Thân trách thân, thân sao lận đận
Mình trách mình số phận hẩm hiu
Bởi thân tui cực khổ tui eo nghèo
Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi
Em ơi chứ bây giờ em ở kìa nơi đâu
Để cho anh trông đứng trông ngồi canh khuya
Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua
Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang
Bây giờ em không ngó nữa em không ngàng
Đến chồng nghèo cực khổ gian nan cơ hàn
Hồi nào em thất nghiệp em đi lang thang
Anh thấy em nữa tội nghiệp, anh di mang anh nuôi rày
Hồi nào em bán nước đá rồi anh đi may
Hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau
Hồi nào em bắt ốc rồi anh hái rau
Bây giờ em để lại mối sầu cho qua
Hồi nào trái chuối chín cũng cắn làm ba
Trái cam tươi cũng cắn làm bốn
Nửa trái cà cũng cắn làm năm
Bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm
Bỏ qua hiu quạnh năm canh qua một mình
Anh bây giờ, khóe mắt sầu cứ rung rinh
Giọt lệ sầu, giọt lệ thảm như nước trong bình nó tuôn ra
Anh bây giờ như con cuốc nó kêu tù oa
Nó lẻ đôi, nó lẻ bạn, quớ chu choa ơi là buồn.
Những bài ca dao - tục ngữ về "mực nang":
-
-
Nghe tin lệnh rút ra Hàn
Nghe tin lệnh rút ra Hàn
Thiếp gửi cho chàng một cục đường rim
Một tiềm đường cát
Một bát thuốc khô
Một tờ giấy quyến
Một liễn trầu nguồn
Một buồng cau lửa
Một chục mực nang
Thiếp gửi cho chàng năm quan phí lộ
Một chục giạ đỗ
Bốn giạ mè đen
Một hũ đường phèn
Để chàng ăn cháo
Một ngày là đạo
Bốn nghĩa tình thâm
Chàng có ra đi đặng chữ sắt cầm
Chàng ơi cũng nhớ tình thâm nghĩa dày.
Chú thích
-
- Nậu
- Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
-
- Phú Lễ
- Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Thành, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
-
- Mũi Đại Lãnh
- Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.
-
- Mực nang
- Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.
-
- Cơ hàn
- Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.
Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!
(Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Chu choa
- Cũng viết là chu cha, thán từ người miền Trung thường dùng để bộc lộ sự ngạc nhiên, sợ hãi, vui vẻ...
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Đường thắng
- Cũng gọi là kẹo đắng hoặc nước hàng, ở miền Trung gọi là đường rim, loại đường được tạo thành bằng cách cho đường hoa mơ hoặc đường đỏ được vào nồi, đun cho tan chảy, cho thêm một chút nước đun cho quánh lại. Đường rim có thể được cô thành cục, dùng để kho thịt, cá nhằm tạo màu hoặc làm gia vị.
-
- Tiềm
- Đồ đựng bằng sành sứ giống như cái nồi nhỏ, có nắp, dùng đựng cơm, thức ăn.
-
- Thuốc rê
- Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.
-
- Giấy quyến
- Loại giấy rất mỏng dùng để quấn thuốc lá hút.
-
- Liễn
- Đồ bằng sành hoặc sứ dùng để đựng đồ ăn thức uống, thường có nắp đậy.
-
- Trầu nguồn
- Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
-
- Lộ phí
- Tiền đi đường (từ Hán Việt).
-
- Giạ
- Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.
-
- Đường phèn
- Loại đường làm từ mía (như đường cát bình thường) nhưng công đoạn chế biến phức tạp hơn. Người ta làm đường phèn bằng cách nấu sôi đường cát với trứng gà và nước vôi, hớt bọt rồi thả những cái đũa có buộc các búi chỉ vào, để khô thành những cục đường kết tinh trong suốt gọi là đường phèn. Đường phèn có vị thanh và dịu hơn đường cát. Vì nhìn giống đá băng nên đường phèn còn có tên là băng đường.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Sắt cầm
- Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.
Chàng dù nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ
(Truyện Kiều)