Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  2. Duyên số
    Số phận về tình duyên như được định sẵn từ trước theo quan điểm của Phật giáo.
  3. Ăn quận Năm, nằm quận Ba, xa hoa quận Nhất, cướp giật quận Tư
    Ở Sài Gòn trước đây (và thành phố Hồ Chí Minh trong thời bao cấp), quận 5 có nhiều quán ăn ngon, quận 3 có nhiều biệt thự, quận 1 có nhiều hàng xa xỉ phẩm, còn quận 4 có nhiều băng nhóm du đãng.
  4. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  5. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  6. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  7. Có bản chép: Thân anh như cái chày vồ.
  8. Dộng
    Đánh đấm, thụi (bằng nắm tay hoặc vũ khí dạng gậy gộc). Cũng hiểu là giáng mạnh vật gì đó.
  9. Hoàng thành Thăng Long
    Gọi tắt là thành Hà Nội hoặc Hà thành, một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến nước ta. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tại thành Hà Nội đã xảy ra ít nhất hai trận đánh quan trọng: trận thành Hà Nội thứ nhất (20/11/1873) và trận thành Hà Nội thứ hai (25/4/1882). Chỉ huy thành trong hai trận này lần lượt là đô đốc Nguyễn Tri Phương và tổng đốc Hoàng Diệu.

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

    Quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất

  10. Thanh Hóa
    Một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, là một trong những cái nôi của người Việt. Cư dân Việt từ xa xưa đã sinh sống trên đồng bằng các sông lớn như sông Mã hay sông Chu. Nền văn minh Đông Sơn được coi là sớm nhất của người Việt cũng thuộc tỉnh này.

    Trong lịch sử, đã có giai đoạn Thanh Hóa được gọi là Thanh Hoa. Nhưng đến thời nhà Nguyễn, do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa mà tên tỉnh được đổi thành Thanh Hóa cho đến nay.

    Thanh Hóa có nhiều danh lam thắng cảnh và lịch sử nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, bãi biển Sầm Sơn, khu di tích Lam Kinh, cầu Hàm Rồng... Đây cũng là nơi địa linh nhân kiệt, là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, các chúa Trịnh, Nguyễn...

    Suối cá thần Cẩm Lương

    Suối cá thần Cẩm Lương

  11. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  12. Cổ Loa
    Kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thành Cổ Loa được xây theo hình trôn ốc (loa từ Hán Việt nghĩa là ốc, nên còn gọi là Loa Thành), tương truyền có chín vòng, nhưng căn cứ theo dấu tích thì có ba vòng. Theo truyền thuyết, thành Cổ Loa được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy.

    Sơ đồ Cổ Loa

    Sơ đồ Cổ Loa

  13. Thượng Nông
    Tên một làng nay là thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ở đây có Cầu ngói chợ Thượng, được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2012.

    Cầu ngói chợ Thượng

    Cầu ngói chợ Thượng

  14. Cổ Chử
    Một làng nay là thôn Cổ Chử, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
  15. Đàn bà Thượng Nông, đàn ông Cổ Chử
    Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: "Nói hai nơi này ăn nói khoe khoang dối trá không thể tin được."
  16. Cựu Ấp
    Tên nôm là kẻ Rau, nay là xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng thờ Tam Giang Đại Vương Thổ Lệnh, có nghề nuôi tằm. Hàng năm làng tổ chức lễ hội vào ngày 10 tháng Năm có các tục đua thuyền cướp kén ở ngã Ba Hạc.
  17. Bạch Hạc
    Tên làng nay là một phường thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, ngay ngã ba nơi giao nhau giữa sông Đà, sông Lôsông Hồng. Xưa kia đây chính là Phong Châu, kinh đô của nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương. Hằng năm vào tháng giêng và tháng ba, tại Bạch Hạc tổ chức lễ hội giỗ Tổ, nổi tiếng với cuộc đua thuyền trên sông Lô và tục cướp cầu.

    Hội đua thuyền Bạch Hạc

    Hội đua thuyền Bạch Hạc

  18. Yên Lập
    Tên nôm là kẻ Me, nay là một xã thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
  19. Đức Bác
    Xưa tên là Đức Liệp, cũng gọi là kẻ Lép, nay là một xã thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây vào 3 ngày đầu tháng Giêng có lễ hội Khai xuân cầu đinh, còn gọi là hội trống quân Đức Bác.
  20. Tứ Yên
    Tên nôm là kẻ Dạng, nay là một xã thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây tháng 5 âm lịch hàng năm có tổ chức hội thi bơi trải, một nét văn hóa đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc (Xem thêm).

    Bơi trải

    Bơi trải

  21. Đây là trình tự thời gian tổ chức thi bơi trải của các địa phương dọc hai bờ sông Hồng, sông Lô thuộc các huyện tỉnh Vĩnh Phúc.
  22. Gióng
    Còn gọi là quang, đồ vật làm bằng mây, gồm có đế gióng và 4 hay 6 quai gióng. Gióng được dùng kết hợp với đòn gánh - đòn gánh ở giữa, hai chiếc gióng hai bên, để gánh gạo và các loại nông sản khác.

    Quang gánh

    Quang gánh

  23. Lọi
    Gãy lìa (phương ngữ).
  24. Đòn triên
    Đòn gánh (phương ngữ Trung Bộ). Xem thêm Gióng.
  25. Cùng một hoàn cảnh như nhau (một bên mất chồng một bên mất vợ).
  26. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  27. Quay tơ, đánh ống
    Các công đoạn trong quá trình sản xuất lụa tơ tằm.
  28. Ngàn Sâu
    Một chi lưu chính của sông La, dài khoảng 131 km, bắt nguồn từ vùng núi Ông Giao Thừa (cao 1.100 m) và núi Cũ Lân (cao 1.014 m) thuộc dãy núi Trường Sơn nằm trên địa bàn giáp ranh của hai tỉnh Hà TĩnhQuảng Bình. Sông chảy về hướng Bắc qua huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) rồi hợp lưu với sông Ngàn Phố tại ngã ba Tam Soa (hay bến Tam Soa), huyện Đức Thọ tạo thành sông La.
  29. Ngàn Phố
    Một phụ lưu của sông La, chảy chủ yếu trong địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

    Đẹp lắm anh ơi! Con sông Ngàn Phố
    Sáng cả đôi bờ hoa bưởi trắng phau
    Nay mai những chuyến đò xuôi ngược
    Bưởi quê mình rời bến nối đuôi nhau...

    (Mùa hoa bưởi - Tô Hùng)

    Sông Ngàn Phố

    Sông Ngàn Phố

  30. Nứa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  31. Bụng báng
    Bụng to do nước ứ trong ổ bụng hoặc sưng lá lách.
  32. Gấy
    Gái (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Cũng hiểu là vợ.