Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  3. Tráp
    Đồ dùng hình hộp nhỏ bằng gỗ, thời trước dùng để đựng các vật nhỏ hay giấy tờ, trầu cau. Ở miền Trung, từ này cũng được phát âm thành trắp.

    Cái tráp

    Cái tráp

  4. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  5. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  6. Nhà pha
    Nhà tù (từ cũ). Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Pháp bagne, nghĩa là giam cầm.
  7. Phan Trần
    Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
  8. Câu ca dao là lời răn của các nhà Nho nghiêm khắc, nhắc nhở mọi người không nên theo lối sống trong truyện Phan Trần và Truyện Kiều mà các vị cho là buông tuồng, vượt ngoài vòng lễ giáo phong kiến. Nguyễn Công Trứ đã từng mắng Kiều rất nặng:

    Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
    Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!
    Bán mình trong bấy nhiêu năm
    Đố đem chữ "Hiếu" mà lầm được ai.

    (Vịnh Thúy Kiều)

  9. Lắm quan xã Hạ, lắm vạ xã Trung, lắm anh hùng xã Thượng
    Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: Xã Hạ (Quần Phương hạ, thuộc Hải Hậu, Nam Định ngày nay) có mấy vị quan thi đỗ, xã Thượng có lắm cường hào, còn xã Trung thì hay bới móc vu cáo kiện tụng nhau sinh ra lắm tai vạ do quan sở tại sách nhiễu.
  10. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  11. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  12. Cheo cheo
    Gọi tắt là cheo, một loài thú giống hoẵng và hươu nhưng nhỏ hơn nhiều, toàn thân phủ lông màu nâu đỏ, vùng ngực và dưới bụng có ba vệt lông trắng song song với thân, lông mịn, ngắn và bóng mượt.

    Cheo

    Cheo

  13. Cố cùng
    Lúc cùng khốn. Luận ngữ: Vệ Linh Công nói: "Tiểu nhân cùng tư lạm hỹ" (kẻ tiểu nhân gặp lúc cùng khốn thì làm bậy, làm càn).
  14. Cò ma
    Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.

    Cò ma

    Cò ma

  15. Cà rà
    Loanh quanh, nấn ná bên cạnh (phương ngữ Trung Bộ).
  16. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  17. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  18. Lọc lừa
    Chọn đi lọc lại (cũng nói là "lừa lọc", trong đó "lừa" do từ "lựa" đọc trại đi).

    Bây giờ gương vỡ lại lành,
    Khuôn thiêng lừa lọc, đã đành có nơi.

    (Truyện Kiều)

  19. Giọt châu
    Giọt lệ, giọt nước mắt.
  20. Có người hiểu câu thành ngữ này với ý chê trách (làm việc thì vụng về, chỉ giỏi chống chế, biện bạch), nhưng theo Lê Giang trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: Khi dùng chèo mà chèo cho thuyền đi tới thì dở và vụng về làm thuyền không đi được như ý, nhưng khi thuyền bị đâm ngang sắp húc vào bờ mà mắc kẹt thì lại biết khéo léo dùng cây sào chống cho thuyền quay mũi trở ra. Ý câu thành ngữ: Làm công việc bình thường thì không hay nhưng lại giỏi chỉ huy, dẫn dắt.
  21. Quản
    Người Nam Bộ đọc là quyển, một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu.
  22. Thiệt
    Thật (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ này được đọc trại ra như vậy do kị húy bà vương phi Lê Thị Hoa (được vua Gia Long đặt tên là Thật).
  23. Nuôi ong tay áo
    Ong tay áo là một loại ong màu đen rất quen thuộc với những người dân ở các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên... Tổ ong buông thụng xuống như hình dáng ống tay áo nên mới được gọi như vậy. Khi ong tay áo không tìm được chỗ làm tổ trên cây, chúng thường chọn những cột gỗ ngoài hiên, ngoài hè để làm tổ. Theo quan niệm xưa, loại ong này làm tổ trong nhà thường mang đến những điều không may mắn cho gia chủ, đồng thời có thể tấn công chủ nhà, vì vậy người ta thường hun khói để xua đuổi chúng.
  24. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  25. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  26. Nhật nguyệt tuy minh, nan chiếu phúc bồn chi hạ
    Mặt trăng và mặt trời tuy sáng cũng khó soi thấu được dưới cái lòng chậu úp.
  27. Thủ lễ
    Giữ lễ phép. Nghiêng mình thủ lễ tức là nghiêng mình chào cung kính, giữ phép tắc.