Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bạn thương hơn nương rào
    Sống hữu hảo, thân tình với nhau thì mọi việc yên bình, ngược lại thì dù tường cao cổng kín cũng khó lòng ở yên.
  2. Thuyền hai
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thuyền hai, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  3. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  4. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  6. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  7. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  8. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  9. Sút ngạc
    (Lưỡi dao) sút ra, rời khỏi cán dao.
  10. Hạnh
    Trong ca dao, chữ hạnh ghép với các danh từ khác (như buồm hạnh, buồng hạnh, phòng hạnh, vườn hạnh, ...) thường dùng để chỉ những vật thuộc về người phụ nữ, trong các ngữ cảnh nói về sự hi sinh, lòng chung thủy, hay những phẩm hạnh tốt nói chung của người phụ nữ. Có thể hiểu cách dùng như trên bắt nguồn từ ý nghĩa chung của từ hạnhnết tốt.
  11. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  13. Cá duồng
    Một loại cá thuộc họ cá chép, mình mềm, có vảy tròn nhỏ phủ toàn thân, đầu không vảy. Có duồng cho thịt ngọt nhưng nhiều xương.

    Cá duồng

    Cá duồng

  14. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  15. Người có chức vị trong làng xã ngày xưa.
  16. Hà Lờ
    Một địa danh thuộc quận Hiếu Xương trước đây, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
  17. Vịt
    Một loại giỏ tre đan theo hình con vịt, dùng để đựng tôm cua, cá...
  18. Ngọt ngay
    Cũng nói là ngọt ngây, cách nói của Trung và Nam Bộ để mô tả vị ngọt đậm đà.

    Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây
    Ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây

    (Hành trình trên đất phù sa - Thanh Sơn)

  19. Láng
    Vùng đất thấp, đôi khi ngập nước, có nhiều đầm, ao hồ, sông rạch. Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, "láng" có nghĩa là đầm, đìa. Trong tiếng Việt, từ này thường được ghép với một từ khác để chỉ địa danh: Láng Sen (Đồng Tháp Mười), Láng Le (Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh), Láng Cò...

    Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Đồng Tháp Mười, Long An

    Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Đồng Tháp Mười, Long An

  20. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  21. Chân
    Thật, không giả dối (từ Hán Việt). Người Trung và Nam Bộ phát âm thành chưn.
  22. Quân thần
    Đạo vua tôi, một trong tam cương theo quan niệm Nho giáo về đạo lí thời phong kiến.
  23. Bài ca dao thực ra là hai câu thơ trích trong tập thơ Nôm có tựa Trần Quản Cơ dữ Gia Nghị Binh nói về Trần Văn Thành, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Tập thơ do một tu sĩ tên Vương Thông thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương viết (sinh thời Trần Văn Thành có tham gia giáo phái này). Xem thêm về Trần Văn Thành và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa trên Wikipedia.
  24. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Vàng mười
    Vàng nguyên chất.
  26. Ước thệ
    Hẹn thề (từ Hán Việt).
  27. Giao ngôn
    Lời hứa, lời ước hẹn (giao nghĩa là bền chặt).
  28. Tày
    Bằng (từ cổ).
  29. Vượt Vũ môn
    Ở thượng lưu sông Hoàng Hà (giữa huyện Hà Tân, Sơn Tây và Hán Thành, Thiểm Tây, Trung Quốc) có mõm đá như hình cái cửa. Tương truyền thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ trị thủy đã đục phá mõm đá này cho rộng ra, nên gọi là Vũ môn (cửa vua Vũ), cũng gọi là Cửa Vũ hay Cửa Võ. Theo Tam Tần KýThủy Kinh Chú thì Vũ môn có sóng dữ, hàng năm vào tiết tháng ba cá chép khắp nơi kéo về vượt qua Vũ môn, con nào nhảy qua được thì hóa rồng. Nhân đó, cửa Vũ dùng chỉ chốn trường thi và thi đỗ gọi là vượt Vũ môn.

    Theo Đại Nam nhất thống chí thì ở nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Khai Trường huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là dòng suối có ba bậc. Tương truyền hàng năm đến tháng 4 mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng chảy qua Vũ môn để hóa rồng.

  30. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  31. Cót
    Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.

    Đan cót

    Đan cót

  32. Móc
    Sương đọc thành hạt trên lá cây, ngọn cỏ. Thường dùng chung với mưa, thành mưa móc.
  33. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  34. Đồng Ngổ
    Tên một cái đèo nay thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nằm sát bờ sông Vệ, trước đây khét tiếng là chốn rừng thiêng nước độc.
  35. An Ba
    Cũng có tên là Ba Tơ, một vùng cát trắng phẳng lì rộng lớn nằm ở thượng lưu sông, ngày nay thuộc xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
  36. Thiệt thà
    Thật thà (thổ ngữ Trung và Nam Bộ).