Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bông nổi cho chim, bông chìm cho cá
    Cảnh vụ mùa ở các vùng chiêm trũng miền Bắc và Bắc Trung Bộ ngày trước.
  2. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  5. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Tếch
    Bỏ đi, chuồn đi.
  7. Tôm sú
    Cũng gọi là tôm cỏ, một loài tôm biển được nuôi làm thực phẩm rất phổ biến ở nước ta.

    Tôm sú

    Tôm sú

  8. Củ kiệu
    Còn được gọi là hành tàu, hẹ tàu, một loài cây thuộc họ Hành, củ màu trắng, lá bọng. Củ kiệu muối là món ăn quen thuộc của dân ta, nhất là vào những ngày Tết (còn gọi là dưa kiệu). Củ kiệu cũng là vị thuốc Đông y giúp làm ấm bụng, bổ thận khí, lợi tiểu...

    Củ kiệu muối

    Củ kiệu muối

  9. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  10. Thực bất tri kì vị
    Ăn mà không biết mùi vị (chữ Hán).
  11. Cù Du
    Thật ra Cù Du không phải là địa danh, mà là tên một loại chiếu được dệt ở các làng nghề ở Phú Yên. Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776 có nói đến hộ quan tịch (dệt chiếu), hộ cù du.” Trước năm 1945, ở xã Trường Thịnh ở Phủ Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã Hoà Vinh, huyện Tuy Hoà) có khoảng 20 hộ nông dân làm nghề dệt chiếu. Người Trường Thịnh gọi chung số hộ nông dân này là Cù Du. Chiếu Cù Du sở dĩ được ưa chuộng vì bền và dày.
  12. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  13. Ngân Sơn
    Một địa danh nay thuộc thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày trước đây là phường lụa Ngân Sơn, có cách đây hơn 300 năm. Phường lụa có ba sản phẩm là gấm, lụa và lãnh. Cả ba sản phẩm đều dệt từ tơ tằm, chỉ khác nhau ở cách dệt và cách nhuộm. Lụa thường không nhuộm, có màu trắng như vỏ trứng gà dùng để may áo; lãnh được nhuộm đen để may quần. Gấm lụa của phường lụa Ngân Sơn rất đắt, chỉ có nhà khá giả mới mua nổi mà mặc, đồng thời từng là sản phẩm cống vua, dùng để may trang phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu.
  14. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  15. Ốt dột
    Xấu hổ (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Từ này đôi khi được viết là oốc doộc.
  16. Giùm
    Giúp đỡ (thường là về tiền bạc, vốn liếng) (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Trùm
    Người đứng đầu một phường hội thời xưa.

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

    Nghệ sĩ Minh Nhí trong vai trùm Sò (áo the xanh) trong vở cải lương Ngao Sò Ốc Hến

  18. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  19. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  20. Cun cút
    Cũng gọi là chim cút, một loài chim nhỏ cùng họ với gà, đuôi cộc, chân ngắn, lông màu nâu xám, thường sống ở đồi cỏ, lủi rất nhanh trong bụi cây. Chim cút cũng được nuôi để lấy thịt, trứng.

    Chim cút

    Chim cút

  21. Khoai mì
    Miền Trung và Nam gọi là sắn, một loại cây lương thực cho củ. Củ sắn dùng để ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến sắn lát khô, bột sắn nghiền, tinh bột sắn... Sắn cũng thường được ăn độn với cơm, nhất là trong thời kì khó khăn (như thời bao cấp).

    Khoai mì luộc

    Khoai mì luộc

  22. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  23. Bường
    Bằng (từ cổ).
  24. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  25. Thịt nấu đông
    Món ăn truyền thống, phổ biến vào dịp Tết. Thành phần chủ yếu gồm thịt chân giò hoặc thịt gà, mộc nhĩ, nấm hương.

    Thịt nấu đông

    Thịt nấu đông

  26. Rỗ
    Bề mặt bị lồi lõm lỗ chỗ. Mặt rỗ thường do nhiều sẹo nhỏ di chứng của bệnh đậu mùa, mụn...gây nên.
  27. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).