy cầu gạch lợp ngói song song với nhau tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, khi xây ba nhà chợ lớn lợp mái tôn. Khu vực chợ gia súc mở năm 1904 nay là khu vực Ngân hàng nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình thành phố, viện Kiểm sát nhân dân quận, Trường Mỹ nghệ sơn mài.

    Chợ Hà Đông hiện nay

    Chợ Hà Đông hiện nay

  67. Quảng Minh
    Tên Nôm là Đại Sái, một làng thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Chợ ở làng cũng gọi là chợ Sái.
  68. Chợ Nủa
    Cũng phát âm sai thành chợ Lủa, một ngôi chợ trước đây thuộc kẻ Nủa, nay thuộc địa phận xã Binh Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đây là phiên chợ ở Thủ đô vẫn còn giữ được những nét đặc sắc của chợ phiên vùng đồng bằng Bắc bộ xưa. Chợ bán nhiều vật dụng truyền thống làm từ tre, nứa như đũa, tăm, mành che nắng, gàu nước...

    Chợ Nủa

    Chợ Nủa

  69. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  70. Chợ Trôi
    Một ngôi chợ hiện nay thuộc địa phận làng Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chợ họp vào ngày hai mươi sáu tháng chạp âm lịch, rất đông vui.
  71. Chợ Nghệ
    Một ngôi chợ có từ xưa, thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, nổi tiếng là nơi buôn bán, chuyển nhượng trâu bò từ miền ngược về miền xuôi. Trước đây chợ họp theo phiên vào các ngày mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng. Vào năm 2005, chợ Nghệ bị cháy, sau đó chợ mới được xây dựng lại trên nền chợ cũ.

    Chợ Nghệ hiện nay

    Chợ Nghệ hiện nay

  72. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  73. Đoạn
    Một loại vải dày dệt từ tơ tằm. Đoạn cũng được dệt theo cách thức của lĩnh, nhưng dày hơn, sợi dọc nhiều hơn cả gấm. Đặc biệt sợi dọc, sợi ngang nổi đều nhau, mịn màng, óng ả. Đoạn dùng để may áo dài cho nam giới mặc vào những dịp long trọng. Do hàng đoạn dày nên người ta thường may áo đoạn bọc lụa bên trong mặc vào mùa lạnh.
  74. Chúc bâu
    Loại vải dệt khung tay, khổ 40 phân, dày, cứng và bền.
  75. Sơn Đồng
    Địa danh nay là một xã thuộc hiện Hoài Đức, Hà Nội.
  76. Chợ Phùng
    Chợ phố Phùng, nay thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Chợ họp theo phiên vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch hằng tháng.
  77. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  78. Chợ Gạch
    Chợ thuộc phố Gạch, thôn Đồng Lục (tên nôm là Kẻ Lọc) thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Trước đây chợ Gạch họp vào các ngày 2, 5, 7 trong tháng.
  79. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  80. Chợ Cốc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Cốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  81. Thọ Lão
    Địa danh xưa thuộc tổng Thọ Nghiêm, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long, nay là khoảng dốc Thọ Lão-Lò Đúc, thành phố Hà Nội.
  82. Chợ Triệu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Triệu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  83. Chợ Mía
    Chợ thuộc làng Mía, Sơn Tây. Xưa chợ có tên là chợ Tam Bảo, nằm ngay chân Tam quan của chùa Mía. Chợ do bà Nguyễn Thị Ngọc Dao - sau trở thành cung phi của Thanh đô vương Trịnh Tráng - dựng nên, họp mỗi tháng có 6 phiên chính vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26. Đọc thêm: Chợ cổ bên ngôi chùa cổ.
  84. Quang Trung
    Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.

    Phơi lá lụi để làm nón

    Phơi lá lụi để làm nón

  85. Chợ Sêu
    Chợ thuộc làng Sêu, là đầu mối thông thương cho nhiều chợ khác quanh vùng. Địa thế cận giang đã làm cho chợ Sêu ngày càng lớn, rộng, giao lưu không chỉ trong huyện, mà còn liên huyện, liên tỉnh Hà Tây - Hoà Bình. Vì thế ít có chợ nào trong vùng có nhiều sản vật và phong phú như chợ Sêu.

    Chợ Sêu

    Chợ Sêu

  86. Hom
    Đoạn thân cây dùng để giâm thành cây mới.
  87. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  88. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  89. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  90. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  91. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  92. Nhánh cây.
  93. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  94. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  95. Lúa ré
    Cũng gọi là lúa gié, một loại lúa mùa truyền thống, hạt lúa nhỏ, cơm ngon.
  96. Lúa Ba Trăng
    Một giống lúa cổ ở nước ta, thời xưa được trồng nhiều ở Nghệ An, từ lúc gieo mạ tới lúc lúa chín vừa vặn ba tháng. Lúa Ba Trăng cho gạo trắng, cơm dẻo, nhiều bột. (Theo Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quý Đôn).
  97. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  98. Mưa dầu
    Mưa ít quá, làm cho nóng thêm.
  99. Rồi rà
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rồi rà, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  100. Bài cào
    Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
  101. Đồng bào
    Cùng chung (đồng) bào thai, nghĩa hẹp dùng để chỉ anh em ruột vì cùng một mẹ sinh ra, nghĩa rộng chỉ người trong cùng một nước vì cùng một tổ tiên.
  102. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.