Tìm kiếm "chiếu sáng"

Chú thích

  1. Gành Bà
    Một gành đá nằm ở phía bắc vịnh Xuân Đài, dọc theo bán đảo Xuân Thịnh, tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

  2. Gành Ông
    Một ghềnh đá thuộc địa phận thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách Gành Bà chừng một cây số.

    Gành Ông

    Gành Ông

  3. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  4. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  5. Rồng mây
    Còn nói hội rồng mây, hội long vân, chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt, nguyên từ một câu trong Kinh Dịch "Vân tùng long, phong tùng hổ" (mây theo rồng, gió theo hổ), ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm đến nhau. Trong ca dao Nam Bộ, rồng mây lại biểu trưng cho sự hòa hợp gắn bó giữa đôi lứa trong tình yêu.
  6. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  7. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  8. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  9. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  10. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  11. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  12. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  13. Quản
    E ngại (từ cổ).
  14. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  15. Hò khoan
    Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
  16. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  17. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  18. Mãn kiếp
    Suốt đời, cho đến tận lúc chết (thường nói về việc không hay).
  19. Cầu Tấn
    Tên một chiếc cầu cổ gần cửa biển Thị Nại (nay là đầm Thị Nại), tỉnh Bình Định. Cầu này có từ đời Chiêm Thành, xây bằng đá, nên sử chép là Thạch Kiều, thời Pháp được sửa lại, đúc bằng xi măng cốt sắt. Cầu có tên là cầu Tấn vì Thị Nại xưa kia là một thương cảng tấp nập, có quan Tấn thủ coi giữ.
  20. Có bản chép: Bãi.
  21. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  22. Phương Mai
    Tên một hòn núi nhỏ nằm ở phía Đông của đầm Thị Nại (trước là cửa biển Thị Nại) thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên bán đảo và vịnh ở đây.

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

    Tượng Hưng Đạo Đại Vương trên núi Phương Mai

  23. Ghềnh Ráng
    Tên một thắng cảnh rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 2km. Đây là một bãi đá tự nhiên rất đẹp, trước đây từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Ghềnh đá có bãi tắm Tiên Sa, bãi Hoàng Hậu (tương truyền có tên như vậy vì là bãi tắm ưa thích của hoàng hậu Nam Phương triều Nguyễn), đá Hòn Chồng, bãi Đá Trứng, cùng với ngôi mộ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Quách Tấn giải thích về tên gọi Gành Ráng: (...) gọi là Gành Ráng không phải là Ráng trời. Người đi biển có bốn tiếng để lái thuyền: Cay: cho thuyền từ phải qua trái; Biết: cho thuyền từ trái qua phải; Nhượng: xoay mũi thuyền theo đầu gió; Ráng: đổ gió trong buồm ra, xoay mũi theo cuối chiều gió. Thuyền hễ qua Gành này thì phải đổ gió nên gọi là Gành Ráng.

    Một góc Ghềnh Ráng

    Một góc Ghềnh Ráng

  24. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  25. Sơn kì thủy tú
    Chữ Hán, nghĩa là "núi lạ, sông đẹp." Chỉ cảnh vật tươi đẹp. Còn nói là "thủy tú, sơn kì."

    Xa xa vừa mấy dặm đường
    Gặp Vương Tử Trực vầy đoàn đều đi.
    Trải qua thủy tú sơn kì
    Phỉ lòng cá nhảy gặp thì rồng bay

    (Lục Vân Tiên)

  26. Khởi sự
    Bắt đầu (khởi) làm một việc gì (sự).
  27. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  28. Đáy
    Một dụng cụ dùng để đánh bắt tôm cá. Đáy có cấu tạo giống một chiếc túi, mắt lưới nhỏ dần, được đặt cố định ở nơi có dòng chảy để chặn bắt tôm cá. Đáy được chia thành nhiều loại tùy theo vùng hoạt động, đối tượng đánh bắt và kiểu kết cấu: đáy hàng câu, đáy hàng khơi, đáy neo, đáy rạo, đáy rạch, đáy bày...

    Đóng đáy trên sông

    Đóng đáy trên sông

  29. Sách Địa chí Bến Tre giải thích như sau: Cái nghề lao động khá vất vả trên sông nước này lại được mọi người xem như một cuộc "mộng du" theo trình tự thời gian từ canh một cho chí canh năm: "trải chiếu" (giăng đáy), "xét vú" (kiểm tra rốn đáy), "rà mồm" (rà soát lại miệng đáy), "cuốn chiếu," "rửa trôn" (kết thúc vật lộn trên một đêm sóng nước).
  30. Để
    Ruồng bỏ.
  31. Dụng cụ đánh bắt tôm cá, gồm có một lưới, bốn góc mắc vào bốn đầu gọng để kéo.

    Kéo vó

    Kéo vó

  32. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  33. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  34. Con thoi
    Bộ phận của khung cửi hay máy dệt, ở giữa phình to, hai đầu thon dần và nhọn (vì vậy có hình thoi), có lắp suốt để luồn sợi.

    Máy dệt và con thoi

    Máy dệt và con thoi

  35. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  36. Thức nhấp
    Thức ngủ, tỉnh giấc (từ cũ). Cũng viết là thức nhắp.
  37. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  38. Đồng âm với chữ "cam" trong "cam chịu."