Tìm kiếm "hoàng"

Chú thích

  1. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  3. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  4. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  5. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  6. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  7. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  8. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  9. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  10. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  11. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  12. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  13. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  14. Có bản chép: Cá nục.
  15. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  16. Lơ mơ
    Trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nửa thức nửa ngủ, hoặc không có gì rõ ràng, nửa như biết, nửa như không.
  17. Xống
    Váy (từ cổ).
  18. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  19. Bồ hóng
    Bụi than đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp, đáy nồi... trong quá trình nấu nướng.
  20. Ghẻ
    Loại bệnh do ký sinh trùng đào hang rãnh trên da làm ngứa ngáy khó chịu và nhiễm trùng. Người ta biết bệnh ghẻ từ thế kỷ thứ 16 nhưng mãi đến năm 1934 mới tìm được ký sinh trùng gây bệnh ghẻ ở người. Bệnh ghẻ mang tính chất lây truyền và thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, hay thành dịch khi có chiến tranh, đợt di dân, sau hội hè, các trại giam...
  21. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  22. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  23. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  24. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  25. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  27. Xích thằng
    Sợi chỉ đỏ, dùng để chỉ duyên vợ chồng, gắn với điển tích về Nguyệt lão.

    Cạn lời, khách mới thưa rằng,
    Buộc chân, thôi cũng xích thằng nhiệm trao

    (Truyện Kiều)

  28. Hằng Nga
    Một nàng tiên trong thần thoại Trung Hoa, sống trong cung Quảng Hàn trên mặt trăng. Trong văn học, Hằng Nga hoặc chị Hằng là hình ảnh ước lệ chỉ mặt trăng.

    Thần thoại Trung Hoa kể rằng Hằng Nga và Hậu Nghệ là hai vợ chồng thần tiên sống trên trời. Vào thời cổ đại, Ngọc Hoàng có mười con trai là mười mặt trời, luân phiên soi sáng thế gian. Nhưng vào thời vua Nghiêu, một hôm mười mặt trời lại xuất hiện cùng một lúc, thiêu đốt mặt đất, gây ra hạn hán khủng khiếp. Hậu Nghệ ra tay bắn hạ chín mặt trời để cứu nhân dân, nhưng bị Ngọc Hoàng trừng phạt, đày cả hai vợ chồng xuống làm người trần gian, không cho làm thần tiên nữa.

    Hậu Nghệ đi tìm Tây Vương Mẫu ở núi Côn Luân, được Tây Vương Mẫu ban cho một viên thuốc trường sinh và dặn rằng hai vợ chồng chia nhau uống mỗi người nửa viên thì có thể trường sinh bất lão. Hậu Nghệ vui mừng mang thuốc về để vợ chồng chia nhau uống, nhưng Hằng Nga lại lén chồng lấy trộm viên thuốc uống một mình. Do thuốc quá mạnh, vừa uống xong thì Hằng Nga bay vút lên trời, bay mãi cho đến khi đến mặt trăng mới đáp xuống. Từ đó Hằng Nga sống trên cung trăng.

    Hằng Nga bay lên cung trăng

    Hằng Nga bay lên cung trăng

  29. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  30. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  31. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  32. Hồng ngâm
    Quả hồng đem ngâm nước tro để biến chất, mất vị chát.

    Hồng ngâm

    Hồng ngâm

  33. Hai câu này có lẽ lấy từ bài thơ Già kén kẹn hom của Hồ Xuân Hương:

    Tiếc dĩa hồng ngâm cho chuộc vọc,
    Thừa mâm bánh ngọt để ngâu vày

    Theo Phạm Trọng Chánh: Ngao vầy: nhiều bản chép ngâu vầy, tôi cho là vô nghĩa, Ngao là loài chó lớn hùng hổ đối với chuột, chuột vọc đối với ngao vầy.

  34. Bài này có lẽ lấy ý từ mấy câu thơ trong bài Già kén kẹn hom của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

    Bụng làm dạ chịu trách chi ai
    Già kén kẹn hom ví chẳng sai
    Tiếc đĩa hồng ngâm cho chuột vọc
    Thừa mâm bánh ngọt để ngâu vầy

  35. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  36. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.