Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chắc Cà Đao
    Tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Có hai giải thích về địa danh này:

    1. Theo nhà văn Sơn Nam, Chắc Cà Đao là do chữ Prek Pédao (Prek: rạch; Pédao: một loại dây mây), nghĩa là con rạch có nhiều dây mây.

    2. Theo ông Nguyễn Văn Đính, địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khmer chắp kdam (bắt cua) mà ra vì vùng này xưa kia có nhiều cua. Học giả Vương Hồng Sển cho rằng cách giải thích này có lí hơn.

  2. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  3. Ông Trượng - Tiên Bửu
    Tên một truyện thơ có nội dung xoay quanh hai nhân vật là ông Trượng - một lão già đã bảy mươi tuổi, và Tiên Bửu - một cô gái chèo đò tuổi vừa đôi tám. Bị lão già ve vãn, Tiên Bửu bực mình lắm, bèn chỉ chảo nước sôi, bảo lão chui vào đó để lột da thành trai trẻ đẹp, cốt ý muốn giết chết lão. Không ngờ lão không chết mà lại hóa thành chàng trai trẻ đẹp thật, làm điên đảo tâm hồn Tiên Bửu. Cô nàng trở lại theo ve vãn ông Trượng, nhưng ông Trượng -thật ra là một vị Tiên đội lốt xuống trần để thử lòng Tiên Bửu - đã bỏ cô lại mà bay về trời.

    Truyện thơ Ông Trượng - Tiên Bửu rất nổi tiếng ở miền Nam ngày trước, đã được nhân dân chuyển thể thành hò, cải lương...

    Xem một trích đoạn vọng cổ hài Ông Trượng - Tiên Bửu tại đây.

  4. Giang tân
    Bến sông (từ Hán Việt).
  5. Cho ngày nay, cho ngày mai, cho hai ngày sau
    Nhại khẩu hiệu "Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau," mô tả tình trạng chạy ăn từng bữa dưới thời bao cấp.
  6. Cầy
    Tên chung của một số loài thú giống mèo, thân hình mềm mại, mõm dài và nhọn, chủ yếu sống ở trên cây, ăn thịt. Cầy có khả năng tiết ra mùi riêng rất mạnh, tùy theo loài mà mùi có thể hôi hoặc thơm. Ở nước ta có các giống cầy như cầy hương, cầy mực, cầy giông... Lưu ý: nhiều người vẫn gọi chó là cầy và thịt chó là thịt cầy, đây là một sự nhầm lẫn.

    Con cầy

    Con cầy

  7. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  8. Sợi mắc
    Sợi tơ chính, được mắc dọc theo khung cửi dệt lụa. Khi dệt, tơ mành được luồn ngang kéo bằng con thoi giữa hai hàng sợi mắc. Vì thường bị kéo căng, sợi mắc phải chắc chắn hơn và thường to hơn sợi mành.
  9. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  10. Nốt son
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nốt son, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  11. Nốt cục
    Nốt rối thường có trên những sợi tơ tằm to, sần. Những sợi tơ có nốt cục không thể dùng để dệt lụa, mà lại dành để dệt quai thao cho nón.
  12. Triều Khúc
    Còn có tên là Cầu Đơ, Kẻ Đơ, hay Đơ Thao, là một ngôi làng cổ nay thuộc xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Kẻ Đơ nổi tiếng với nghề dệt quai thao cho nón từ lâu đời. Trong làng có hai ngôi đình thờ Phùng Hưng, được dựng từ thế kỷ 17 với quy mô kiến trúc khá bề thế. Theo thần phả và truyền thuyết thì vào năm 791, trên đường tiến quân vào bao vây thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay), dẹp bỏ ách đô hộ của nhà Đường do Cao Chính Bình cầm đầu, Phùng Hưng đã chọn Triều Khúc làm đại bản doanh, tức khu vực đình hiện nay.

    Làng Triều Khúc

    Làng Triều Khúc

  13. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  14. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  15. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  16. Phú Thị
    Tên Nôm là Sủi, tên Hán Việt là Thổ Lỗi, nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây một làng cổ có từ thời Lý-Trần, quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan và thi hào Cao Bá Quát. "Sủi" là một từ Việt cổ, có biến âm là Lỗi (hay Luỗi), nên sau được Hán Việt hóa thành Thổ Lỗi. Tại đây có lễ hội làng Sủi, diễn ra trong ba ngày từ 1 đến 3/3 âm lịch, để tưởng nhớ đến công đức của Nguyên phi Ỷ Lan và Tướng quân Đào Liên Hoa.
  17. Đình Dù
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  18. Lạc Đạo
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  19. Xuân Đào
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  20. Ngụ cư
    (Người) từ nơi khác đến và sinh sống ở nơi không phải là quê hương của mình.
  21. Chánh chi
    Những chi họ định cư chính thức lâu đời tại một làng, một địa bàn nào đó, để phân biệt với dân ngụ cư là những người mới đến lập nghiệp.
  22. Hốt
    Vật cầm tay của vua quan ngày xưa khi ra chầu, dạng thẻ mỏng và dài, có việc gì định nói thì viết lên. Hốt của vua thường làm bằng ngọc (ngọc khuê), hốt của quan đại phu thường làm bằng ngà hay xương cá, hốt của quan bậc thấp hoặc kẻ sĩ thì thường làm bằng gỗ hoặc tre, trúc.

    Quan cầm hốt

    Quan cầm hốt

  23. Phan Bá Vành
    Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân từ năm 1821 đến năm 1827 chống lại ách thống trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì là con thứ ba trong gia đình, ông còn được gọi là Ba Vành. Ba Vành có sức khỏe phi thường và tài ném lao. Khoảng năm 1821 (có sách chép là 1825 hoặc 1826), ông tập hợp dân nghèo nổi dậy, đánh chiếm nhiều đồn của quan quân nhà Nguyễn ở Thái Bình. Đến năm 1827 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Ba Vành bị bắt và cắn lưỡi tự sát trên đường áp giải về kinh.
  24. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  25. Mỹ An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long.