Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  2. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  3. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  4. Cốc
    Loài chim lội nước thuộc họ Bồ nông, thức ăn là các loại động vật thủy hải sản nhỏ

    Chim cốc

    Chim cốc

  5. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  6. Thuôn
    Chế biến món ăn làm từ thịt bằng cách nấu nhiều nước cùng với hành và rau răm.

    Thịt bò thuôn

    Thịt bò thuôn

  7. Đông Triều
    Tên một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh, là vùng đất cổ có từ thời Bắc thuộc, ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa. Đây cũng là nơi phát hiện ra than đá đầu tiên ở Việt Nam, và than đá Đông Triều đã được khai thác từ rất sớm – từ những năm 1820.

    Lăng mộ vua Trần ở đập Trại Lốc

    Lăng mộ vua Trần ở đập Trại Lốc

  8. Ăn đại táo, ở đại gia, đi đại xa, làm đại khái
    Ăn ở bếp ăn tập thể (đại táo), ở nhà tập thể (đại gia), đi tàu điện (đại xa), làm việc qua loa (đại khái). Câu này mô tả hài hước cuộc sống của cán bộ công nhân viên chức dưới thời bao cấp.
  9. Sim
    Loại cây thân gỗ nhỏ, mọc hoang nhiều ở các vùng đồi núi, cho hoa màu tím, quả khi chín có thịt màu tím đậm, vị ngọt chát. Theo Đông y, tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc.

    Hoa sim

    Hoa sim

    Quả sim

    Quả sim

  10. Nghĩa là: Núi không cao, sông không sâu, nam gian trá, nữ hoang dâm. Câu thành ngữ được cho là nói về Huế.
  11. Ô thước
    Con quạ (ô) và con chim khách (thước). Trong một số ngữ cảnh, từ này được dùng để gọi chung một loài chim.
  12. Thậm
    Rất, lắm.
  13. Đời nào ngồi bên cây liễu lại tơ tưởng đến cây tùng (tức vợ người khác).
  14. Phan Bá Vành
    Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân từ năm 1821 đến năm 1827 chống lại ách thống trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì là con thứ ba trong gia đình, ông còn được gọi là Ba Vành. Ba Vành có sức khỏe phi thường và tài ném lao. Khoảng năm 1821 (có sách chép là 1825 hoặc 1826), ông tập hợp dân nghèo nổi dậy, đánh chiếm nhiều đồn của quan quân nhà Nguyễn ở Thái Bình. Đến năm 1827 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Ba Vành bị bắt và cắn lưỡi tự sát trên đường áp giải về kinh.
  15. Ba Rãng
    Tên một người con trai của người thầy võ đã dạy Phan Bá Vành môn đánh đao.
  16. Tráng là đường đao rộng, lộn là đường đao hẹp. Câu ca dao này ý khen tài đánh đao của Ba Vành và Ba Rãng: đánh đường đao rộng thì rớt bảy đầu người, còn đánh đường đao hẹp thì ba đầu.
  17. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  18. Bể
    Biển (từ cũ).
  19. Giời
    Trời (phương ngữ Bắc và Bắc Trung Bộ).
  20. Có bản chép: Bụt ngồi bụt khóc.
  21. Có bản chép: Tay xòe chân rụt.
  22. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  23. Sáo
    Còn gọi là mành sáo, là tấm đan bằng tre, có nan to, thường treo trước nhà hoặc gần cửa sổ để che nắng. Sáo cũng có thể được treo trước bàn thờ.

    Mành sáo

    Mành sáo

  24. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  25. Đình Bảng
    Tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên Nôm là làng Báng. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ – vị vua sáng lập triều Lý, người đã dời đô về Thăng Long-Hà Nội.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng

  26. Ấm tích
    Loại ấm thường làm bằng sành hoặc gốm sứ, lớn hơn ấm trà độc ẩm (loại ấm thông dụng trong phòng khách ngày nay, có kích cỡ nhỏ vì nguyên thủy chỉ dành cho một người uống), thường được bỏ vào giỏ ủ đan bằng tre hay mây, bên trong có chằn vải bông giữ nhiệt. Ấm tích thường được dùng hãm chè xanh hoặc trà tươi, có quai cầm bên trên và có khả năng ủ chè nóng lâu.

    Bộ ấm tích

    Bộ ấm tích

  27. Tuần Giang, Nho Hứa bán chúa lập công
    Vào năm Canh Ngọ (1780), Đoan Nam Vương Trịnh Khải bị Nguyễn Hữu Chỉnh theo Tây Sơn đánh bại, chạy khỏi thành Thăng Long, qua huyện Yên Lãng (nay là Mê Linh) gặp tiến sĩ Lý Trần Quán. Quán đón Khải về nhà ở Hạ Lôi giao cho học trò là Tuần Giang (có bản chép là Tuần Khang, hoặc Tuần Trang) đưa đi trốn. Giang mưu cùng Nho Hứa (có bản chép là Nho Nứa) đem Trịnh Khải nộp cho quân Tây Sơn. Lý Trần Quán sau đó tự vẫn để tỏ lòng trung thành với chúa Trịnh.
  28. Trong nghi thức cúng mụ (cúng đầy tháng), một người bồng đứa bé trên tay, vừa đung đưa vừa hát bài này.