Tìm kiếm "Bà Tơ"

Chú thích

  1. Chuyên tập nghiệp hằng: chăm chỉ học tập, rèn luyện.
  2. Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân
    Dịch nghĩa là “mưa không có khóa mà giữ được khách, sắc đẹp không phải sóng gió mà làm đắm người.” Tương truyền đây là đôi câu đối của thượng thư Đàm Thận Huy và học trò là Trạng Me Nguyễn Giản Thanh, tuy nhiên lại có tài liệu cho là của thầy học và Nguyễn Trãi. Cả hai giả thuyết đều kể học trò (Nguyễn Giản Thanh hoặc Nguyễn Trãi) được thầy khen nhưng tiên đoán là sẽ bị hại vì nhan sắc đàn bà.
  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  5. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  6. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  7. Bạc-lê
    Nói, phiên âm từ tiếng Pháp parler, .
  8. Măng-tơ
    Nói láo, phiên âm từ tiếng Pháp menter.
  9. Bá vơ
    Vu vơ, không đâu vào đâu (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  11. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  12. Chị của mẹ.
  13. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  14. Gạo ngữ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gạo ngữ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  15. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  16. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ

  17. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  18. Dưa vàng
    Một loại dưa cho quả lớn (có thể nặng đến 5kg), vỏ cứng màu xanh có nhiều gân trắng đan xen nhau như lưới (nên cũng gọi là dưa lưới ở miền Nam), ruột giòn, khi chín có màu vàng hoặc cam, ăn ngọt thanh.

    Quả dưa vàng

    Quả dưa vàng

  19. Dưa chuột
    Một giống dưa cho quả vỏ xanh, có nhiều nước, ăn rất mát. Dưa chuột còn là một vị thuốc dân gian, có tác dụng giảm đau, giảm rát họng, làm đẹp da. Ở miền Nam, giống dưa này được gọi là dưa leo.

    Dưa chuột

    Dưa chuột

  20. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  21. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  22. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  23. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  24. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  25. Xe kéo
    Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.

    Xe kéo

    Xe kéo

    Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
    Ông chồng thương đến cái xe tay

    (Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)

  26. Nghè
    Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

  27. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  28. Trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, chính phủ Pháp, vì đã đầu hàng Đức Quốc Xã, phải đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Đông Dương. Trong thời kì cai trị ở nước ta (1940 - 1945), các chính sách cai trị của quân đội Nhật đã khiến đời sống người dân thêm cơ cực, và đặc biệt góp phần gây nên nạn đói khủng khiếp từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 (nạn đói năm Ất Dậu), làm từ nửa triệu đến hai triệu người chết đói. Bài ca dao này có lẽ ra đời vào khoảng thời gian này.
  29. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  30. Bộ Binh
    Một trong sáu cơ quan hành chính thời phong kiến (lục bộ) tương đương với cấp bộ ngày nay. Bộ Binh giữ việc binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa, đồ nghi trượng, khí giới, giữ việc biên giới, lính thú, nhà trạm, phố xá, nơi hiểm yếu, việc khẩn cấp, tuyển dụng chức võ.
  31. Bộ Hộ
    Một trong sáu cơ quan hành chính thời phong kiến (lục bộ) tương đương với cấp bộ ngày nay. Bộ Hộ tùy theo triều đại mà giữ các việc ruộng đất, nhân khẩu, kho tàng, thu phát, bổng lộc, đồ cống nạp, thuế khoá, muối và sắt, chính sách điền thổ, hộ khẩu, tiền thóc, điều hòa nguồn của cải nhà nước. Đứng đầu bộ Hộ là Thượng thư bộ Hộ.
  32. Bộ Hình
    Một trong sáu cơ quan hành chính thời phong kiến (lục bộ) tương đương với cấp bộ ngày nay. Bộ Hình giữ việc luật lệnh, hình phạt án tù, ngục tụng và xét xử người phạm tội ngũ hình. Đứng đầu bộ Hình là Thượng thư bộ Hình.
  33. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  34. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  35. Chúa
    Chủ, vua.
  36. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  37. Giả
    Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
  38. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  39. Nguyễn Phúc Khoát
    Còn gọi là Chúa Vũ, Chúa Khoát, hay Võ Vương, Vũ Vương (1714-1765), vị chúa Nguyễn thứ 8 trong lịch sử nước ta. Ông được đánh giá là có công xây dựng Đô thành Phú Xuân (thế kỷ 18), hoàn thành công cuộc Nam tiến của người Việt (bắt đầu từ thế kỉ 11 và hoàn tất vào thế kỉ 18 để có toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay), và được xem là người có công khai sáng và định hình chiếc áo dài Việt Nam (theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhiều sử quan thuộc Quốc Sử Quán).

    Ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc thế ngôi chúa của cha năm 24 tuổi, ông lấy hiệu là Từ Tế Đạo Nhân (vì chuộng đạo Phật). Năm 1744, sau nhiều thành tựu đối nội, quần thần dân biểu tôn Chúa Vũ lên ngôi vương, tục gọi là Võ Vương. Năm Võ Vương mất (1765), ông được truy tôn là Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Ðế.

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

    Tiến trình Nam tiến của người Việt

  40. Nhà Đường (618 - 907) và nhà Ngu dưới thời vua Nghiêu (2337 TCN –2258 TCN) được coi là hai thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc.
  41. Kích nhưỡng khang cù
    Kích nhưỡngKhang cù là tên hai bài ca dao thời vua Nghiêu bên Trung Hoa. Kích nhưỡng khang cù chỉ cảnh thiên hạ thái bình, nhân dân vui chơi ca hát.
  42. Thái Sơn
    Một ngọn núi ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là một trong năm ngọn núi thiêng của Trung Quốc (gồm Hành Sơn, Hằng Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn). Núi Thái Sơn được xem là thiêng nhất trong năm ngọn núi này.

    Núi Thái Sơn

    Núi Thái Sơn

  43. Bàn thạch
    Đá tảng (từ Hán Việt).
  44. Hải thủy sơn man
    Những loài quái vật dưới nước và man di mọi rợ trên núi.
  45. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, tức năm Mậu Dần (1878).
  46. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  47. Ba huyện là Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa.
  48. Cháy háp
    Cháy một phần.
  49. Lúa nhồng
    Còn đọc là lúa nhộng, chỉ lúa trổ bông bị nghẽn không thoát ra gié lúa, giống như con nhộng còn trong tổ kén. Hiện tượng nhộng lúa thường xảy ra khi lúa sắp trổ gặp thời tiết hạn hán, khô nước.
  50. Cầu Đông
    Một cây cầu bắc qua con hào Sào Khê xuyên dọc kinh đô Hoa Lư và hiện tại là cửa ngõ phía đông vào khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Cầu Đông nằm trên đường cửa đông còn cầu Dền nằm gần cửa bắc, kẹp giữa chúng là chợ Cầu Đông với phố Chợ dài 500m.

    Chợ Cầu Đông ngày nay

    Chợ Cầu Đông ngày nay

  51. Có bản chép: phán.
  52. Vấn tổ tầm tông
    Hỏi những người cao tuổi có quan hệ huyết thống hay tra cứu từ những tộc phả, gia phả, lời di huấn, sách vở v.v. để tìm hiểu về gốc tích của một dòng họ.
  53. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  54. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  55. Áo bành tô
    Gốc từ tiếng Pháp paletot, loại áo khoác ngoài may theo kiểu phương Tây, bằng vải dày, tay dài, khuy áo to.

    Áo bành tô

    Áo bành tô

  56. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  57. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  58. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  59. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  60. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  61. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  62. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)