Những bài ca dao - tục ngữ về "bán nước":

  • Vè chửi Pháp và vua quan

    Tổ cha thằng bố cu gồ
    Làm cho tao phải dọn đồ xuống ao
    Giường thờ thì ngâm xuống ao
    Lại bắt ông vải chui vào bụi năn
    Vợ chồng nói chuyện thì thầm
    Đêm ngày cắp bị ra nằm cồn Me
    Nằm thì lắng tai mà nghe
    Nó đang đốt ở ngoài nghè Phú Vinh
    Súng thì nó bắn ình ình
    Mẹ con giật mình lại phải chạy xa
    Sớm mai nó đốt Mỹ Đà
    Cửa nhà tan nát, vại cà sạch không
    Bấy giờ vợ mới biểu chồng
    “Thôi thôi ta phải dốc lòng xin đi”
    Chồng thì nó bắt cu li
    Vợ thì mặt bủng da chì mà lo
    Chẳng qua đến lúc mạt đồ
    Nước Nam có đám sao cờ mọc ra
    Triều đình bảy vía còn ba
    Quân Tây vừa dọa đái ra đầy quần
    Cho nên mới khổ đến dân
    Tổ tiên cũng bị muôn phần lao đao.

  • Vè chửi Thượng Bắc

    Văn thân kéo giữa ban ngày,
    Bắt ông Thượng Bắc đi đày ở đâu?
    Tiếc ngài có một bộ râu,
    Để cho bà lớn ăn sầu lo toan.
    Ngày thường độc ác gian ngoan,
    Giờ bà kêu khóc lạy van dân lành.
    Bởi chưng ngài muốn giàu sang,
    Theo Tây hại nước hại làng hại dân
    Đạo trời nổi nghĩa Văn thân,
    Giết quân phản tặc vinh thân hại nòi!
    Đao gươm vây kín trong ngoài,
    Gia nhân ngài Thượng rụng rời thất kinh.
    Thân hào đốt cháy tư dinh,
    Đập gãy ghế bành, tràng kỷ, án thư
    Phá hết của nả riêng tư,
    Xé tan cả bộ kinh Thư phẩm màu

Chú thích

  1. Từ dùng để chửi thực dân Pháp (mũi lõ, mũi gồ).
  2. Ông vải
    Ông bà (từ Nôm cổ).
  3. Năn
    Cũng viết là năng, còn gọi là mã thầy, một loại cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước. Phần củ ăn được, lá được dùng làm vị thuốc.

    Củ năn (năng)

    Củ năn (năng)

  4. Cồn Me
    Địa danh thuộc thôn Đông Lạc, xã Hoàng Trạch, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  5. Nghè
    Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

  6. Phú Vinh
    Một làng thuộc xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  7. Mỹ Đà
    Cũng gọi là làng Mỹ hay kẻ Mỹ, một làng thuộc xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Xã này nay là một phường trực thuộc thành phố Thanh Hóa.
  8. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  9. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  11. Mạt đồ
    Cùng đường (từ Hán Việt). Mạt: cuối cùng, ngọn. Đồ: Đường lối.
  12. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  13. Ba hồn chín vía
    Quan niệm dân gian cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai vía ở lỗ vú và lỗ sinh dục để đẻ và nuôi con.
  14. Văn thân
    Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
  15. Thượng Bắc
    Người Thanh Hóa, làm tay sai đắc lực cho Pháp.
  16. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  17. Án thư
    Bàn thời xưa dùng để sách vở bút nghiên trên đó.
  18. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.