Những bài ca dao - tục ngữ về "Mộ Đức":

  • Chim mía Xuân Phổ

    Chim mía Xuân Phổ
    Cá bống sông Trà
    Kẹo gương Thu Xà
    Mạch nha Mộ Đức

    Dị bản

    • Chim mía Xuân Phổ
      Cá bống sông Trà
      Kẹo gương Thu Xà
      Mạch nha Thi Phổ.

    • Chim mía Xuân Phổ
      Cá bống sông Trà
      Kẹo gương Thu Xà
      Mạch nha Đồng Cát

  • Bạn có biết?

    Trần Khánh Dư là danh tướng nước ta. Ông dòng dõi tôn thất nhà Trần nên được phong tước Nhân Huệ vương, được Thượng hoàng Trần Thánh Tông yêu quý nhận làm con nuôi. Cuộc đời Trần Khánh Dư trải qua nhiều thăng trầm: Làm võ tướng được thăng tới Phó đô tướng quân; lại có thời gian phạm tội, bị truất hết chức tước và tịch thu sản nghiệp, phải về quê ở Chí Linh làm nghề bán than. Sau được phục chức, ông góp công rất lớn trong cuộc chiến chống giặc Nguyên-Mông lần thứ ba. Dân gian có truyền tụng câu ca dao về những ngày bĩ cực của ông ở Chí Linh.

Chú thích

  1. Chim mía
    Một loài chim nhỏ hơn chim sẻ một ít, bộ lông màu lá úa, sống thành từng đàn trong những ruộng mía, mỗi đàn đông tới cả ngàn con. Nhân dân ta bắt chim mía bằng cách căng luới trên ruộng mía rồi dùng sào dài đập vào lá mía để đánh động, chim sẽ bay mắc vào lưới. Chim mía nướng hoặc quay tại chỗ là một đặc sản của vùng đất Quảng Ngãi và Bình Định.

    Chim mía

    Chim mía

  2. Xuân Phổ
    Tên một làng thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
  3. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  4. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  5. Kẹo gương
    Một loại kẹo đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi, làm từ đường cát, mạch nha, đậu phộng và mè, có vị thơm ngọt. Có tên gọi như vậy, có lẽ vì kẹo có vỏ mỏng, màu vàng trong suốt, óng ánh như gương.

    Kẹo gương

    Kẹo gương

  6. Thu Xà
    Một địa danh nay thuộc thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Phố Thu Xà trước đây là một trung tâm buôn bán sầm uất, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi xưa kia. Đây chính là quê hương của Bích Khê, thi sĩ nổi tiếng thuộc phong trào Thơ Mới.
  7. Mạch nha
    Loại mật dẻo được sản xuất chủ yếu từ mầm của lúa mạch, có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Đây là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Bắc, làng An Phú, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là làng nghề nấu mạch nha truyền thống.

    Một bát mạch nha

    Một bát mạch nha

  8. Mộ Đức
    Một huyện đồng bằng nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Quảng Ngãi.
  9. Thi Phổ
    Tên một làng nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có nghề làm mạch nha truyền thống nổi tiếng cả nước.
  10. Đồng Cát
    Tên chợ trung tâm của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.