Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  2. Cam
    Bằng lòng chịu vì cho là không thể nào khác được.
  3. Chàm
    Màu xanh gần với xanh lam và tím. Có một loại cây tên là cây chàm, được dùng để chế thuốc nhuộm màu chàm, được sử dụng để nhuộm vải. Thuốc nhuộm màu chàm cũng gọi là chàm. Việc nhuộm vải màu chàm cũng gọi là nhuộm chàm.

    Nhuộm chàm

    Nhuộm chàm

  4. Chi tử vu quy
    Người con gái về nhà chồng. Lấy từ Kinh Thi:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Dịch thơ:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    (Tạ Quang Phát dịch)

  5. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  6. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  7. Giỏ cá
    Đồ đựng cá được đan bằng tre, giữa hơi thắt lại, trong miệng có hom để cá không chui ra ngoài được.

    Giỏ cá

    Giỏ cá

  8. Hom
    Cũng gọi là hơm, phần chóp hai đầu của lờ đánh cá, thuôn về bên trong, để cá chỉ có thể chui vào chứ không chui ra được.
  9. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  10. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  11. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.
  12. Chân chữ bát
    Chân đi khuỳnh ra hai bên như chữ bát 八, dân gian còn gọi là đi "chàng hảng."
  13. Thiên
    Trời (từ Hán Việt).

    Thiên trời địa đất
    Cử cất tồn còn

    (Tam thiên tự - soạn giả Đoàn Trung Còn)

  14. Có bản chép: ngưỡng thiên.
  15. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  16. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  17. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  18. Phướn
    Cũng gọi là phiến hoặc phan, một loại cờ của nhà chùa, thường treo dọc, hình dải hẹp, phần cuối xẻ như đuôi cá.

    Phướn

    Phướn

  19. Nhà chay
    Còn gọi là trai đường, là khu vực nhà ăn trong chùa, nơi các nhà sư dùng bữa.
  20. Công tử bột
    Trong tác phẩm Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam cho rằng thành ngữ Công tử bột có nguồn gốc từ một nhân vật trong hát bội tên là Hoa Bột, Ba Bột: "Hoặc hát khách thằng Bột: rượu bọt ngon, con gái tốt đẹp, xang xang xang cống xang xê cống cống xang xê. Hoa Bột, Ba Bột là tên của nhân vật xấu gần như vai hề, tính tình kiêu hãnh trong tuồng hát bội (nay hãy còn gọi là công tử bột). Trong Kim Thạch Kì Duyên của Thủ Khoa Nghĩa có bài hát thằng Bột: Cậu Ái Lang chữ đặt, cha tri phủ giàu sang, như nhà cụ: cửa nhà chớn chở bạc vàng, hầu thiếp nhởn nhơ điếu đỏ. Nói chi bạn hàng cũ, nuốn con gái nguyên. Cậu chơi hoài hoài, thiên hoàng thiến chi hoang, sướng đế sướng đê chí sướng…"

    Ngày nay thành ngữ này dùng để chỉ những công tử, cậu ấm con nhà giàu, không biết làm việc gì, chỉ biết chơi (hoặc học).

  21. Sơn Trà
    Tên một bán đảo nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là tên một ngọn núi thuộc khu vực này.

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

  22. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  23. Cật
    Phần ngoài, nơi cứng nhất của thân tre trúc.
  24. Nia
    Dụng cụ đan bằng tre, hình tròn, có vành, rất nông, dùng để đựng và phơi nông sản (gạo, lúa)...

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  25. Đách
    Từ thông tục, vốn nghĩa chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, thường được dùng để phủ định (cũng như đếch).
  26. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  27. Khương Thượng
    Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.

    Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

  28. Có bản chép: cầu Non Tiên (không rõ là cầu gì).
  29. Bồ hóng
    Bụi than đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp, đáy nồi... trong quá trình nấu nướng.
  30. Ghẻ
    Loại bệnh do ký sinh trùng đào hang rãnh trên da làm ngứa ngáy khó chịu và nhiễm trùng. Người ta biết bệnh ghẻ từ thế kỷ thứ 16 nhưng mãi đến năm 1934 mới tìm được ký sinh trùng gây bệnh ghẻ ở người. Bệnh ghẻ mang tính chất lây truyền và thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, hay thành dịch khi có chiến tranh, đợt di dân, sau hội hè, các trại giam...
  31. Lương Điền
    Làng cổ được thành lập từ thế kỉ 15, thuộc xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xưa làng tên Kẻ Lạng, tên chữ là Lương Phúc, sau vì kị húy (vua chúa nhà Nguyễn có họ là Nguyễn Phúc) nên đổi thành Lương Điền.

    Cây phong lưu trước đình làng Lương Điền, bên dòng sông Ô Lâu

    Cây phong lưu trước đình làng Lương Điền, bên dòng sông Ô Lâu

  32. Măng
    Thân tre, trúc khi vừa nhú lên khỏi mặt đất, còn non, ăn được.

    Măng tre

    Măng tre