Tìm kiếm "cò xanh"

Chú thích

  1. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Con cò
    Con tem thư. Trước đây khi xâm lược nước ta, quân đội viễn chinh Pháp dùng tem thư trên có in hình con ó màu xanh, nhân dân ta gọi là con cò.

    Tem thư con cò

    Tem thư con cò

  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  6. Thạch bàn
    Phiến đá lớn, phẳng như cái mâm.
  7. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  8. Đương
    Đang (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Châu sa
    Nước mắt rơi. (Trong văn thơ, châu hay giọt châu thường được dùng với nghĩa giọt nước mắt.)

    Lòng đâu sẵn mối thương tâm
    Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa
    (Truyện Kiều)

  10. Một xanh cỏ, hai đỏ ngực
    Hoặc là chết ở chiến trường (xanh cỏ), hoặc là trở thành anh hùng sống sót trở về (ngực đỏ huân chương).
  11. Ông xanh
    Ông trời. Cũng nói cao xanh.
  12. Đầu xanh
    Chỉ người tuổi còn trẻ.

    Hay là thuở trước khách hồng nhan?
    Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
    Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
    Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
    (Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)

  13. Ngựa bạch
    Ngựa trắng.
  14. Rấp
    Chôn vùi đi không thấy nữa.
  15. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  16. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  17. Hồ
    Kĩ thuật làm cho sợi dệt hoặc vải thấm đều một lớp nước có pha lớp bột hoặc keo cho cứng.
  18. Quảng Bá
    Tên cũ là Quảng Bố, một làng cổ nằm ven đê sông Hồng và bên bờ Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quảng Bá nổi tiếng từ xưa với nghề trồng rau, trồng đào và các loại hoa Tết. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng các loại hoa đã bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa.
  19. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  20. Làng Cót
    Cũng gọi là kẻ Cót, tên Nôm của hai làng Yên Quyết là Thượng Yên Quyết ở phía Bắc và Hạ Yên Quyết ở phía Nam, đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Về sau làng Cót được lấy làm tên gọi cho làng Hạ Yên Quyết tức làng Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính.

    Nghề truyền thống của làng Cót là nghề làm vàng mã. Hiện nay, còn nhiều hộ gia đình tại làng Cót vẫn giữ nghề truyền thống này.

    Vàng mã ở làng Cót

    Vàng mã ở làng Cót

  21. Kim Lũ
    Một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà...
  22. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  23. Chèo
    Một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tiêu biểu của nước ta, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người sáng lập chèo là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10. Chèo dùng cách nói ví von luyến láy, thường có nội dung lấy từ các truyện cổ tích, truyện nôm, mô tả cuộc sống của người dân. Nhạc cụ được dùng trong chèo gồm đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, các loại trống, chũm chọe...

    Xem vở chèo Hề cu Sứt do nghệ sĩ Xuân Hinh trình diễn.

  24. Làng Khuốc
    Một làng nay là xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, cùng với với Hà Xá (Hưng Hà) và Sáo Diền (Vũ Thư) là những chiếng chèo nổi tiếng của Thái Bình. Những năm đầu thế kỷ thứ 19, có lúc trong làng có đến 15 gánh hát chèo. Chèo diễn quanh năm suốt tháng, không chỉ được biểu diễn ở trong làng mà gánh hát chèo còn đi đến các vùng miền khác biểu diễn phục vụ nhân dân. Trong tổng số 151 làn điệu và ca khúc chèo thì riêng các phường chèo Thái Bình đã chiếm 30 ca khúc và bốn kiểu hát nói. Trong số 155 nghệ sỹ chèo là người Thái Bình trong các đoàn chèo cả nước thì riêng làng Khuốc có 50 người.
  25. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  26. Rau thơm
    Tên chung dùng để chỉ các loại rau ăn được (có thể là rau, củ, quả thơm), được trồng hoặc hái từ tự nhiên, có mùi thơm đặc biệt tùy theo loại do các tinh dầu trong rau bay hơi tạo thành. Thơm còn là tên gọi tắt của người Hà Nội dành cho loại húng thơm mà nổi tiếng nhất là húng Láng.
  27. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  28. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm