Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  2. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  3. Chòi mòi
    Còn gọi tòi mòi, chồi mòi, chu mòi, châm mòi, chua mòi, chóp mòi, mà ca, xô con, cây gỗ nhỏ thuộc họ Thầu dầu, cao 3-10 m, nhánh cong queo, mọc hoang ở vùng rừng thưa và đôi khi ở đồng bằng. Vỏ, cành con, lá chòi mòi dùng làm vị thuốc Đông y chữa đau đầu, tiêu chảy, làm thuốc bổ cho phụ nữ mới sinh, giúp điều kinh.

    Cây chòi mòi

    Cây chòi mòi

  4. Minh Phú
    Tên một xã thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
  5. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  6. Hổng
    Không (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi
    Vốn xấu xa, hèn kém (chó ghẻ) nhưng lại tưởng mình có danh có giá (có mỡ đằng đuôi) nên sinh ra kiêu căng, hợm hĩnh.
  8. Long An
    Một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáp với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Tiền Giang và Campuchia. Vùng đất Long An nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp như gạo tài nguyên, gạo nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen... Tỉnh có nhiều di tích lịch sử, trong đó nổi bật là văn hóa Óc Eo tại Đức Hòa, đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức tại Tân An, Chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc và Nhà trăm cột tại Cần Đước.

    Một vùng quê Long An

    Một vùng quê Long An

  9. Vàm Cỏ
    Một dòng sông ở Nam Bộ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, dài khoảng 35 km, là hợp lưu của 10 chi lưu, trong đó hai chi lưu chính trực tiếp là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Sông chảy chủ yếu qua tỉnh Long An và làm ranh giới giữa Long An và Tiền Giang, rồi cuối cùng đổ vào sông Soài Rạp.

    Về tên gọi sông Vàm Cỏ, có hai cách giải thích:

    - Theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, "Vàm: ngã ba sông rạch, nơi một con rạch giáp với sông hay một con sông nhỏ giáp với sông lớn”. Ở đây, ý nói sông Vàm Cỏ là sông nhỏ, giáp sông Soài Rạp. Do hai bên bờ mọc nhiều cỏ, gọi là Vàm Cỏ.
    - Các tài liệu của Pháp gọi sông Vàm Cỏ là “Vaïco” bắt nguồn từ tiếng Khmer “piăm vaïco”, nghĩa là "vàm lùa bò". Người Việt đọc chệch thành Vàm Cỏ.

    Cách giải thích thứ 2 được nhiều người tán đồng, vì hai chi lưu Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều bắt nguồn từ Campuchia. Hơn nữa, một số tài liệu xưa ghi nhận rằng vùng này ngày trước có nhiều trâu bò đi thành từng đàn, theo đường cố định, lâu ngày trở thành cái láng, con rạch, thậm chí con sông.

  10. Xáng
    Tàu, thuyền lớn (phương ngữ Nam Bộ). Từ này cũng như từ xà lan có gốc từ tiếng Pháp chaland, một loại tàu có khoang chứa rộng thường dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc...
  11. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  12. Chẽ
    Nhánh của một buồng, một chùm, như chẽ lúa, chẽ cau...
  13. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  14. Ngãi nhơn
    Nghĩa nhân (phương ngữ Nam Bộ).
  15. Dương gian
    Cõi dương, thế giới của người sống, đối lập với cõi âm hay âm phủ là thế giới của người chết.
  16. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  17. Hàng
    Quan tài (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Lụa
    Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    (Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)
  19. Đây là hai câu trong bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, một thi sĩ Trung Quốc thời Đường. Nguyên văn Hán Việt:

    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
    Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

    Trần Trọng Kim dịch:

    Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
    Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
    Con thuyền đậu bến Cô Tô
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

  20. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  21. Vượt biên
    Trốn ra nước ngoài.
  22. Thiên cung
    Cung điện trên trời, cũng gọi là thiên đình. Theo thần thoại Trung Quốc và một số nước Đông Á (trong đó có Việt Nam), trên trời có cung điện cho Ngọc Hoàng và các thần thánh ăn ở, vui chơi và trông coi mọi việc trong vũ trụ.
  23. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  24. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  25. Từ Sơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Từ Sơn là một phủ (nên còn gọi là Phủ Từ), thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Sau cách mạng tháng Tám (1945), bỏ cấp phủ, đổi làm huyện Từ Sơn. Hiện nay Từ Sơn thị xã cửa ngõ phía Nam của Bắc Ninh, tiếp giáp Hà Nội. Từ Sơn là quê hương của các vị vua nhà Lý và nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Vạn Hạnh Thiền sư, Ngô Gia Tự, Trần Đức Thảo...
  26. Nhị Hà
    Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
  27. Ba mươi sáu phố
    Một cách gọi của đô thị cổ Hà Nội, khu vực dân cư nằm về phía đông của hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung nhiều hoạt động buôn bán. Khu vực này rộng hơn khu phố cổ Hà Nội ngày nay.

    "Ba mươi sáu" là một con số mang tính ước lệ, số phố thực tế nhiều hơn con số này, và thay đổi theo thời kì.

  28. Minh mông
    Mênh mông (cách phát âm ở một số vùng Nam Bộ).
  29. La bàn
    Còn gọi là địa bàn, một dụng cụ xác định phương hướng, được người Trung Quốc phát minh vào khoảng thế kỉ 11. La bàn gồm có một kim nam châm luôn luôn chỉ phương Bắc - Nam. Từ này được tạo thành bởi hai chữ la (lưới - người Trung Quốc quan niệm trời đất là lưới võng, như thiên la địa võng) và bàn (vật tròn dẹt).

    La bàn

    La bàn

  30. Mỹ An
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long.
  31. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần