Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trăng mờ vì có nhiều hơi nước trong không khí, báo hiệu sắp có mưa, tốt cho lúa nỏ (lúa ở ruộng cao, khô). Ngược lại, trăng tỏ nghĩa là trời nắng, không mưa, cấy lúa ở ruộng sâu không sợ lụt lội.
  2. Cỏ may
    Một loại cỏ thân cao, có nhiều hoa nhỏ thành chùm màu tím sậm, hay gãy và mắc vào quần áo (có lẽ vì vậy mà thành tên cỏ may). Cỏ may xuất hiện rất nhiều trong văn thơ nhạc họa.

    Hồn anh như hoa cỏ may
    Một chiều cả gió bám đầy áo em

    (Hoa cỏ may - Nguyễn Bính)

    Cỏ may

    Cỏ may

  3. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  4. Bát tiết
    Tám trong số hai mươi bốn tiết khí theo cách tính lịch của Trung Quốc và các nước ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Tám tiết này đánh dấu những thời điểm quan trọng đối với nhà nông, đó là: lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí. Cách nói tứ thời bát tiết (bốn mùa, tám tiết) chỉ trạng thái luôn luôn, quanh năm.

    Tứ thời, bát tiết canh chung thủy
    Ngạn liễu, đôi bồ dục điểm trang

    (Đôi câu đối của cụ Nguyễn Khuyến viết tặng anh hàng thịt).

  5. Theo kinh nghiệm dân gian, thời điểm động dục của chó là mùa thu, trâu thì mùa hè, còn người thì... quanh năm.
  6. Có bản chép: chờ lời chàng phân.
  7. Tầm vông
    Một loài cây thuộc họ tre, có khả năng chịu khô hạn khá tốt, ưa ánh sáng dồi dào. Thân cây gần như đặc ruột và rất cứng, không gai, thường dùng trong xây dựng, sản xuất chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loài tre khác, do độ bền cao, đặc biệt là khả năng dễ uốn cong nên tầm vông còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

    Bụi tầm vông

    Bụi tầm vông

  8. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  9. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  10. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  11. Phố Dương
    Một huyện cổ thuộc quận Cửu Đức (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Đời Tấn Vũ Đế tách lập huyện Phố Dương thành hai làng là Phố Châu và Phúc Dương, nay thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  12. Kẻ Quát
    Một làng nằm về phía tả ngạn sông Ngàn Phố, thuộc địa phận xã Sơn Giang huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  13. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  15. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  16. Đinh ninh
    Nói đi nói lại, dặn đi dặn lại cặn kẽ để nhớ kỹ.

    Vầng trăng vằng vặc giữa trời
    Đinh ninh hai mặt một lời song song

    (Truyện Kiều)

  17. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Chĩnh
    Đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, miệng hơi thu lại, đáy thót, nhỏ hơn chum. Xem thêm Cái chum
  19. An Giang
    Tỉnh đông dân nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáp với các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và biên giới Campuchia, hai tỉnh lị là Long Xuyên và Châu Đốc. Đất An Giang màu mỡ, nhiều phù sa và khoáng sản, lại có lắm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh như lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, núi Sam, Thất Sơn, rừng tràm Trà Sư...

    Cảnh đẹp rừng tràm Trà Sư

    Cảnh đẹp rừng tràm Trà Sư

  20. Mèo vá
    Mèo có những mảng lông trắng xen xen kẽ trông như miếng vá.

    Mèo vá

    Mèo vá

  21. Cá linh
    Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.

    Cá linh

    Cá linh