Lại đây anh nói câu này
Cưới em nhà ngói anh xây ba toà
Trong nhà anh lót đá hoa
Chân táng đồng bạch, lợp nhà tiền trinh
Cửa bức bàn anh lồng kính thủy tinh
Hai bên bức thuận tứ linh rồng chầu
Nhà anh kín trước rào sau
Tường xây bốn mặt, hào sâu rõ ràng
Trong rương vóc nhiễu nghênh ngang
Nhiễu điều lót áo, cho nàng đi chơi
Áo dài sắm đủ mười đôi
Chăn hoa đệm gấm tiện nghi trên giường
Nếu mà nàng có lòng thương
Thì anh lại đóng cái giường gỗ lim
Những bài ca dao - tục ngữ về "nói dóc":
-
-
Vè nói trạng
Láo thiên láo địa,
Láo từ ngoài Sịa láo vô
Ngồi buồn nói chuyện láo thiên:
Lúc nhỏ tôi có đi khiêng ông Trời
Ra đồng thấy muỗi bắt dơi,
Bọ hung làm giỗ có mời ông voi
Nhà tôi có một củ khoai,
Xắt ra bảy thúng hẳn hòi còn dư
Nhà tôi có một củ từ,
Bới lên một củ nó hư cả vườn.
Tôi vừa câu được con lươn
Cái thịt làm chả, cái xương đẽo chày
Nhà tôi có một cối xay
Đầu cong bịt bạc, đầu ngay bịt vàng …
Chú thích
-
- Đá hoa
- Còn gọi là cẩm thạch, một loại đá có giá trị cao, thường dùng để tạc tượng hoặc các vật trang trí trong nhà.
-
- Đồng bạch
- Cũng gọi là đồng thòa, hợp kim của đồng với niken, gọi như vậy vì có màu trắng bạc lấp lánh thay vì màu đỏ thông thường của đồng. Đồng bạch thường được dùng để đúc, tiện những vật trang trí tinh xảo.
-
- Tiền trinh
- Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.
... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
Túi bên trái: bốn đồng trinh.
- À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.
(Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)
-
- Bức bàn
- Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.
-
- Bức thuận
- Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
-
- Vóc
- Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
-
- Nhiễu
- Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
-
- Sịa
- Một địa danh nay là tên thị trấn của huyện Quảng Điền nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Về tên Sịa, có một số giả thuyết:
- Sịa là cách đọc trại của sỉa, cũng như sẩy (trong sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
- Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
- Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy.
-
- Láo thiên
- Tương tự "láo địa", cùng nghĩa là nói tào lao, nói dóc trên trời dưới đất
-
- Bọ hung
- Một loài bọ cánh cứng ăn phân, đầu có râu và sừng cứng chắc, ngực gắn 6 chân.
-
- Khoai từ
- Loại khoai thuộc họ củ nâu. Ở Việt Nam, loại có gai phân bố ở Phú Quốc, loại không gai phân bố rộng rãi, ngoài ra còn có củ từ nước mọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khoai từ thường dùng làm lương thực, thực phẩm và là một vị thuốc với nhiều công dụng.
-
- Lươn
- Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.
Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...
-
- Chày giã gạo
- Ngày xưa người ta giã gạo trong cối, dùng chày. Chày là một cây gỗ cứng, nặng, đầu nhẵn, phần giữa thuôn nhỏ (gọi là cổ chày).
-
- Cối xay
- Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.