Xa nhau cách mấy con trăng
Đêm nằm lơ lửng, uống ăn không thường
Không biết ai tôi nhắn với người thương
Nhắn anh dầu phụng Quán Rường mới ra
Nhắn bạn hàng Phong Thử, Hà Nha
Nhắn người Vĩnh Điện, La Qua xưa rày
Nhắn người quen biết xưa nay
Nhắn ông đi cuốc đi cày cũng không
Chợ chiều tôi nhắn chị hàng bông
Nhắn cô gánh nước, nhắn ông đưa đò
Nhắn người chuyển miệng giùm cho
Nhắn người cắt cỏ, giữ bò giữ trâu
Nhắn ông đi úp sông sâu
Nhắn ông bủa lưới giăng câu dọc gành
Nhắn người đốn củi rừng xanh
Nhắn cô bán cá, nhắn anh bán trầu
Nhắn người ở dưới Câu Lâu
Nhắn cô bán vải ở cầu Bình Long …
Những bài ca dao - tục ngữ về "Bình Long":
-
-
Vè giết đốc phủ Ca
Giáp Thân đã mãn
Ất Dậu tấn lai
Chánh ngoạt sơ khai
Bình yên phước thọ
Nhựt nguyệt soi tỏ
Nam chiếu phúc bồn
Tục danh Hóc Môn
Xứ Bình Long huyện
Hà do khởi chuyện?
Hà sự hàm mai?
Tích ác bởi ai?
Giết quan rửa hận …
Chú thích
-
- Con trăng
- Một chu kì của mặt trăng xoay quanh trái đất, tức một tháng âm lịch.
-
- Quán Rường
- Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
-
- Phong Thử
- Địa danh nay thuộc xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Phong Thử nằm ở ven sông Thu Bồn, đất đai tuy nhiều nhưng ruộng lúa nước tương đối ít, vì vậy người dân xưa kia sống chủ yếu bằng nghề trồng bông, nuôi tằm dệt vải và làm nghề buôn bán nhỏ.
-
- Hà Nha
- Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.
-
- Vĩnh Điện
- Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- La Qua
- Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Nơm
- Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.
-
- Bủa
- Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
-
- Câu Lâu
- Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.
Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.
Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."
-
- Mãn
- Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
-
- Tấn lai
- Bước đến.
-
- Chánh ngoạt
- Cách đọc trại của chính nguyệt (tháng đầu năm âm lịch, tháng Giêng).
-
- Nhật nguyệt
- Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.
Mai sau dầu đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần
(Truyện Kiều)
-
- Nam chiếu phúc bồn
- Chậu úp khó mà soi thấu.
-
- Hóc Môn
- Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
-
- Bình Long
- Tên của huyện Hóc Môn dưới thời nhà Nguyễn.
-
- Hà do
- Tại sao.
-
- Hàm mai
- Cái thẻ khớp miệng ngựa cho nó không hí lên được. Ý nói sự chèn ép, bụm miệng dân chúng của thực dân.