Những bài ca dao - tục ngữ về "nước mắt":

  • Bạn có biết?

    Ta thường nghe Hà Nội có năm cửa ô, có lẽ là từ ca khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao: "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh vàng..." và các sáng tác thơ văn thế kỷ 20 lấy cảm hứng từ ngôi sao vàng năm cánh trên quốc kỳ Việt Nam. Tuy nhiên, theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 21 cửa ô. Bản đồ Tòa thành Hà Nội dựng năm 1831 có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức chỉ còn 15 cửa ô.

    Thời xưa, các cửa ô là cửa ra vào kinh thành, có cổng ba cửa, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ. Đến nay, chỉ sót lại duy nhất Ô Quan Chưởng là giữ được hình tích cũ. Các cửa ô còn lại chỉ còn là địa danh của một số phố phường.

    Có một bài ca dao nhắc đến năm cửa ô Hà Nội.

  • Nhà ai xay lúa ầm ầm

    Nhà ai xay lúa ầm ầm
    Cho xin nắm trấu về hầm bà gia
    Bà gia mới chết hôm qua
    Trong chay, ngoài bội tốn ba mươi đồng
    Không khóc thì tội bụng chồng,
    Khóc thì lạt lẽo như dưa hồng mắc mưa
    Ớ chị em ơi, cho tôi xin tí nước mắt thừa
    Tôi về tôi khóc tiễn đưa bà mẹ chồng
    Khóc rồi, tôi đổ xuống sông
    Cá mương, cá diếc, cá hồng ních no!

  • Tàu xúp lê một, còn trông còn đợi

    Tàu xúp lê một, còn trông còn đợi,
    Tàu xúp lê hai, còn đợi còn chờ,
    Tàu xúp lê ba, tàu ra biển Bắc
    Hai tay tôi vịn song sắt, nước mắt chảy ròng ròng
    Miệng kêu bớ chú tài công
    Khoan khoan, chậm chậm,
    Vợ chồng tôi thôi đành ngàn dặm cách phân.

    Dị bản

    • Tàu xúp lê một, còn than còn thở,
      Tàu xúp lê hai, còn đợi còn chờ,
      Tàu xúp lê ba, tàu ra biển Bắc…
      Hai tay tôi vịn song sắt, chắc lưỡi kêu trời,
      Ngỡi nhân đứng đó, nghẹn lời khó phân.

    • Xúp lê một, còn than còn thở,
      Xúp lê hai, nửa ở nửa về,
      Xúp lê ba, tàu ra biển Bắc,
      Tay vịn song sắt miệng chắc lưỡi kêu trời,
      Chồng Nam vợ Bắc sống đời đặng sao?

    • Tàu xúp lê một
      Em ơi anh còn trông còn đợi
      Tàu xúp lê hai
      Anh còn đợi còn chờ
      Tàu xúp lê ba
      Tàu ra biển Bắc
      Tay anh vịn song sắt nước mắt nhỏ từng hồi
      Trời ơi nhân nghĩa của tôi xa rồi
      Bướm xa tại nhụy, anh với em xa rồi cũng bởi tại ai?

    • Tàu xúp lê một em còn trông đợi
      Tàu xúp lê hai em còn đợi còn chờ
      Tàu xúp lê ba tàu ra biển
      Hai tay em vịn song sắt nước mắt nhỏ dòng
      Em kêu hỏi chú tài công
      Lấy khăn lông em chặm
      Đạo vợ chồng ngàn dặm em không quên.

  • Trời mưa răng rắc nước mắt chảy liên tu

    Trời mưa răng rắc, nước mắt chảy liên tu
    Rượu cầm tay uống giải sầu tư
    Kiếp này không đặng, đi tu cho rồi!

    Dị bản

    • Ông trời mưa răng rắc, nước mắt chảy lưu liên
      Rượu cầm tay uống giải buồn phiền
      Kiếp này không gặp anh nguyền kiếp sau.

  • Ai làm cá bóng đi tu

    Ai làm cá bóng đi tu,
    Ai làm nước mắt cá thu buồn rầu.
    Phải chi ngoài biển có cầu,
    Em ra em vớt đoạn sầu cho anh.

    Dị bản

    • Cá bóng đi tu,
      Cá thu nó khóc,
      Cá lóc nó sầu,
      Phải chi ngoài biển có cầu,
      Anh ra đến đó giải sầu cho vui.

    • Cá bóng đi tu,
      Cá thu nó khóc,
      Cá lóc nó rầu,
      Cành đào lá liễu phất phơ,
      Lấy ai thì lấy, đợi chờ uổng công.

    • Cá bóng đi tu,
      Cá thu nó khóc,
      Cá lóc nó rầu,
      Phải chi anh có phép màu,
      Hóa ra con cá trắng lội hầu bên em.

    • Cá bóng đi tu,
      Cá thu nó khóc
      Cá lóc nó rầu,
      Lụy rơi hột hột, cơ cầu lắm em

Chú thích

  1. Trấu
    Lớp vỏ cứng đã tách ra của hạt thóc.

    Trấu

    Trấu

  2. Hầm
    Nấu chín kĩ. Ở miền Bắc, những món hầm được gọi là món ninh.
  3. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  4. Trong chay ngoài bội
    Những đám lễ lớn, bên trong làm cỗ chay, bên ngoài dựng rạp mời đoàn hát bội. Cụm từ "trong chay ngoài bội" chỉ những cảnh bận bịu rộn ràng.

    Hát bội

    Hát bội

  5. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  6. Dưa hồng thường được trồng vào mùa nắng, trời càng nắng quả dưa chín càng ngọt. Nếu gặp trời mưa thì vị dưa sẽ nhạt.
  7. Cá mương
    Một loại cá sông, thân dài khoảng 10 đến 15 cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn, thường được đánh bắt để làm các món nướng, canh chua...

    Cá mương nướng

    Cá mương nướng

  8. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  9. Có bản chép: cá liệt.
  10. Cá hồng
    Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.

    Cá hồng biển

    Cá hồng biển

  11. Xúp lê
    Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
  12. Tàu kéo ba hồi còi cách nhau. Hồi một là chuẩn bị. Hồi hai là thúc giục khách lên tàu. Hồi ba là lúc nhổ neo.
  13. Tài công
    Người phụ trách lái tàu, thuyền chạy bằng máy. Từ này có gốc từ giọng Quảng Đông của "tải công."
  14. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  15. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  16. Liên tu
    Tua nhị của hoa sen, ý nói "không ngừng", lấy từ thành ngữ Liên tu bất tận (tuôn ra không dứt như tua sen).
  17. Sầu tư
    Nỗi buồn riêng.
  18. Có bản chép cá bống, đều cùng một nghĩa.
  19. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  20. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  21. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  22. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  23. Cơ cầu
    Khổ cực, thiếu thốn.
  24. Trong hát bài chòi, bài này dùng để báo con Sáu Hột hoặc Bảy Hột.